Một trong chín công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào ngày 15/1/2017 là cụm công trình Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác của Giáo sư Mai Trọng Khoa – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu và các cộng sự. Công trình này đã giúp rất nhiều bệnh nhân bị bệnh ung thư có cơ hội được điều trị thành công.
Phóng viên báo Infonet.vn đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Mai Trọng Khoa về giải thưởng này.
Xin chúc mừng Giáo sư và cộng sự khi cụm công trình Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hoá trong chẩn đoán và điều trị ung thư và một số bệnh lý khác đã được Nhà nước ghi nhận. Xin ông cho biết hành trình đi đến thành công của công trình này?
GS Mai Trọng Khoa: Thực tế, trong quá trình khám và chữa bệnh, có những cái thầy thuốc làm được; Có cái khám, chẩn đoán được mà lại không điều trị được hoặc điều trị thất bại.
Có những trường hợp thầy thuốc hoàn toàn bất lực trước bệnh đã có từ lâu hoặc bệnh mới xuất hiện mà không biết phải làm gì.
Đối với lĩnh vực ung thư, khó khăn đó nhân lên gấp bội vì bản thân bệnh ung thư đã là bệnh nan giải nhất. Có nhiều loại ung thư, có ung thư kết quả chữa trị chưa được như mong muốn, nhưng có bệnh đạt được kết quả cao. Bác sĩ phải làm gì để mọi bệnh ung thư đều có thể đạt được kết quả điều trị cao là điều mà tôi nghĩ.
Ở các nước phát triển, qua khoa học công nghệ, kỹ thuật, họ đã điều trị được nhiều bệnh ung thư. Nhưng Việt Nam là nước đang phát triển, các thiết bị máy móc, thuốc men để chữa bệnh đều không sản xuất được mà phải nhập khẩu. Trong khi đó bệnh ung thư ở Việt Nam tăng cao, số bệnh nhân tử vong về ung thư cũng cao. Điều đó có nghĩa là ta đang đứng trước thách thức lớn.
Vì thế những người làm y tế như chúng tôi luôn trăn trở, nếu cứ như thế này làm sao chẩn đoán và điều trị tốt cho bệnh nhân được?
Những lúc ấy, tôi ước giá như mình có máy đó, thiết bị đó, công cụ đó, thuốc đó, người bệnh sẽ được cứu. Chỉ vì chúng ta không có nên bệnh nhân ra đi còn thầy thuốc đứng nhìn họ mất.
Một bệnh nhân rồi hàng trăm bệnh nhân như thế, khiến tôi luôn nghĩ làm thế nào để mình tiệm cận được công nghệ này, làm chủ được công nghệ này ở Việt Nam.
Tôi đi ra nước ngoài học. Bản thân khi đi học các kỹ thuật hàng đầu thế giới của Nhật, Mỹ, Pháp… vừa học tôi vừa nghĩ mọi cách để đưa được kỹ thuật này về Việt Nam và phải thực hiện ứng dụng trên người Việt.
Sau khi đi học về, tôi xin chủ trương để nhập các thiết bị về bằng nhiều con đường khác nhau như các hình thức xã hội hoá, liên kết, liên doanh. Nhờ đó thiết bị hàng đầu được đưa về Việt Nam.
Thậm chí có thiết bị lần đầu tiên được đưa về Châu Á – Thái Bình Dương như xạ phẫu gama quay hoặc hệ thống PET - CT mô phỏng để lập kế hoạch xạ trị trên máy gia tốc. Hoặc các thiết bị mới, khó ví dụ như cấy hạt phóng xạ trong điều trị ung thư, hạt vi cầu phóng xạ…
Khi có máy, việc đào tạo nguồn nhân lực cũng quan trọng. Máy đã được lập trình nhưng làm kỹ thuật này trên người Việt Nam khác người nước ngoài nên phải sáng tạo làm sao cho phù hợp với người Việt Nam.
Mình không thể rập khuôn như máy cho người nước ngoài mà phải có liều lượng, phương thức, thể trạng để làm sao điều trị nhưng phải an toàn. Cho đến nay, rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống. Trước kia chưa chẩn đoán được, điều trị được thì nay nhờ kỹ thuật này ta đã chẩn đoán, điều trị được, bệnh nhân được cứu.
Giải thưởng Hồ Chí Minh là sự ghi nhận chứ bản thân chúng tôi khi thực hiện không phải vì giải thưởng mới làm. Hơn 20 năm nghiên cứu và ứng dụng cả cụm công trình này, đến nay đã được ghi nhận.
Trong quá trình vừa nghiên cứu và ứng dụng, khó khăn mà giáo sư và cộng sự gặp phải là gì?
GS Mai Trọng Khoa: Vì chúng tôi làm đầu tiên nên khó khăn nhiều hơn. Trước đó chưa có ai làm mẫu cho mình học, chưa có bệnh nhân, tất cả đều là mới, từ con số 0.
Chúng tôi lại làm trên người nên áp lực và trách nhiệm rất lớn vì nguy cơ tai biến là không thể sửa chữa được. Khi đưa kỹ thuật vào có an toàn không? Đó là câu hỏi đầu tiên mà tôi đau đáu. Rồi khi đưa kỹ thuật này vào có chữa khỏi được ung thư không?
Trước và sau đều không có ai làm rồi để dựa, để hỏi và rút kinh nghiệm nên áp lực với chúng tôi rất lớn. Bệnh nhân đầu tiên được đặt vào khuôn máy bước ra khỏi máy an toàn, sau 5 – 10 tháng khối u mất, họ trở về cuộc sống bình thường thì chúng tôi mới có thể an tâm.
Thứ hai, để tìm cơ chế đưa máy vào sử dụng cũng không đơn giản vì thiết bị đắt, tìm được nguồn kinh phí rất khó khăn. Nhưng được Bộ Y tế và ban giám đốc bệnh viện quan tâm nên chúng tôi mới thực hiện được.
Về nhân lực, cán bộ chưa ai biết gì cả nên chúng tôi phải tự đào tạo nguồn nhân lực, cử đi học nước ngoài, mời giáo sư về hướng dẫn. Nhờ đó, đến nay các cán bộ bác sĩ của khoa đã làm chủ được kỹ thuật, có thể chuyển giao cho các bệnh viện khác trong nước.
So với các phương pháp truyền thống là phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, những phương pháp hiện đại của Giáo sư và công sự có tính ưu việt như thế nào?
Giáo sư Mai Trọng Khoa: Nhờ có những công nghệ, thiết bị này, người bệnh thay vì phải ra nước ngoài, nay họ có thể điều trị ở Việt Nam với giá rẻ hơn rất nhiều. Điều quan trọng nhất là giúp người bệnh giảm chi phí điều trị.
Phương pháp này sử dụng cho từng bệnh nhân và kết hợp cả với các phương pháp cũ. Ví dụ bệnh nhân bị ung thư phổi di căn não nhờ kỹ thuật dao gama quay có thể xử trí được khối u ở não và sau đó sẽ tiến hành xạ trị, hoá trị khối u ở phổi. Các biện pháp này song hành với nhau để điều trị cho bệnh nhân tốt hơn.
Xin cảm ơn GS!
P.Thúy