Hóa trị liệu trong bệnh ung thư
Một trong các bệnh gây tử vong hàng đầu hiện nay trên thế giới là bệnh ung thư. Ở nhiều nước, tỷ lệ chết vì ung thư chiếm tới 21-28% trong các nguyên nhân gây tử vong.
Trong việc điều trị ung thư có 3 phương pháp chính: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Trong đó hóa trị là phương pháp dùng thuốc diệt tế bào để chữa bệnh ung. Phương pháp này ra đời từ năm 1940 khi lần đầu tiên mà bạc nitơ được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân u lympho thấy có kết quả: Hóa trị thường sử dụng phối hợp với phẫu thuật và xạ trị, có thể được tiến hành trước hoặc sau phẫu thuật hoặc đôi khi xen kẽ với xạ trị. Các phác đồ điều trị có thể là đơn hóa trị nhưng đa hóa trị sẽ mang lại kết quả điều trị cao hơn (chống lại sự kháng thuốc). Mỗi phác đồ hóa chất được lựa chọn phù hợp với từng người bệnh và theo mục tiêu điều trị. Hóa trị liệu đã mang lại cơ may khỏi bệnh (20%) hoặc kéo dài cuộc sống (20%). Thuốc dùng trong bệnh ung thư là loại bắt buộc phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và có theo dõi chặt chẽ. Khi dùng thuốc thường có khoảng nghỉ giữa 2 đợt, sau một thời gian dùng thuốc (liều cao) để diệt tế bào ung thư thường ngưng dùng thuốc một số ngày để cơ thể bị nhiễm độc có thể hồi phục. Cách dùng thuốc có thể là uống: dạng viên, tiêm tĩnh mạch (thuốc sactinomycin, oxorubicin), truyền tĩnh mạch (cytarabin). Có khi thuốc được truyền vào động mạch (trong ung thư gan hoặc ung thư đầu, cổ), tiêm vào các khoang (phúc mạc, phế mạc, bàng quang...) nhằm làm tăng nồng độ thuốc tại chỗ và giảm được ảnh hưởng toàn thân. Đôi lúc còn được đưa trực tiếp vào khoang não tủy trong điều trị bệnh bạch cầu và một số u lympho ác tính, ngăn ngừa di căn não.