Điều trị ung thư trẻ em không chỉ là mổ

Ngày đăng: 27/10/2009 Lượt xem 3517
Ung thư (UT) trẻ em ít gặp, chiếm tỉ lệ khoảng 2% so với UT ở người lớn. Một số gia đình có con em mắc bệnh UT vẫn còn quan niệm: mổ cắt bỏ khối u là một điều trị cần thiết và duy nhất, không cần điều trị gì thêm vì cháu nhỏ sẽ không chịu nổi... Sự thực như thế nào?

Một trường hợp UT trẻ em tái phát

Cháu Đ.Q.H. 8 tuổi, quê ở tỉnh Long An được gia đình đưa đến tái khám ở bệnh viện (BV) Nhi Đồng I TP.HCM vào đầu tháng 4/2009 vì đau bụng ngày càng nhiều và có khối u sờ được ở vùng mổ cũ. Kết quả siêu âm và chụp CT bụng chậu cho thấy: có nhiều khối hạch có phản âm kém, kết dính nhau ở vùng bụng chậu bên phải, kích thước 6,6 x 7,6cm. Cấu trúc hạch bị biến đổi: mất rốn hạch, bên trong có nhiều điểm vôi hóa. Nghĩ đến bệnh Lymphoma xâm lấn và tái phát trong ổ bụng.

Cháu H. được chuyển đến BV. Ung Bướu TP.HCM ngày 6/4/2009 với lý do: bệnh Lymphoma không Hodgkin ở đoạn hồi tràng tái phát và xâm lấn trong ổ bụng không thể mổ được.


 Điều trị ung thư bằng xạ trị

Nguyên nhân

Theo bệnh án cũ, cháu H. đã nhập viện lần 1 và được mổ: cắt bỏ 30cm đoạn hồi tràng có khối u và nối ruột với kỹ thuật nối tận-tận ở BV. Nhi Đồng I ngày 25/1/2008. Kết quả giải phẫu bệnh xác định: bệnh Lymphoma dạng Burkitt ở hồi tràng đã xâm lấn mạc nối lớn.

Cháu H. đã nhập điều trị BV. Ung Bướu ngày 5/2/2008. Cháu được hội chẩn và lên kế hoạch điều trị ngày 24/ 2/2008. Nhưng gia đình bỏ về, không điều trị. Theo lời bà nội cháu: cháu bình phục ăn ngủ sinh hoạt bình thường. Lý do: gia đình cảm thấy lo lắng nhiều nếu cháu phải hóa trị(!).

Lymphoma không Hodgkin là bệnh UT gì?

Lymphoma là danh từ y học của bệnh UT hạch nguyên phát. Bệnh phát sinh do sự tăng sinh bất thường, hỗn loạn các dòng tế bào võng nội mô trong cấu trúc hạch lympho (còn được gọi là hạch bạch huyết). Ở trẻ em, bệnh lymphoma hay xảy ra ở các hạch lympho và các cơ quan ngoài hạch như: ruột, gan, lách, não, xương…. Y học cũng phân biệt 2 dạng Lymphoma Hodgkin và Lymphoma không Hodgkin, tùy theo có sự hiện diện của tế bào Reed-Sternberg hay không trong cấu trúc mô hạch bị bệnh. Lymphoma Hodgkin ít gặp hơn, có diễn tiến bệnh và điều trị khác với Lymphoma không Hodgkin. Cùng với bệnh bạch cầu cấp (tên gọi thông thường là UT máu cấp), Lymphoma là loại bệnh UT hệ tạo huyết thường gặp ở trẻ em.

UT hệ tạo huyết trẻ em có đặc điểm gì?

UT hệ tạo huyết chiếm 45% các trường hợp bệnh UT trẻ em ở nước ta, có căn nguyên là sự phát triển bất thường, hỗn loạn của các dòng tế bào máu trong tủy xương hoặc mô lympho nên UT hệ tạo huyết có diễn tiến bệnh toàn thân, nhiều cơ quan. Bệnh phát triển nhanh chóng và nặng nề vì phá hủy các thành phần của máu và làm suy giảm sức đề kháng cơ thể. Không được chữa trị, trẻ em bị bệnh bạch cầu cấp, bệnh Lymphoma… sẽ thiếu máu, chảy máu, sốt nhiễm trùng, suy mòn dần và tử vong trong 6-12 tháng sau khi được định bệnh.

Điều trị UT hệ tạo huyết hiện nay như thế nào ?

Từ sau năm 1960, việc chăm sóc và điều trị UT hệ tạo huyết có nhiều tiến bộ đáng kể nhờ các phương tiện chăm sóc tích cực (truyền dịch, truyền máu, kháng sinh, các yếu tố tăng trưởng bạch cầu, hồng cầu…), kỹ thuật ghép tủy xương, truyền tế bào gốc… Trong kế hoạch điều trị kết hợp đa mô thức, điều trị chủ yếu là hóa trị thích hợp và đầy đủ. Phẫu trị và xạ trị được dùng phối hợp trong một số trường hợp cần thiết. Chẳng hạn, mổ sinh thiết hạch để xác định mô bệnh học; mổ cắt đoạn khối u hoặc ruột khi có chèn ép gây tắc ruột. Xạ trị dự phòng vào sọ não để ngừa tái phát ở hệ thần kinh trung ương hoặc xạ trị bổ túc vào khối hạch còn sót sau hóa trị.

Kết quả điều trị UT hệ tạo huyết trẻ em hiện nay ở các trung tâm hoặc bệnh viện chuyên khoa đạt 75-85% ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Điều trị UT trẻ em không chỉ là mổ mà thôi

Về mặt nguyên tắc, kế hoạch điều trị bệnh UT dựa trên: chẩn đoán xác định bệnh, giai đoạn bệnh, độ tuổi, tình trạng sức khỏe chung của người bệnh. Với từng người bệnh, việc kết hợp các phương thức điều trị phẫu trị, hóa trị, xạ trị, chăm sóc nâng đỡ, dinh dưỡng hỗ trợ… nhịp nhàng, có hiệu quả là một nghệ thuật của tập thể thầy thuốc, điều dưỡng chuyên khoa ung bướu.

UT trẻ em có một số đặc điểm khác UT ở người lớn. UT trẻ em thường có nguồn gốc từ các tế bào của trung mô, chưa trưởng thành, tăng sinh mạnh mẽ, phát triển nhanh và nhiều cơ quan. Đặc biệt, bệnh có đáp ứng nhanh, rất nhạy với thuốc hóa trị và xạ trị. Đối với UT hệ tạo huyết, hóa trị mạnh tay, đầy đủ là chủ yếu và quan trọng. Đối với UT bướu đặc, việc kết hợp hóa trị hoặc xạ trị bổ túc sau mổ là cần thiết.

Trường hợp cháu H., bệnh Lymphoma không Hodgkin ở hồi tràng có dấu hiệu nghẹt ruột, việc mổ cắt bỏ khối u trước tiên là cần thiết. Tuy nhiên, hóa trị sau mổ trong tình huống này vẫn là chủ yếu, hướng đến điều trị khỏi bệnh. Không hóa trị, tình trạng bệnh Lymphoma tái phát trong ổ bụng và phát triển thêm ở các vị trí hạch khác là hiển nhiên.

Hóa trị trẻ em có đáng lo ngại không?

Trong 3 thập niên vừa qua, ngành Ung bướu nhi trên thế giới đã có nhiều tiến bộ vượt bậc và kết quả điều trị gây phấn khởi lớn. Nhờ các phương tiện chăm sóc tích cực tốt, dinh dưỡng hỗ trợ tốt, hóa trị trong điều trị UT trẻ em an toàn, hiệu quả. Trẻ em dung nạp thuốc hóa trị tốt. Tác dụng phụ chấp nhận được và kiểm soát được nếu hóa trị được thực hiện bởi đội ngũ thầy thuốc và điều dưỡng có kinh nghiệm hóa trị.

Gia đình và cha mẹ các cháu nhỏ bị UT, cần làm gì?

- UT trẻ em ngày nay có nhiều cơ may trị khỏi nếu bệnh được phát hiện và chẩn đoán sớm.

- Chú ý với 7 triệu chứng cảnh báo UT trẻ em (đã nêu trong số báo SK&ĐS cuối tuần số 539) và đưa cháu đến khám bệnh ở BV chuyên khoa Nhi hoặc Ung bướu ngay. - An tâm và hợp tác với nhân viên y tế trong chăm sóc và điều trị.

- Điều trị UT trẻ em không chỉ là mổ mà thôi. Việc chữa trị cần kết hợp phẫu trị, hóa trị và xạ trị tùy loại ung thư, giai đoạn bệnh, tuổi và tổng trạng của trẻ bị bệnh.

BS. TRẦN CHÁNH KHƯƠNG

Tin liên quan