Bởi không phải xáo trộn nào cũng là ung thư mà ngay cả khi bị ung thư chăng nữa cũng không phải tuyệt vọng. Hôm nay, chúng ta không chỉ bàn về ung thư mà sẽ nói với nhau về những câu chuyện của tuyến vú. Những xáo trộn lành tính, những xáo trộn ác tính, câu chuyện về đôi gò bồng đảo mà tạo hoá đã vẽ nên một cách tuyệt mỹ trên thân thể người phụ nữ”.
Ung thư: bi quan, tuyệt vọng, chuyện xưa rồi
Bác sĩ Chấn Hùng khuyên: “Chỉ cần bà con nhớ điều này: đến khoảng 30 tuổi trở lên, có một cục nhỏ không đau hoặc ít đau thì nên cảnh giác. Còn lại những xáo trộn của tuyến vú như: nang vú, xơ nang, sợi bọc… người chuyên môn gọi là xáo trộn lành tính. Nhưng cũng có khi còn có cục khác, không lành… vì thế đừng ỷ y, nên đi thăm khám bác sĩ”.
“Vậy đã bị ung thư, trở thành gánh nặng cho chồng con làm chi, thôi để chết cho rồi”, một bạn đọc than. Bác sĩ Chấn Hùng trấn an ngay: “Muốn cho đỡ gánh nặng chồng con, bỏ đi sao được. Không nên bi quan như thế mà cần nhìn tươi sáng. Có trường hợp như bệnh tim mạch đột tử, chết cái bụp, tiểu đường mù mắt… nhưng ung thư nếu phát hiện sớm, chữa đúng cách, tuy có đau đớn nhưng sẽ qua.
Tất nhiên cũng không loại trừ trường hợp tái phát. Tôi có nhiều bệnh nhân, nghe tin mình bị ung thư, bình tĩnh lắm, còn nghĩ đến chuyện phải tranh thủ thời gian điều trị kịp thời, sau đó còn rất tự tin, xốc vác lo cho mọi người”. Bác sĩ Trần Văn Thiệp kể: “Chúng tôi khám bệnh, người phụ nữ luôn có chồng đi theo, phần lớn mấy bà đều nói: “Con tui nhỏ quá, làm sao tui chết được bác sĩ ơi!” - “Còn ổng đây chi!” - “Trời ơi làm sao ổng lo được, lỡ ổng đi lấy vợ bé bỏ con…”.
Bác sĩ Thiệp kể tiếp, cũng có tình huống người bệnh bình tĩnh, trong khi người chồng quá lo lắng đến nỗi tôi phải la: “Thôi, chị thấy bình thường mà anh làm hồi chị quýnh giờ”. Chúng tôi rất hiểu và gặp nhiều trường hợp như vậy, mỗi người một kiểu. Đó là những cảm xúc đáng được chia sẻ. Nhưng kinh nghiệm của chúng tôi thì chẩn đoán, phát hiện bệnh sớm, giai đoạn 1 thì đến 90% là sống tốt”.
Bác sĩ Chấn Hùng nhẹ nhàng tư vấn thêm: “Tôi đã hơn 40 năm trong nghề và luôn luôn cập nhật những kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới trong điều trị ung thư: nhiều tiến bộ về chẩn đoán và phương pháp điều trị. Với kinh nghiệm và kiến thức của mình, tôi nghĩ, nếu không tin vào y học, lạc quan trong điều trị mà chỉ bi quan, sợ hãi, không điều trị đúng cách thì chỉ có hại cho mình thôi.
Ai cũng có thể bị bệnh ung thư, điều quan trọng là chú ý giữ gìn sức khoẻ cá nhân, phát hiện bệnh sớm thì kết quả điều trị tốt. Cũng có thể nói là rất tốt. Bi quan và thành kiến về ung thư, là nan y, là bi kịch, là chuyện xưa lắm rồi!”.
Đàn ông có bị “xáo trộn tuyến vú”?
Một người đàn ông nhấp nhổm một lúc, rồi cũng đứng lên: “Đếm đi đếm lại, phòng có trăm người thì chưa tới chục người là đàn ông. Nhưng gia đình tôi có trường hợp này, ông nội và hai bác trai đều bị ung thư vú, vậy cháu trai có bị không?”.
Câu hỏi vừa dứt, đã nghe nhiều tiếng lao xao trong phòng. Bác sĩ Chấn Hùng trả lời ngay: “Con trai cũng có vú thì cũng có thể bị ung thư nhưng rất hiếm so với phụ nữ. Các bệnh khác của tuyến vú nam gồm có: trẻ nhỏ 5-6 tuổi có khi có hột nhỏ trong vú, chỉ thoáng qua một thời gian, nhưng thường nhất là người lớn thấy vú mình phì lớn, thường ở một bên như của phụ nữ, bác sĩ gọi là nữ hoá tuyến vú, cần khám bác sĩ để cho thuốc, có khi cần mổ, chứng này là xáo trộn lành tính”.
Bác sĩ Thiệp bổ sung: “Thường đàn ông ít ai để ý, đây là một tình huống hy hữu. Đối với ung thư vú ở nam giới, cũng có tính di truyền, nhưng gene khác với phụ nữ. Có hai gene gây ung thư vú, và thường gene số 2 gây ung thư vú ở nam. Đây là tình huống ít gặp, câu hỏi khó đối với chúng tôi. Ung thư vú đàn ông khó trị hơn phụ nữ vì các bậc mày râu không nghĩ tới bệnh này nên đến khám trễ. Hơn nữa, bộ phận này của nam giới rất thô sơ, không có rào cản, căn bệnh tiến triển nhanh. Triệu chứng thông thường là có một cục cộm trong vú, thường không đau”.
Bác sĩ Chấn Hùng nhấn mạnh: “Nên nhớ không cứ có mối liên hệ di truyền mà ung thư xuất hiện. Ung thư phần lớn được phát hiện trễ là vì các triệu chứng ban đầu phần lớn im lìm, không tương xứng với căn bệnh mà ai cũng biết là rất dữ, do đó cần tự mình giữ gìn sức khoẻ cá nhân, sống cân bằng, lành mạnh”.
Ông cho biết thêm, trong phẫu thuật điều trị ung thư vú gồm có hai phần: đoạn nhũ để điều trị bướu và nạo hạch nách để điều trị hạch di căn. Trong ung thư vú, giai đoạn sớm thì tỷ lệ di căn hạch rất thấp, khoảng 20%. Nếu nạo hạch nách thường quy có thể để lại di chứng như giới hạn cử động cánh tay, phù nề mạch bạch huyết cánh tay… Phẫu thuật điều trị ung thư vú có khác nhau ở nam giới và nữ giới, do tuyến vú của nam giới có cấu trúc thô sơ nên bướu dễ xâm lấn vào cơ ngực. Tuy nhiên, ngày nay người ta nhận thấy ung thư vú ở nam giới có tiên lượng tốt, vì tỷ lệ thụ thể nội tiết dương tính cao hơn ở nữ giới. Người bệnh có thể được hưởng lợi ích từ điều trị nội tiết và nếu ung thư vú ở nam giới được phát hiện sớm cũng chỉ cần đoạn nhũ đơn giản, không cần phải cắt sâu tới cơ ngực”.
Phẫu thuật thẩm mỹ cho bộ ngực
Vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ làm cho bộ ngực của phụ nữ trở nên đẹp hơn là nhu cầu chính đáng. Đã có nhiều bệnh viện và các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ làm việc này. Còn đối với chị em phụ nữ kém may mắn bị ung thư vú phải đoạn nhũ là một mất mát, đôi khi làm cho họ sống trong mặc cảm. Không ít trường hợp tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Bác sĩ Thiệp trả lời một câu hỏi của một bạn đọc nhưng đồng thời cũng là tâm sự của ông: “Hiện nay, phẫu thuật đoạn nhũ và phẫu thuật đoạn nhũ tiết kiệm da – tái tạo vú tức thì, có mức độ an toàn như nhau về mặt điều trị ung thư. Điều này đã được chứng minh ở các nước tiên tiến trên thế giới cũng như công trình nghiên cứu của bệnh viện ung bướu TPHCM.
Hiện nay, với các tiến bộ của phẫu thuật, có thể giữ được hình dạng của bộ ngực và bảo đảm được kết quả điều trị là niềm hạnh phúc lớn lao của tôi khi áp dụng được cho phụ nữ Việt Nam. Trường hợp tái tạo vú đầu tiên của tôi là cho một phụ nữ rất trẻ. Cô sắp lập gia đình, có nguy cơ phải huỷ hôn ước vì lo sợ điều trị sẽ bị mất một bên vú. Sau khi điều trị, cô vẫn giữ được dáng hoa và đã lập gia đình được 5 năm nay. Đó là điều làm cho tôi rất hạnh phúc mà quên đi mệt nhọc trong công việc”.
Những câu chuyện cảm động tương tự rất nhiều tại buổi tư vấn. Bác sĩ Chấn Hùng rất cảm động khi trả lời trực tiếp cho một bạn đọc dám nói trước mọi người chị đã trải qua điều trị hai căn bệnh ung thư khác nhau và nhờ ông tư vấn những chuyện cụ thể để phòng bệnh tái phát. Dù rắn rỏi nhưng đôi mắt của người phụ nữ ấy ngấn nước. Cả khán phòng như chùng xuống. Nhưng không khí ấy qua mau, bởi những câu chuyện kể thân tình, những lời khuyên thiết thực, bổ ích... như một bàn tay ấm áp kịp thời của bác sĩ đã kéo những bệnh nhân chênh vênh bên bờ vực tinh thần trở lại cuộc sống.
Bác sĩ Chấn Hùng nhắn nhủ, theo ông, cần có mấy điều kiện để cho sức khoẻ mọi người, nếu biết tuân thủ, sẽ không cần phải uống thuốc bổ dưỡng nào, mà chỉ cần sống thuận theo tự nhiên của mình. Đó là ăn lành (ăn đúng cách, điều độ), ngủ đủ (sẽ tiết ra nội tiết giúp cơ thể điều hoà, da dẻ khoẻ đẹp), tập đều (tập luyện đều đặn, đúng cách không chỉ chống béo phì mà chính trong quá trình tập luyện, những nội tiết hữu ích tiết ra làm cơ thể khoẻ mạnh), sống vui (nụ cười không chỉ thể hiện niềm vui mà chính nó tác động ngược trở lại vào bên trong, làm cho cơ thể hài hoà). Chưa kể nếu chúng ta nghĩ đến những điều tốt đẹp thì những người chung quanh ta cũng sẽ bắt được “tần số” ấy để cùng sống vui với mình, tạo ra “làn sóng lành” mà đạo sư người Ấn Độ lừng lẫy Vive Kananda đã nói. Đó cũng là cái lý lớn hơn cả việc phòng và chữa bệnh của bác sĩ. Nó tụ lại tất cả những bài thuốc hiệu nghiệm mà thâm sâu và cũng là những điều rất cơ bản để con người có thể tự phòng và chữa bệnh.