Uống thuốc sai giờ, thuốc lành thành độc

Ngày đăng: 01/06/2010 Lượt xem 2797

Phụ thuộc vào cơ thể

 

Một thứ thuốc đưa vào cơ thể, hiệu lực của nó tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng chủ yếu là do tính dung nạp (nói theo dân dã là tính “hạp” hay “chịu”) của cơ thể đối với thuốc và sự chuyển hoá thuốc trong cơ thể, đưa đến tác dụng.

 

Về tính dung nạp thuốc: tức là sức chịu đựng của cơ thể đối với thuốc, nếu cơ thể không dung nạp thuốc tốt thì thuốc sẽ có tác dụng xấu, thậm chí có thể gây độc. Nhiều nghiên cứu cho thấy tính dung nạp thuốc của cơ thể cũng biến đổi theo chu kỳ tương ứng với chu kỳ sinh học trong cơ thể có liên quan.

 

Thí dụ chu kỳ sinh học của sự tiết adrenalin nội sinh là đạt mức tối đa vào lúc chín giờ sáng trong ngày, nếu tiêm thuốc adrenalin vào thời điểm này hoàn toàn không có lợi vì cơ thể đã có sẵn adrenalin. Hay như người ta đã nghiên cứu cho thấy độc tính của thuốc chống ung thư 5-Fluoruracil nếu tiêm vào buổi sáng sẽ mạnh gấp đôi so với buổi chiều, tức là sự chịu đựng của cơ thể đối với thuốc chống ung thư này tốt hơn vào buổi chiều.

 

Về chuyển hoá thuốc: nhiều thuốc nếu được cơ thể chuyển hoá nhanh, tác dụng sẽ mạnh nhưng ngắn. Còn chuyển hoá quá chậm, tác dụng sẽ yếu và kéo dài. Không kể có trường hợp chuyển hoá chậm có thể tích luỹ lại trong cơ thể gây ngộ độc. Qua nghiên cứu người ta nhận thấy sự chuyển hoá thuốc không phải lúc nào cũng giống nhau mà có sự thay đổi theo chu kỳ hàng ngày, lý do là sự chuyển hoá thuốc tuỳ thuộc vào hoạt động của các enzyme, gọi là enzyme chuyển hoá thuốc. Bản thân các enzyme hoạt động theo chu kỳ và cả hệ nội tiết có ảnh hưởng nhiều đến điều hoà các enzyme cũng hoạt động theo chu kỳ.

 

Như vậy, rõ ràng là tác dụng của thuốc có tuỳ thuộc vào yếu tố thời gian. Dùng thuốc đúng lúc thì tác dụng sẽ tốt nhất. Dùng thuốc không đúng lúc không những không làm khỏi bệnh mà có khi có hại vì làm rối loạn thêm cấu trúc sinh học theo thời gian của cơ thể.

 

Dùng thuốc phải đúng chỉ định

 

Cho tới nay, có nhiều thuốc được nghiên cứu để chọn thời điểm cho thuốc tối ưu trong ngày. Thí dụ như thuốc loại glucocorticoid được dùng trị hen suyễn thì có khuyến cáo nên dùng vào buổi sáng. Thậm chí để hạn chế tác dụng phụ nguy hiểm của glucocorticoid, có khi phải uống thuốc cách ngày, tức hai ngày dùng thuốc một lần. Trái lại, thuốc theophyllin thì khuyến cáo nên dùng vào chiều tối.

 

Đặc biệt đối với thuốc trị ung thư là thuốc có độc tính, khai thác hiện tượng cơ thể nhạy cảm với thuốc không đồng đều trong ngày, các nhà khoa học hiện cũng đang tìm cách nâng cao hiệu quả điều trị, bảo đảm người bệnh vẫn chịu đựng được những thuốc có độc tính cao. Nói cách khác, nếu chọn được thời điểm cho thuốc tối ưu thì có thể giảm được sự độc hại mà không cần phải giảm liều thuốc. Thậm chí, người ta còn hy vọng rồi đây sẽ sử dụng được tất cả những chất trước đây dùng trị ung thư nhưng sau đó phải loại bỏ vì quá độc.

 

Đối với người sử dụng thuốc, nên lưu ý dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc hoặc theo đúng bản hướng dẫn sử dụng. Không những theo đúng loại mà còn theo đúng cách uống, đặc biệt theo đúng số lần và theo đúng thời điểm dùng thuốc trong ngày.

 

Tin liên quan