Ung thư có thể lây từ mẹ sang con
Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Ung thư - Đại học Luân Đôn - Anh đã cùng phối hợp với các cộng sự người Nhật Bản nghiên cứu và phát hiện ra rằng, bệnh ung thư không tuân theo các nguyên lý sinh học đã được công bố. Các tế bào bạch cầu đã di chuyển từ người mẹ 28 tuổi qua nhau thai sang thai nhi.
Trong nhiều năm qua, đã có những ý kiến cho rằng bệnh ung thư có thể truyền từ mẹ sang con ở trong tử cung. Đã có 17 trường hợp bị nghi là đã truyền ung thư từ mẹ sang con, thường là bệnh bạch cầu và khối u ác tính.
Trong trường hợp gần đây nhất ở Nhật Bản, khi mang thai người mẹ không hề biết mình bị ung thư và sinh nở bình thường như những trường hợp khác, bé gái sinh ra cũng có thể trạng khỏe mạnh. Nhưng sau 1 tháng, người mẹ bị chảy máu âm đạo, các bác sĩ chẩn đoán cô mắc bệnh bạch cầu giai đoạn cuối và đã tử vong.
Khi bé gái được 11 tháng tuổi thì má phải bị sưng to, sau khi làm các xét nghiệm các bác sĩ phát hiện cô bé có một khối u ở hàm và các tế bào ung thư đã di căn xuống phổi.
Mặc dù khác với người mẹ, bé gái bị khối u ly-phô và đang trong giai đoạn giảm nhẹ, nhưng các bác sĩ Nhật Bản vẫn nghi ngờ có mối liên hệ giữa bệnh bạch cầu đã làm cho bà mẹ tử vong với khối u ở cô con gái. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ đối chiếu di truyền học để khẳng định các tế bào ung thư ở bé gái bắt nguồn từ người mẹ.
Họ phát hiện các tế bào ung thư của người mẹ và con gái có mang gene ung thư đột biến tương đồng (gene này được gọi là BCR-ABL1), nhưng cơ thể bé gái không thừa hưởng gene này. Điều này có nghĩa bệnh ung thư không thể phát triển độc lập ở bé gái mà tế bào ung thư chắc chắn đã được truyền từ mẹ sang con.
Để tìm ra các tế bào bệnh bạch cầu đã vượt qua hàng rào bảo vệ của nhau thai như thế nào, các nhà khoa học đã tìm kiếm bằng chứng về các trường hợp ngoại lệ của hệ miễn dịch. Họ kiểm tra các gene của các tế bào ung thư ở bé gái và phát hiện ra cơ chế đột biến bài trừ - một số ADN bị biến mất trong khu vực có chức năng điều khiển quá trình ép của các phân tử tương hợp mô chính.
Giáo sư Mel Greaves, người đứng đầu chương trình nghiên cứu cho biết: "Trong trường hợp này và các trường hợp truyền bệnh ung thư từ mẹ sang con khác, các tế bào ung thư từ người mẹ đã vượt qua nhau thai để xâm nhập vào bào thai đang phát triển. Chúng tôi rất tự hào khi giải quyết được vấn đề đã gây tranh cãi từ rất lâu. Nhưng chúng tôi cũng xin lưu ý, khả năng truyền bệnh ung thư từ mẹ sang con là rất ít".