Ung thư tinh hoàn: Nỗi kinh hoàng của nam giới

Ngày đăng: 07/10/2008 Lượt xem 5195
Ung thư tinh hoàn là nỗi kinh hoàng của nam giới. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ 1% trong tổng số ung thư nam nhưng lại rơi vào độ tuổi nam giới đang sung sức cống hiến cho sự phát triển của xã hội và họ còn đang mặn mà với chuyện vợ chồng. Điều nguy hiểm nhất, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong. Nhưng trong những năm gần đây, với sự phát triển của khoa học nên hướng chẩn đoán và điều trị mới đối với căn bệnh chết người này đã có nhiều tiến bộ rõ rệt.

Ở Mỹ, tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân bị bệnh này đạt trên 90%. Có những thể ung thư tinh hoàn được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp có thể khỏi 100%.

Đạt được kết quả trên là do ung thư tinh hoàn đã được làm rõ nguyên nhân và phân loại giải phẫu được chính xác. Điều đáng mừng nhất là các nhà khoa học đã phát hiện ra có 50 loại gen gây ung thư, trong đó có 20 loại gây UTTH. Nhưng người ta cũng phát hiện được những gen kháng u, ngăn cản không cho ung thư phát triển. Những thành tựu đó sẽ giúp người ta có hướng giải quyết tận gốc ung thư tinh hoàn trong tương lai gần. Còn trước mắt, nhờ nắm được tính chất đa dạng về giải phẫu bệnh của ung thư tinh hoàn nên người ta đề ra được chiến lược điều trị kết hợp đa hình thái, mang lại kết quả cao.

Trong UTTH, việc chẩn đoán, giải phẫu bệnh lý đóng vai trò quan trọng. U tinh ở giai đoạn I, tỷ lệ sống sau 5 năm là 98%, ở giai đoạn II thì chỉ đạt 95% và ở giai đoạn III thì chỉ còn 6%. Ngoài ra còn phải chú ý đến tình trạng di căn. Bệnh nhân đã có di căn hạch thì tiên lượng xấu hơn là chưa có di căn hạch. Số di căn hạch càng nhiều thì tiên lượng càng xấu.

Nhóm nào có nguy cơ bị bệnh cao?

Nhìn chung, ung thư tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất là tuổi 20-50 (chiếm 79,46), cao nhất từ 30-40 tuổi. Loại ung thư biểu mô phôi và ung thư rau hay xảy ra ở trẻ nhỏ, tiến triển nhanh và tiên lượng xấu. Những nghiên cứu gần đây đã chú ý đến vị trí của khối u: những cháu bé sinh ra mà tinh hoàn không xuống bìu thì ung thư tinh hoàn tăng 40 lần so với trẻ bình thường, nhất là khi các cháu không được mổ hạ tinh hoàn xuống trước 4 tuổi.

Một số yếu tố gây ung thư ung thư tinh hoàn cao là dị tật bẩm sinh, rối loạn nội tiết, chấn thương tiết niệu, sinh dục và đặc biệt là tinh hoàn không xuống bìu.

Điều trị bệnh

Nhờ nắm được tính chất đa dạng về giải phẫu bệnh ung thư tinh hoàn nên người ta đã đề ra được “chiến lược điều trị kết hợp đa hình thái” gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị để mang lại kết quả cao nhất.

Phẫu thuật cắt bỏ u và xạ trị được ứng dụng rộng rãi nhất. Các tế bào mầm (chiếm 90% UTTH) rất nhạy cảm với xạ trị, được ví như “tuyết tan dưới ánh mặt trời”. Xạ trị được dùng trước phẫu thuật các u to và dính, được dùng sau phẫu thuật trong các trường hợp có nguy cơ tái phát cao. Xạ trị còn được chỉ định cho những ung thư tinh hoàn không còn khả năng phẫu thuật.

Hóa trị được dùng ứng dụng cùng lúc với xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị còn làm tăng tác dụng của xạ trị như một chất gây cảm ứng. Đây là một hướng điều trị mới để điều trị các u kháng tia.

Ngoài các liệu pháp trên thì liệu pháp miễn dịch được xem là đầy hứa hẹn. Đó là các vaccin kháng thể ung thư, sử dụng các biện pháp nhắm trúng đích, liệu pháp kháng sinh mạnh, liệu pháp gen.

Phòng bệnh vẫn là quan trọng

Dù cho phương pháp chẩn đoán và điều trị có hiệu quả đến đâu thì việc phát hiện sớm bệnh đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy chúng ta cần lưu tâm một số biện pháp phòng bệnh. Đối với các gia đình mới sinh em bé, cần kiểm tra ngay xem có dị tật bẩm sinh về tiết niệu sinh dục hay không? Quan trọng nhất là xem 2 tinh hoàn có nằm trong bìu hay ở vị trí khác? Gặp trường hợp tinh hoàn không xuống bìu thì phải mổ hạ tinh hoàn trước 4 tuổi.

Tất cả nam giới, nhất là thanh niên phải biết cách tự kiểm tra tinh hoàn của mình. Khi thấy có dấu hiệu bất thường như tinh hoàn bên này to hơn bên kia và cảm thấy nặng ở bìu, vướng, đau thì phải đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tiết niệu ngay.

Tất cả bệnh nhân ung thư tinh hoàn đã được điều trị phải có kế hoạch theo dõi chặt chẽ, phát hiện kịp thời khi bệnh tái phát.

Những thành tựu mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư tinh hoàn cộng thêm ý thức biết phát hiện bệnh sớm trong cộng đồng, chắc chắn bệnh ung thư tinh hoàn không còn là nỗi kinh hoàng của nam giới nữa.

Theo GS. Lê Sĩ Toàn

Tin liên quan