Trường hợp thứ nhất là bé gái P.T.B.N (6 tuổi, ngụ tại P.8, Q.4). Trước khi nhập viện 2 ngày, bé N. bị sốt nên người nhà đã đến hiệu thuốc tây mua thuốc về cho uống. Chỉ trong vòng nửa ngày, bé N đã được gia đình cho uống liên tục 4 gói thuốc hạ sốt Paracetamol (Acetaminophen) loại 250mg.
Thấy bé vẫn không giảm sốt nên gia đình đã chuyển đến bệnh viện địa phương. Tại đây, N được tiếp tục cho hạ sốt bằng Acetaminophen. Sau lần sử dụng thuốc này, bé bị ói ra máu nên được chuyển đến Nhi đồng 2.
Trường hợp thứ 2 là bé gái Đ.T.T.N (10 tháng tuổi, ngụ tại Bù Đốp, Bình Phước). Trước đó, bé bị sốt cao trong 3 ngày. Theo điều tra bệnh sử của bác sĩ thì chỉ trong 1 ngày, người nhà đã cho bé uống liên tục 5 liều thuốc hạ sốt Paracetamol, loại 325mg. Sau đó, bé đã xuất hiện các triệu chứng co gồng, mạch và huyết áp rối loạn, suy chức năng gan thận…
Sau khi nhập viện, cả 2 bé được các BS khoa Cấp cứu và Hồi sức của BV Nhi đồng 2 tích cực điều trị. Đồng thời các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm và đo nồng độ Acetaminophen trong máu.
Kết quả cho thấy béB.N đã vượt quá ngưỡng ngộ độc. Bé T.N dù chưa vượt qua ngưỡng ngộ độc nhưng đã bị nhiễm trùng huyết rất nặng. Hiện cả hai bé đã qua cơn nguy kịch nhưng các bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi.
Theo BS Trịnh Hữu Tùng, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2 cho biết: “Muốn tránh ngộ độc do uống quá liều thuốc hạ sốt Paracetamol (Acetaminophen) thì không được cho trẻ uống quá liều điều trị thông thường là 40-60mg/kg/ngày chia 3-4 lần, hay quá 10-15mg/kg cân nặng/lần.
Nếu trẻ dùng liều hạ sốt như trên mà vẫn không giảm được nhiệt độ, các bậc phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, chứ không nên tự tiện dùng tiếp thuốc hạ sốt vì sẽ dẫn đến quá liều và ngộ độc thuốc”.