Một nghiên cứu vừa được công bố tại hội thảo chuyên đề về “dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư” do Hội Dinh dưỡng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội gần đây, cho thấy đến 20-30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt cơ thể trước khi chết vì chính căn bệnh.
Thực tế nhiều bệnh nhân ung thư thực hiện một chế độ kiêng khem khắc khổ mà nhiều chuyên gia đánh giá không khoa học.
Kiêng đủ thứ
Một người tham dự buổi hội thảo kể từ khi biết vợ ung thư, ông đã loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm nhiều muối như dưa cà, đồ nướng, đồ uống có gas... đặc biệt thịt bò, mỡ động vật, trứng vịt lộn, giá đỗ... ra khỏi thực đơn dành cho vợ. Thực đơn hằng ngày của vợ ông hầu như chỉ xoay quanh rau xanh, ngũ cốc, trái cây, sữa, thịt gà hoặc thịt heo (rất ít)...
Ngoài ra, để động viên tinh thần vợ, ông áp luôn thực đơn đó cho cả gia đình. Theo người đàn ông này, những thực phẩm nhiều đạm hay những thực phẩm ở dạng phôi, mầm như giá đỗ, trứng vịt lộn là những thực phẩm đặc biệt tốt cho tế bào ung thư, kích thích tế bào ung thư phát triển mạnh.
Ông cũng chia sẻ thêm là rất cầu kỳ trong việc chăm sóc vợ như đặt mua hoa quả từ vườn ở tận trong Nam ra Hà Nội, trồng rau sạch quanh nhà hoặc đặt hàng từ cơ sở sản xuất... với mục đích tránh tuyệt đối thực phẩm trôi nổi, nhiều hóa chất, thực phẩm trái mùa không tốt cho người bệnh.
Tương tự, nhiều bệnh nhân ung thư khác do truyền tai nhau đã bỏ luôn những thực phẩm như giá đỗ, trứng, trứng vịt lộn, thậm chí rau muống, rau mầm... khỏi thực đơn hằng ngày. Để chắc ăn, nhiều bệnh nhân còn chọn cho mình phương pháp ăn kiêng khắc nghiệt hơn như ăn thực dưỡng, ăn chay trường.
ThS.BS Nguyễn Thị Minh Hương, trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, cho rằng chế độ ăn dành cho người ung thư như trên là không khoa học. Theo bác sĩ Hương, hiện chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào cho rằng giá đỗ, rau mầm, rau muống hay thịt bò, trứng vịt lộn... thúc đẩy tế bào ung thư phát triển. Do vậy, bệnh nhân ung thư có thể thoải mái ăn uống mà không cần kiêng khem bất cứ thực phẩm gì.
Trừ những người mang nhiều loại bệnh cùng lúc như vừa bị ung thư vừa huyết áp cao, hay vừa bị ung thư vừa bị tiểu đường... mới cần phải kiêng khem theo những căn bệnh này. Riêng những thực phẩm nhiều muối, thực phẩm chế biến sẵn, phủ tạng động vật, đồ nướng..., theo bác sĩ Hương, tất cả mọi người (không riêng bệnh nhân ung thư) nên hạn chế ăn, tác hại do ăn quá nhiều loại thực phẩm này lên sức khỏe con người (đã được khoa học chứng minh) là không nhỏ.
Tăng cường dinh dưỡng
Phân tích cơ chế hoạt động của tế bào ung thư, GS.BS Phạm Duy Hiển, Bệnh viện K, cho biết nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng cơ bản của tế bào ung thư cao hơn tế bào bình thường. Do vậy, ngay cả khi bệnh nhân ung thư không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tế bào ung thư vẫn tự lấy năng lượng để phục vụ nhu cầu hoạt động của chúng.
Bên cạnh đó khi không được nhập thức ăn, bản thân cơ thể cũng lấy protein để tạo năng lượng. Hậu quả là khối nạc cơ thể bị suy giảm nhanh chóng. Điều này tạo nên quá trình “tự thực” - tự lấy đi dưỡng chất của cơ thể, bên cạnh quá trình “xâm thực” cơ thể của các tế bào ung thư. Các cuộc chiến không ngừng trong cơ thể này làm sự chuyển hóa cơ bản của bệnh nhân ung thư tăng rất cao và bệnh nhân sẽ nhanh chóng rơi vào suy mòn nếu không được can thiệp dinh dưỡng hợp lý.
Bác sĩ Minh Hương cũng cho rằng trong quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư cần có một thể lực thật tốt vừa để chiến đấu với căn bệnh vừa có thể đáp ứng được các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị... Bên cạnh đó, đặc điểm của tế bào ung thư là “ngốn” năng lượng rất lớn, nếu bệnh nhân không tăng cường ăn uống sẽ dẫn đến tình trạng suy kiệt cơ thể và không đủ sức khỏe để đáp ứng điều trị. Điều đáng lo nhất là bệnh nhân có thể chết vì suy kiệt trước khi chết vì khối u phát tác. Theo bà Hương, bệnh nhân ung thư cần một chế độ ăn đảm bảo đủ các yêu cầu: đầy đủ thành phần dinh dưỡng, giàu năng lượng, tăng cường chất đạm, tăng cường axit béo omega-3, dễ chế biến và hợp khẩu vị