Quan hệ giữa bệnh lây nhiễm với ung thư

Ngày đăng: 16/04/2014 Lượt xem 1454
.

Cơ chế gây ung thư của vi khuẩn, virut

Phần lớn vi khuẩn, virut gây ung thư theo cách gián tiếp qua nhiều giai đoạn. Chúng có thể chuyển đổi từ tế bào bình thường thành tế bào ung thư. Xét nghiệm các khối ung thư đều thấy tế bào ung thư có mang các thông tin di truyền của virut. Có vài gen virut còn có tác động làm tăng trưởng khối u. Trong đó một vài tác nhân có vẻ kích hoạt ung thư phát triển một cách gián tiếp bằng cách tạo ra sự nhiễm mạn tính tại vài nơi trong cơ thể và tạo nên môi trường mà các tế bào kể cả các tế bào không nhiễm rơi vào nguy cơ cao chuyển thành ung thư.

Chỉ có một số virut đặc biệt có khả năng gây ung thư trực tiếp. Chẳng hạn Retrovirus là các virut RNA có khả năng chuyển đổi thông tin di truyền trở lại Provirus là virut DNA rồi nhập vào DNA của tế bào chủ và sinh ra bản sao mới của genom RNA virut. Trong một số trường hợp hiếm hoi Provirus DNA nhập vào gần một oncogen tế bào, oncogen này thoát khỏi sự kiểm soát thường lệ và gây nên ung thư.

\"Quan
Khi HPV xâm nhập cơ thể có nguy cơ cao gây ung thư.

Dưới đây là một vài ví dụ để thấy rõ hơn cách gây ung thư của vi khuẩn, virut H.pylori gây viêm dạ dày mạn tính. Vài H.pylori chích một độc tố do gen cagA (cytotoxin associated gen A) vào tế bào lớp lót dạ dày. Độc tố này làm thay đổi cấu trúc tế bào dạ dày và giúp vi khuẩn gắn chặt thêm. Nhiễm khuẩn dòng H.pylori mang độc tố cag A+ đặc biệt liên quan đến sự gia tăng ung thư dạ dày loại không tâm vị. Một cơ chế gây ung thư được các nhà khoa học chỉ rõ là: độc tố cagA+ làm tê liệt các protein ức chế sự phát triển ung thư như P53.

Tổng kết năm 2008 trên toàn thế giới, trong số 12,7 triệu người mắc ung thư mới có 2 triệu người mắc ung thư do bệnh lây nhiễm, chiếm trung bình 16%, trong đó ở các nước công nghiệp phát triển 7,4%; ở các nước đang phát triển 22%.

HPV (Human papillona virus) vốn có gen vòng xoắn đôi DNA. Khi HPV chui vào tế bào của người thì vòng xoắn đôi DNA của tế bào HPV bị đứt, trở thành một nhánh dài giống như DNA của tế bào người, rồi chui vào trong một nhánh DNA của tế bào người, làm biến dị tế bào người. Tế bào người bị biến dị này, sau đó sẽ sao chép thông tin để sản xuất các protein của HPV, quan trọng nhất là các protein E6 và E7. Các protein P53 và Rb vốn có chức năng kìm hãm sự sinh sôi tế bào bị hai protein E6, E7 ức chế do đó mà sự sinh sản tế bào cổ tử cung không bị P53 và Rb kìm hãm nữa, sinh sản nhanh, mạnh, vô tổ chức gây nên ung thư.

HBV (Hepatitis B virus) là virut DNA. Khi nhiễm HBV, hệ miễn dịch cơ thể nhả ra các cytocin, các protein và các protein gây viêm khác... làm hư hại mô. Theo thời gian, các khối bướu mọc ra. Các tế bào gan nhiễm HBV tích lũy một loạt biến đổi gen cần cho sự biến đổi gen lành thành gen ác tính. Thêm vào đó vài loại thức ăn bảo quản không tốt qua sự kết hợp với HBV sẽ thúc đẩy quá trình biến đổi này. Vì vậy, sau thời gian nhiễm HBV, một số người bị ung thư gan.

HCV (Hepatitis C virus) là virut RNA. HCV trực tiếp làm hư hỏng tế bào gan và gây ra sự tái tăng trương liên tục, riêng cơ chế này cũng gây nên sự xáo trộn gen tạo ra ung thư.

Ý nghĩa trong việc phòng chống ung thư

Biết một số bệnh lây nhiễm là nguyên nhân tạo ra sự đột biến gây nên ung thư, các nhà khoa học đã tìm ra các loại vaccin để ngăn ngừa ung thư do chúng gây ra. Các vaccin này phòng sự xâm nhập của HIV ngay khi chúng mới thâm nhập, chưa kịp thiết lập sự nhiễm bệnh thực sự. Một vaccin quan trọng khác là vaccin viêm gan B. Như ta biết, HBV rất dễ lây nhiễm do trong cộng đồng có tỷ lệ người bị nhiễm HBV cao (khoảng 20 - 30%) và do trong sinh hoạt có nhiều điều kiện để HBV xâm nhập qua đường máu (bị thương, cạo mặt, đánh răng, lấy ráy tai làm xây xước da, niêm mạc), khoảng 70 - 90% trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HBV cũng sẽ bị lây nhiễm HBV. Cho nên cần tiêm vaccin viêm gan B cho trẻ em ngay khi mới sinh và cho người lớn chưa có yếu tố tự miễn tự nhiên với HBV.

Biết một số bệnh lây nhiễm là nguyên nhân tạo ra sự đột biến gây nên ung thư, các nhà khoa học khuyến cáo phải tích cực điều trị các bệnh đó cho dứt điểm để tránh chúng tái phát nhiều lần, tạo ra bệnh mạn tính và cơ hội gây ung thư. Ví dụ, ngay khi mới bị viêm loét dạ dày, nếu xác định là do H.pylori thì phải dùng kháng sinh đủ liều, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị dứt điểm bệnh.

Trong cuộc sống thường ngày, cần giữ gìn vệ sinh, tránh nhiễm các virut, vi khuẩn cũng là cách chủ động phòng chống ung thư.

Theo WHO (2003) nếu xây dựng được một chế độ dinh dưỡng hợp lý, có đối sách đúng với bệnh lây nhiễm thì có thể giảm được 1/3 số người mắc bệnh ung thư trên toàn cầu.

Theo suckhoedoisong

Tin liên quan