Phóng xạ được xem là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư. Nhưng với sự phát triển của công nghệ y học, người ta lại đưa phóng xạ trở thành một biện pháp điều trị hữu hiệu căn bệnh nan y này và đang trở thành niềm hy vọng cho nhiều người bệnh. Phương pháp điều trị tiên tiến này đang được áp dụng tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.
Tìm diệt những tế bào ung thư bằng phương pháp mới
Cầm kết quả chẩn đoán bệnh ung thư biệt hóa tuyến giáp của cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học khiến ông Nguyễn Hoàng Th. (Kiến Xương - Thái Bình) choáng váng. May mắn đã mỉm cười với số phận của người kỹ sư trẻ Nguyễn Hoàng M. khi gia đình biết được tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai có thể chữa trị hiệu quả căn bệnh của M. bằng dược chất phóng xạ.
PGS.TS. Mai Trọng Khoa - Giám đốc trung tâm cho biết, ở các đơn vị điều trị ung bướu các thiết bị xạ trị nguồn kín nghĩa là dùng năng lượng của các tia bức xạ chiếu từ bên ngoài vào cơ thể người bệnh (vào các khối u). Đây là phương pháp xạ trị có từ lâu, tuy nhiên nếu các tổn thương ung thư nhiều ổ, nhiều nơi, đặc biệt các vị trí di căn rải rác nhiều nơi, li ti... thì phương pháp xạ trị ngoài này sẽ ít hoặc không có hiệu quả... Để điều trị những bệnh nhân ung thư có nhiều ổ di căn nhỏ, nằm rải rác khắp cơ thể, người ta phải sử dụng các phương pháp điều trị toàn thân để diệt tế bào ung thư như điều trị bằng hoá chất, sử dụng các đồng vị phóng xạ để đưa vào cơ thể theo đường uống, đường tiêm... Đây được gọi là phương pháp xạ trị chiếu trong. Hiện nay ở Việt Nam, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) là một mô hình lồng ghép đầu tiên về hai chuyên ngành này.
Về nguyên tắc, những tế bào ung thư rất nhạy cảm với các chất phóng xạ. Những chất phóng xạ này khi vào cơ thể (bằng nhiều con đường) sẽ theo dòng tuần hoàn máu đến những nơi có tế bào ung thư, những khối u, những tổ chức ung thư di căn để diệt những tế bào này. Ưu điểm của phương pháp là tiêu diệt được những ổ ung thư đã di căn ở nhiều nơi. Khi mà phẫu thuật hay chiếu xạ ngoài ít hiệu quả, thậm chí trong một số trường hợp không thể thực hiện được. Những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hoá (như bệnh nhân M.) sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp và tổ chức ung thư, người ta có thể cho bệnh nhân uống iốt phóng xạ (I-131). I-131 sẽ theo dòng máu tìm tới các tế bào ung thư, những tổ chức di căn (vào não, cột sống, phổi, hạch...) và tiêu diệt chúng. Đây là một trong những phương pháp điều trị dùng đồng vị phóng xạ rất hiệu qủa. Nhiều bệnh nhân sau khi dùng I-131 và khỏi bệnh vẫn có khả năng sinh sản, có tuổi thọ và cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp đáp ứng tốt với điều trị bằng dược chất phóng xạ sau khi được phẫu thuật và điều trị bằng xạ trị ngoài. Ảnh: PV
Sự kỳ diệu của khoa học
Các phương pháp chiếu xạ trong bằng các đồng vị phóng xạ còn có tác dụng điều trị giảm đau cho các bệnh nhân ung thư di căn vào xương, điều trị một số bệnh ung thư máu (bệnh đa hồng cầu nguyên phát..), ung thư gan bằng các chất keo phóng xạ, ung thư màng bụng, màng phổi.. Tùy vào mức độ tổn thương, khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân và loại chất phóng xạ được sử dụng, mà hiệu quả làm mất hoặc giảm cơn đau có thể kéo dài 3 tháng, 6 tháng hoặc hơn 10 tháng cho một lần dùng thuốc phóng xạ, giúp bệnh nhân không phải dùng liên tục, tăng liều và gây nghiện như một số loại thuốc giảm đau khác (như morphin chẳng hạn). Sau những khoảng thời gian này, nếu bệnh nhân còn đau, có thể dùng lặp lại. Tuy nhiên, không phải mọi loại ung thư đều có thể điều trị bằng các chất phóng xạ này.
Theo PGS. Mai Trọng Khoa, ở người bình thường, những tế bào sinh dục, buồng trứng, tinh hoàn, tế bào máu, niêm mạc ruột hoặc bào thai... rất nhạy cảm với các chất phóng xạ. Tuy nhiên, các tế bào ung thư lại thoả mãn được gần hết những yếu tố nhạy cảm với phóng xạ như lớn nhanh, phân chia vô hạn độ... vì vậy nếu đưa nguồn phóng xạ vào cơ thể, cái mà nó truy tìm và diệt nhanh nhất chính là các tế bào ung thư. Những phần phóng xạ không được hấp thụ hết sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu và phân. Do các chất phóng xạ rất nhạy cảm với các tế bào lành như buồng trứng, tinh hoàn, ruột... cho nên phải lựa chọn chất phóng xạ cho từng loại ung thư để không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít nhất đến những tế bào lành mà hiệu quả điều trị lại cao nhất cho người bệnh. Ví dụ, người ta có thể điều trị giảm đau do ung thư di căn vào xương bằng các chất phóng xạ như phospho phóng xạ P-32, samarium - 153, strontium - 89, những chất phóng xạ này khi vào cơ thể sẽ tập trung chủ yếu vào những tổ chức xương bị ung thư và ít tập trung vào những nơi khác trong cơ thể, phần phóng xạ không được hấp thụ sẽ bị đào thải ra ngoài.