Có người thân mắc bệnh ung thư không những có thể gia tăng nguy cơ phát bệnh ung thư cùng loại, mà còn ảnh hưởng đến xác suất phát triển những dạng ung thư khác.
Kết quả báo cáo mới theo dõi tình trạng sức khỏe của 23.000 người tại Ý và Thụy Sĩ đã xác định mối liên hệ giữa các thành viên gần gũi trong gia đình với nguy cơ gia tăng mắc bệnh ung thư cùng loại. Trong lúc nghiên cứu 13 dạng ung thư phổ biến nhất, các chuyên gia đồng thời phát hiện tiền sử ung thư trong gia đình còn có thể làm tăng mạnh nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác loại. Lâu nay, các tổ chức ung thư cho hay mức độ rủi ro tùy thuộc vào gien, lối sống và môi trường.
Cuộc nghiên cứu được đăng tải trên chuyên san Annals of Oncology, đã theo dõi 12.000 bệnh nhân mắc ung thư tại những phần khác nhau của cơ thể, từ trên xuống dưới, và so sánh với 11.000 người khỏe mạnh. Các chuyên gia tiến hành thu thập thông tin về tiền sử ung thư của gia đình, đặc biệt ở người thân cấp 1 (tức những người chia sẻ khoảng 50% bộ gien, như cha mẹ, anh chị em hoặc con cái). Họ phát hiện những người có người thân cấp 1 bị ung thư thanh quản, nguy cơ phát ung thư miệng và hầu phải tăng gấp 3 lần người không có tiền sử gia đình bị ung thư.
Còn những người có quan hệ đặc biệt gần với bệnh nhân ung thư miệng và hầu, sẽ đối mặt với nguy cơ cao gấp 4 lần mắc ung thư thực quản; trong khi ung thư vú tăng gấp đôi nguy cơ ung thư buồng trứng ở những thành viên nữ trong gia đình. Về phần đàn ông, phái mạnh đối mặt với nguy cơ tăng gấp 3, 4 lần phát bệnh ở tuyến tiền liệt nếu người thân cấp 1 bị ung thư bàng quang. Cuộc nghiên cứu cũng xác nhận một số nguy cơ ung thư đã được biết đến lâu nay, trong đó nguy cơ mắc ung thư vú sẽ tăng nếu một phụ nữ có tiền sử gia đình bị ung thư ruột.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Eva Negri của Viện Mario Negri về nghiên cứu dược lý tại Milan (Ý), cho hay nếu có người thân mắc một dạng ung thư, nguy cơ mắc ung thư cùng loại của một người tăng theo. Trong một số trường hợp, những mối liên hệ giữa các dạng ung thư khác nhau có thể là do chia sẻ cùng các yếu tố môi trường, như thói quen hút thuốc lá và uống bia rượu, theo BBC. Bên cạnh đó, vẫn có chứng cứ cho thấy sự đóng góp của các yếu tố di truyền ảnh hưởng đến nhiều điểm phát ung thư trong cơ thể.
Chuyên gia Jessica Harris, thuộc Tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh, cho hay nguy cơ ung thư được xác định bởi một sự kết hợp giữa các gien mà con người thừa hưởng từ cha mẹ, phát sinh trong cuộc sống hằng ngày, và tất nhiên không thể thiếu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Chuyên gia Harris nhấn mạnh rằng, dù gia đình có người ung thư trước đó hay không, việc theo đuổi lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ phát bệnh sau này. Điều quan trọng là không hút thuốc, uống chừng mực chất cồn, duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn cân bằng và năng hoạt động thể chất.
Theo thanhnien