Phát hiện sớm quan trọng như thế nào?
Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư (UT) là quá trình tìm kiếm những dấu hiệu sớm của bệnh trên những người bề ngoài khỏe mạnh, chưa hề có triệu chứng của bệnh. Việc sàng lọc sẽ giúp làm tăng tỷ lệ chữa khỏi và giảm tỷ lệ tử vong. Khả năng phát hiện sớm UT phụ thuộc vào từng bệnh UT. Không phải tất cả các bệnh UT đều có thể phát hiện được sớm. Một số UT có thời gian tiềm ẩn khá dài trong khi một số lại phát triển rất nhanh, khi phát hiện được thì đã ở giai đoạn muộn.
Những bệnh UT có thể phát hiện được sớm thường là phát sinh ở những vị trí, cơ quan dễ tiếp cận bằng những phương tiện chẩn đoán như: UT vú, cổ tử cung, ung thư da, tuyến tiền liệt, đại-trực tràng, … Đối với các UT ở sâu, các xét nghiệm hiện nay chưa đủ khả năng phát hiện khi khối u còn rất nhỏ.
Ung thư là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cho đến nay, kết quả điều trị UT phụ thuộc chủ yếu vào việc phát hiện bệnh ở giai đoạn nào. Ở giai đoạn sớm thì có thể chữa khỏi hoàn toàn nhiều loại bệnh UT. Ngược lại, ở các giai đoạn muộn, điều trị vừa tốn kém, vừa ít hiệu quả, chủ yếu chỉ có thể kéo dài và giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Vì vậy, phát hiện UT ở giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng, là cơ hội may mắn cho bất cứ ai để chữa khỏi bệnh.
Phát hiện sớm ung thư vú
Ung thư vú là loại UT thường gặp nhất ở phụ nữ nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Trong số các UT ở nữ, UT vú chiếm tới 35%. Bệnh được phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao. Ung thư vú có thể chữa khỏi 100% nếu được phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm giảm dần khi bệnh được phát hiện và điều trị muộn hơn.
Những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú
- Khối u không đau ở ngực.
- Thường xuyên bị ngứa và rát quanh núm vú.
- Núm vú bị rỉ máu, tiết dịch khác thường hoặc thụt vào, co lại.
- Làn da trên vú bị sần da cam, dày lên hoặc bị lún xuống, có nếp gấp.
- Có hạch ở hố nách.
Khi một phụ nữ có những dấu hiệu trên, chưa hẳn đã là UT vú, nhưng cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và chẩn đoán chính xác.
Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, nên định kỳ đến khám vú tại các cơ sở y tế chuyên khoa từ 1-3 năm một lần. Đối với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, cần định kỳ đến khám mỗi năm một lần.
Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là loại UT phổ biến, đứng thứ hai sau UT vú. Hầu hết các nước khuyến cáo phụ nữ sau khi bắt đầu quan hệ tình dục 3 năm nên khám sàng lọc UT cổ tử cung mỗi năm một lần.
Các biện pháp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung gồm:
- Khám phụ khoa
- Xét nghiệm tế bào học âm đạo
- Soi cổ tử cung
Phát hiện sớm ung thư đại-trực tràng
Ung thư đại-trực tràng có tỷ lệ mắc đứng hàng thứ ba và là nguyên nhân tử vong do UT đứng thứ hai ở nhiều nước trên thế giới. Bệnh gặp nhiều hơn ở các nước phát triển so với các nước đang phát triển. Tuy nhiên, UT đại-trực tràng đang có xu hướng tăng mạnh ở nước ta trong những năm gần đây.
Các biện pháp sàng lọc, phát hiện sớm UT đại-trực tràng bao gồm:
- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân
- Soi toàn bộ đại tràng
Phát hiện sớm ung thư tuyến giáp
Có thể phát hiện sớm nhiều trường hợp ung thư tuyến giáp. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh tự phát hiện ra một khối u hoặc khối hạch ở cổ nên đi khám. Cũng có những trường hợp không biểu hiện gì cho đến khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Nếu có một trong những biểu hiện bất thường dưới đây thì nên đi khám ngay: phát hiện thấy một khối u ở cổ hoặc thấy cổ to ra, đau ở vùng trước cổ, khàn tiếng hoặc thay đổi giọng nói kéo dài, khó thở hoặc ho kéo dài.
Nên tự khám cổ của mình 2 lần trong một năm để xem có khối u nào ở cổ không. Đặc biệt, nếu có một khối u ở tuyến giáp và có kèm theo một trong những yếu tố dưới đây: nam giới, sống gần biển, khối u đặc trên siêu âm hoặc có tiền sử xạ trị vùng đầu khi còn nhỏ.
Các loại ung thư khó phát hiện sớm
- Ung thư dạ dày: khó sàng lọc phát hiện sớm. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao (tiền sử viêm loét dạ dày, đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn, … điều trị nội khoa không khỏi) cần soi dạ dày để phát hiện UT.
- Ung thư gan: khó sàng lọc phát hiện sớm. Chiến lược phòng chống UT gan là tiêm vắc xin phòng viêm gan B, hạn chế uống rượu. Những người có nguy cơ cao (tiền sử viêm gan B, xơ gan, nghiện rượu, nhiễm chất độc dioxin) cần siêu âm gan và xét nghiệm máu định lượng chất chỉ điểm khối u (AFP) định kỳ 3–6 tháng một lần để phát hiện UT gan.
- Ung thư phổi: khó sàng lọc phát hiện sớm. Chiến lược phòng chống UT phổi chủ yếu là không hút thuốc lá, thuốc lào. Những người có nguy cơ cao (nghiện thuốc), có thể làm xét nghiệm tìm tế bào ác tính trong đờm, xét nghiệm máu tìm một số chất chỉ điểm khối u (CEA, cifra 21-1, SCC...) và chụp X quang phổi hàng năm.
- Ung thư buồng trứng: khó phát hiện sớm. Trong nhiều trường hợp, người phụ nữ không hề có triệu chứng gì cho đến khi bệnh phát triển đến giai đoạn muộn. Hiện đang thử nghiệm đo nồng độ chất CA-125 ở trong máu. Chất này thường tăng cao ở những bệnh nhân UT buồng trứng. Siêu âm qua đường âm đạo, một xét nghiệm có thể giúp phát hiện bệnh sớm, đang được đánh giá.
- Ung thư xương: rất khó phát hiện sớm. Trẻ sau 12 tuổi có chiều cao phát triển nhanh hơn trẻ cùng độ tuổi cần được quan tâm nếu có triệu chứng đau vô cớ trong xương. Khởi đầu, đau thường mơ hồ, sau đó đau rõ từng đợt ngắn trong xương gây rất khó chịu. Đau thường xuất hiện ở đầu trên hoặc đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, đầu trên xương cánh tay, xương chậu, xương bả vai.
Khi có các dấu hiệu nêu trên, không có nghĩa là đã mắc bệnh UT. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ một trong các dấu hiệu đó, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, điều trị và được nhận những lời khuyên thiết thực.
Theo thaythuocvietnam