Càng điều trị ở giai đoạn sớm, bệnh càng có cơ may được chữa khỏi, đặc biệt với những loại ung thư bề mặt.
Y văn thế giới ghi nhận một tỷ lệ rất nhỏ (1/10.000) ca ung thư tự khỏi, ở những cơ thể cá biệt có hệ thống miễn dịch tự điều chỉnh, tiêu diệt các tế bào ung thư.
Thế nhưng, hầu hết ung thư cần phải được điều trị. Càng điều trị ở giai đoạn sớm, bệnh càng có nhiều cơ may được chữa khỏi, đặc biệt với những ung thư bề mặt (dễ phát hiện, dễ điều trị) như: ung thư da, ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư khoang miệng, ung thư đại trực tràng....
Trên thực tế, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống bằng các phương pháp điều trị khoa học. Hiện nay ở các nước tiên tiến, trung bình cứ 2 người bị ung thư thì có 1 người được chữa khỏi (50%).
Hiện nay, ngành ung thư Việt Nam áp dụng đa thức trong điều trị ung thư:
- Phẫu trị: Đối với ung thư ở các giai đoạn sớm, chưa di căn.
- Xạ trị: được chỉ định cho những ung thư ở giai đoạn tương đối muộn hơn, thường phối hợp với phẫu trị, thu nhỏ bớt khối u để dễ mổ (xạ trước mổ) hoặc diệt nốt những tế bào u tại chỗ và hạch khu vực mà khi mổ nghi ngờ không lấy hết được (xạ sau mổ, trong lúc mổ...), hoặc áp dụng tia xạ cho những ung thư ở các vị trí không thể mổ được.
- Hóa trị: Trước đây thường áp dụng cho những loại ung thư có tính chất toàn thân hoặc ở giai đoạn muộn, có di căn xa. Nhưng ngày nay, cả một số ung thư ở giai đoạn sớm nhưng tính chất ác tính cao, dễ di căn hoặc nghi có di căn (ung thư vú, ung thư tinh hoàn, ung thư buồng trứng...) người ta cũng sử dụng hóa trị để nâng cao hiệu quả điều trị.
- Liệu pháp trúng đích: Sử dụng thuốc tác động đúng vào tế bào ung thư qua các phân tử đặc hiệu cần thiết cho quá trình sinh ung thư, đặc biệt là ở ung thư phổi, gan hoặc thận…
- Điều trị miễn dịch: Sử dụng thuốc kích thích hệ miễn dịch hoạt động. Trong liệu pháp này, đại thực bào (macrophages), tế bào sát thủ tự nhiên (natural killer cell), tế bào sát thủ lymphokin, Interferon, Interleukin, nhân tố hoại tử khối u là những nhân tố then chốt tham gia vào quá trình tiêu diệt khối u. Từ năm 1997, FDA đã công nhận một loại kháng thể trong liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư (u lympho nang). Cho đến nay, hàng chục loại kháng thể khác đã được FDA cho phép.
Ung thư: Có thể phòng ngừa
Tác nhân sinh ung chủ yếu từ môi trường sống, thói quen sinh hoạt (80%) tác nhân nội sinh rất ít (chỉ khoảng 10%). Vì vậy, ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa được khi thay đổi lối sống, hạn chế các tác nhân tấn công vào cơ thể: ngừng hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế lạm dụng các hóa chất công nghiệp, chống, phòng bệnh nghề nghiệp....
Một số loại ung thư có liên quan đến virus đã được áp dụng vaccine phòng bệnh như ngừa viêm gan B, vaccine ngừa ung thư cổ tử cung…
Ngoài ra, người dân cần tạo thói quen đi khám bệnh định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm các ung thư (vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng...), đồng thời điều trị tổn thương tiền ung thư.
Theo Nhà xuất bản Y học/http://thanhnien.fvhospital.com