Nguy cơ biến chứng ở người cao tuổi
Nguyên nhân
Căn bệnh này chủ yếu do nếp sống sinh hoạt ngồi nhiều, nhiễm khuẩn niệu đạo hoặc bàng quang cũng có thể tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Với giới trẻ, trạng thái stress trầm trọng và kéo dài cũng làm tăng nguy cơ phát bệnh. Các khối u lành tính của tuyến tiền liệt chèn ép niệu đạo và cổ bàng quang làm cho dòng nước tiểu khó đi từ bàng quang ra ngoài.
Dấu hiệu của bệnh
Tinh hoàn và hẻm háng đau, khó thực hiện chức năng “làm chồng”, đây là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Bệnh nhân khó đi tiểu, khi buồn tiểu muốn đi ngay, khi đi phải rặn mạnh, thời gian tiểu kéo dài nhưng nước tiểu ra chậm, ít, dòng nhỏ, ngắt quãng, nhỏ giọt. Đang tiểu thì dừng lại, nếu rặn cố thì lại có nước tiểu, khi tiểu xong người bệnh không có cảm giác thoải mái.
Biến chứng: U to chèn ép bàng quang, niệu đạo gây bí tiểu, Nếu không điều trị, lâu ngày sẽ dẫn đến bàng quang bị giãn, nước tiểu đọng lại nên có màu đục và khai hơn lúc bình thường, thậm chí viêm niệu đạo ngược dòng gây viêm cầu thận.
Phải làm gì khi nghi ngờ bị u tuyến tiền liệt?
Khi thấy có những dấu hiệu trên cần đến chuyên khoa tiết niệu hoặc nội khoa của các bệnh viện để làm xét nghiệm máu, thử nước tiểu khám trực tràng và chụp Xquang thận. Đặc biệt phải siêu âm để xác định chính xác khối lượng cũng như tính chất của khối u để có phương pháp điều trị kịp thời.
Về điều trị: Có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Hiện nay có rất nhiều thuốc điều trị bệnh này nhưng phải tùy vào tình trạng sức khỏe, tuổi tác, hồ sơ bệnh án của từng người, có thể điều trị theo Đông y hay Tây y. Tuy nhiên muốn điều trị thành công cần tuân thủ nghiêm các chỉ định của thầy thuốc và phát hiện kịp thời những tác dụng phụ để có hướng xử lý. Nếu điều trị thuốc không có hiệu quả hoặc khối u quá lớn hay ác tính cần phẫu thuật triệt để.
Lưu ý: Khi bị u tuyến tiền liệt người bệnh không phải ăn kiêng, tuy nhiên cần tránh các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá... nên thường xuyên tập luyện cơ bụng, tránh ngồi nhiều.
BS. Nguyễn Văn Thăng