Chiến thắng nỗi sợ hãi của người phụ nữ ung thư vú

Ngày đăng: 25/11/2013 Lượt xem 5318
Dậy lúc 6h, đi bộ cùng chồng, ăn sáng và làm việc... là mô tả về một ngày của Khánh Thương, người đang bị ung thư vú giai đoạn cuối, sáng lập viên Mạng lưới ung thư vú Việt Nam.

Nhìn gương mặt rạng rỡ, đôi mắt biết cười, nghe cách nói chuyện hài hước và chứng kiến chị Nguyễn Thị Khánh Thương (thường gọi là Thương Sobey) làm việc không ngừng nghỉ, chẳng ai nghĩ chị đang mang căn bệnh ung thư đã di căn vào xương và hàng ngày phải chiến đấu với những cơn đau.

Nữ giảng viên khoa Báo chí (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn) ngày nào đã quyết định rời giảng đường để dành toàn tâm toàn sức phát triển Mạng lưới ung thư vú Việt Nam - với mong muốn giúp những người cùng cảnh có thêm kiến thức, sức mạnh, sự trợ giúp để vượt lên nỗi sợ hãi, chiến thắng bệnh tật. Chị cũng hy vọng tuyên truyền để phụ nữ nói chung và cộng đồng có thông tin tự biết tầm soát, phát hiện sớm bệnh.

 
Dù thời đi học hay khi đã đứng trên giảng đường với vai trò cô giáo,Thương Sobey luôn ghi dấu ấn với mọi người xung quanh với hình ảnh rạng rỡ, đầy nhiệt huyết. Ảnh: NVCC.

Nhớ lại những ngày mới phát hiện mắc ung thư, Khánh Thương đôi khi vẫn bàng hoàng. Tháng 7 năm ngoái, 2 tháng trước lễ ăn hỏi với anh Aaron Sobey, người đàn ông chị gặp và yêu trong thời gian du học tại Australia, Thương đi khám sức khỏe tổng quát chuyên sâu vì “nghĩ mình kết hôn muộn, khi đã 30 tuổi, nên phải chuẩn bị thật kỹ trước khi làm làm vợ, làm mẹ”.

Từ thời điểm đó, mất gần 3 tháng, qua nhiều bệnh viện, chọc tế bào 3 lần, cho tới khi làm xét nghiệm cuối tại Bệnh viện K Hà Nội, chị mới có được chẩn đoán chính xác bị ung thư vú, vào đúng ngày 20/10. Trước đó, chị không hề có dấu hiệu lâm sàng thường thấy nào của bệnh này như có u cục, chảy dịch, vùng da khác màu… ngoài một cục u nhỏ nằm giữa cẳng tay. Sau này đọc nhiều tài liệu chị mới biết đây là dấu hiệu hiếm gặp của ung thư vú.

“Khi đó tôi chỉ nghĩ mình sắp chết. Tôi hoảng loạn, khóc lóc, tuyệt vọng. Dù có người đưa ra bằng chứng sống là có bệnh nhân ung thư vú đã chữa khỏi, tôi vẫn không tin. Chỉ đến khi sang Australia làm phẫu thuật, được tiếp cận với tài liệu về ung thư vú, hiểu bệnh đang ở mức độ nào, có khả năng được cứu sống, tôi mới hết sợ và cảm thấy rất tự tin lên bàn mổ”, chị kể lại.


Chị Thương Sobey cùng chồng và bố mẹ đẻ, cháu gái trong lễ cưới của mình hồi năm ngoái. Ảnh: NVCC.

Chị được thông báo bị ung thư vú ở giai đoạn hai và biết mình sẽ mất khoảng một năm để chữa bệnh, sau đó có thể quay trở lại với cuộc sống bình thường. Nhưng số phận như muốn trêu ngươi, chị được bác sĩ cho biết, kết quả sinh thiết 9 hạch bạch huyết vét ra từ ca phẫu thuật đều là ác tính, ung thư đã di căn xa vào xương và ở giai đoạn 4 - giai đoạn cuối cùng. Điều đó có nghĩa bệnh của chị không thể chữa được nữa, chỉ có thể điều trị để duy trì sự sống, và phải điều trị vĩnh viễn.

“Tôi lại rơi vào nỗi sợ hãi lần nữa. Đó là nỗi sợ không con cái, tương lai mờ mịt. Nỗi sợ về khoản tiền 3.000 USD phải chi trả mỗi tháng để điều trị bệnh như bác sĩ nói. Nỗi sợ mình có thể phải xa rời vĩnh viễn những người thân bất cứ lúc nào…”, người phụ nữ 31 tuổi chia sẻ.

Suốt 2 tuần kể từ khi nhận kết quả này, chị sống trong tăm tối và đã nghĩ “hay chết quách cho xong, để khỏi làm mọi người mệt mỏi và khổ sở vì mình”. Nhưng ý nghĩ ấy nhanh chóng tan biến khi chị nhận được sự yêu thương, giúp đỡ hết sức từ gia đình, người chồng sắp cưới, bạn bè, đồng nghiệp…

“Lúc đó tôi chỉ nghĩ, nếu căn bệnh bắt mình phải chết, mình cũng chưa thể chết ngay ngày mai, thế nên nếu chỉ có ngày hôm nay để sống vẫn phải sống cho tử tế. Mọi người xung quanh muốn mình sống, nếu mình muốn chết thì thật không đúng. Đáng ra chính mình phải yêu thương mạng sống của bản thân nhất. Sự thật là chúng ta thường lo sợ những điều chưa xảy đến”, chị bộc bạch.


Chị Thương Sobey và hai phụ nữ cùng bị ung thư vú trong "Ngày hội nơ hồng" do Mạng lưới ung thư vú Việt Nam tổ chức hôm 19/10. Ảnh: NVCC.

Trải qua những ngày tháng tuyệt vọng, lấy lại được niềm tin sống nhờ bạn bè, gia đình, Thương lại nghĩ tới nhiều phụ nữ khác ở Việt Nam cùng hoàn cảnh nhưng không có điều kiện vật chất, tinh thần để chống chọi với căn bệnh. Đó là động lực để chị thành lập Mạng lưới ung thư vú (viết tắt BCVN), với mong muốn nâng cao nhận thức cho cộng đồng để tăng tỷ lệ phát hiện sớm bệnh, đồng thời giúp họ nâng cao chất lượng sống…

Từ ý nghĩ đó, ngay những ngày đang trị bệnh tại Australia, chị đặt mua tên miền Bcnv.org.vn (Breast cancer network Viet Nam – Mạng lưới ung thư vú Việt Nam) và bắt đầu nghĩ về việc xây dựng website như thế nào, bắt đầu dịch tài liệu và suy nghĩ tìm cách để in và phát miễn phí cuốn sách về ung thư vú. Bởi theo chị, chính tài liệu này đã giúp chị hiểu về căn bệnh của mình và vượt qua nỗi sợ hãi.

“Chúng ta không thể ngồi phàn nàn về hệ thống y tế, tâm tài của bác sĩ, mức độ giàu nghèo của bản thân - những thứ đó khó thay đổi và để thay đổi được phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. Tuy vậy, BCNV sẽ cung cấp cho người bệnh thông tin, kiến thức để họ có thể tự giúp mình, cứu lấy mình trước khi hệ thống y tế phải can thiệp”, chị nói về ý nghĩa của mạng lưới.

Theo chị, người bệnh phải tự lực, không bi quan ngồi một chỗ, chủ động tìm mọi cách để làm cho bệnh của mình dễ chịu hơn. Và trong số những cách đó thì có được một người đồng hành là điều vô cùng quan trọng, người chia sẻ tốt nhất là người hiểu rõ nhất về mình và căn bệnh của mình, có thể là mẹ, chị em gái, bạn bè, đồng nghiệp và tốt nhất là chồng, người yêu.

Vì phải sử dụng thuốc nội tiết để điều trị bệnh, chị tự nhận mình như phụ nữ 50 tuổi với các dấu hiệu tiền mãn kinh như da khô, bốc hỏa, táo bón, suy giảm trí nhớ, đau nhức xương, mất ngủ… Chị cho rằng, với phụ nữ điều trị ung thư, sự chia sẻ, hỗ trợ của người thân, nhất là chồng, vô cùng quan trọng. Đó như một loại biệt dược, có tác dụng tích cực với cả thể chất lẫn tinh thần người bệnh, giúp họ kiên cường.

Theo chị, nhiều đàn ông bỏ rơi vợ hoặc người yêu khi họ đối mặt với ung thư, phần lớn vì sự sợ hãi và chủ yếu do thiếu hiểu biết về căn bệnh, cho rằng bị bệnh này đồng nghĩa với chết, với những chi phí chữa bệnh ngất ngưởng. Ngoài ra, ở Việt Nam, nhiều phụ nữ chiến thắng ung thư vú từ chối lên tiếng, e ngại chia sẻ câu chuyện của mình, thậm chí muốn giấu diếm vì bệnh tật liên quan đến các vùng tế nhị...

Trong khi thực tế, bệnh ung thư không khủng khiếp như những gì mọi người vẫn nghĩ. Tại các nước phát triển, tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư vú lên tới 90%, do phát hiện bệnh sớm, nhận thức về bệnh của người dân tương đối cao và điều kiện điều trị tốt. Đặc biệt, chị thấy các hỗ trợ xã hội cho bệnh nhân trước, trong và sau quá trình điều trị rất tốt. Trong khi đó, ở Việt Nam, 50-70% người bệnh đến viện giai đoạn muộn, chi phí điều trị tốn kém, cơ hội chữa khỏi thấp.

Mạng lưới ung thư vú ra đời nhằm cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức của người bệnh và người chưa bị bệnh, cung cấp hỗ trợ xã hội, tổ chức các hội thảo chia sẻ thông tin về ung thư vú, kiến thức về chăm sóc da và cơ thể sau hóa trị và phẫu thuật, cung cấp các bài tập hỗ trợ phục hồi chức năng, tư vấn tâm lý miễn phí cho người bệnh hay gia đình gặp vấn đề về tinh thần...

Đang sắp xếp công việc, chuẩn bị cho chuyến sang Australia sắp tới để truyền hóa chất toàn thân, chị mong muốn sau đó khi sức khỏe ổn định, sẽ phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú hai bên để “được sống lâu hơn bên những người mình thương yêu và làm được nhiều việc hơn nữa cho kế hoạch đang dang dở của BCNV”.

Tin liên quan