Đó là Trastuzumab - Liệu pháp trúng đích phân tử vừa chính thức được giới thiệu tại Việt Nam. Đây là tiến bộ Y khoa mới nhất của thế giới về điều trị ung thư dạ dày (UTDD), mở ra hy vọng sống cho những người mắc bệnh quái ác này.
UTDD đứng thứ 3 trong 10 loại ung thư thường gặp ở Việt Nam
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo do Viện nghiên cứu phòng chống ung thư Quốc gia phối hợp với Công ty Hoffmann La Roche tại Việt Nam tổ chức cuối tuần qua ở Hà Nội. GS-TS Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch hội ung thư Việt Nam - Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng Chống Ung thư Quốc gia cho biết, mỗi năm nước ta có trên 15.000 người mắc mới UTDD và hơn 11.000 ca tử vong, cao hơn cả nước Mỹ, trong khi dân số Mỹ gấp 4 lần dân số Việt Nam. Hầu hết người bệnh đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn: rối loạn tiêu hóa, gầy sút nhanh, bệnh đã di căn xa ... Vì thế kết quả điều trị thấp, chỉ có 15% sống sau 5 năm, 81% sống sau 3 năm. Lý do quan trọng của tình trạng khiến bệnh nhân (BN) đến viện muộn là ta chưa có chương trình sàng lọc phát hiện ung thư (UT) sớm trong cộng đồng, người bệnh không có thói quen và nhiều người không có điều kiện đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt các biện pháp chẩn đoán, điều trị ở các trung tâm y tế chưa đáp ứng nhu cầu... TS Nguyễn Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nội I- Bệnh viện Ung thư Quốc gia (BV K Hà Nội cũ) cho biết, đến nay y học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây UTDD. Tuy nhiên, TS Mai cũng đã chỉ ra một số yếu tố quan trọng khiến nhiều người mắc bệnh đó là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori, ăn quá mặn, thức ăn chứa nhiều Nitrat, béo phì, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, di truyền và yếu tố gia đình... Điều đáng nói là trên 70% người bệnh tình cờ được phát hiện UTDD qua lần khám bệnh định kỳ. Theo TS Tuyết Mai, người mắc UTDD thường trải qua 3 giai đoạn với những triệu chứng lâm sàng rõ rệt. Ở giai đoạn sớm, người bệnh thường có triệu chứng khó tiêu, nóng rát vùng thượng vị, ăn không ngon miệng... Đến giai đoạn trung bình, họ bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, đầy bụng sau ăn... Ở giai đoạn muộn hơn, họ thấy đau bụng, buồn nôn và nôn, rối loạn tiêu hóa, sút cân, xuất huyết tiêu hóa, nuốt nghẹn... Điều đáng nói là trên thực tế, tại BV Ung thư Quốc gia, trên 75% BN bị UTDD có tiền sử viêm loét dạ dày và đã từng điều trị viêm loét dạ dày. Hiện nay việc chẩn đoán UTDD thường là nội soi dạ dày, sinh thiết tổn thương, xét nghiệm tìm vi khuẩn Helicobacter Pylori, siêu âm, X.quang, CT-scanner, xét nghiệm đánh giá tình trạng đột biến gen sản xuất HER2. Với những BN đã bị UTDD, việc điều trị chủ yếu là phẫu thuật (giai đoạn sớm), sử dụng thuốc, xạ trị, nhưng hiệu quả điều trị hạn chế và thời gian sống của bệnh nhân ngắn (6 tháng). Cũng tại cuộc họp này, GS-TS Yoon Koo Kang - Khoa chống ung thư, Bộ môn nội trường Y Khoa Asan, Đại học Ulsan, Seoul, Hàn Quốc thông báo, việc điều trị UTDD ở Hàn Quốc phụ thuộc vào giai đoạn mắc bệnh, trên 50% BN chẩn đoán giai đoạn muộn nên chủ yếu là phẫu thuật vét hạch sâu và hạch xung quanh, sau đó làm chẩn đoán mô học.
Ca điều trị UTDD tại BV Bạch Mai
Theo phân tích của TS Nguyễn Bá Đức, UTDD là một loại UT do đột biến HER2 gây ra, thường có tiên lượng xấu. Để cải thiện cuộc sống cũng như kéo dài sự sống cho những người mắc bệnh này, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng và phát hiện ra một liệu pháp mới - Trastuzumab. Liệu pháp này là sự kết hợp Trastuzumab với hóa trị liệu không chỉ kéo dài thêm thời gian sống (16 tháng thay vì hơn 11 tháng điều trị thuần túy bằng các phác đồ hóa trị không có Trastuzumab) mà còn giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh trong quá trình điều trị, đặc biệt hạn chế tình trạng buồn nôn, nôn, chán ăn, rụng tóc, ức chế tủy và viêm niêm mạc miệng... Liệu pháp trúng đích phân tử kéo dài cuộc sống cho người UTDD
Đây là một loại thuốc thông dụng được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới cho hơn một triệu bệnh nhân ung thư vú có đột biến HER2. Đặc biệt, những bệnh nhân UTDD có đột biến HER2 dương tính sẽ đáp ứng điều trị tốt với liệu pháp điều trị có Trastuzumab. GS-TS Yoon Koo Kang cho biết, Trastuzumab là một loại thuốc kháng thể đơn dòng có tác dụng tấn công, ngăn chặn và tiêu diệt tế bào UT, thông qua nguyên lý hoạt động là kích thích hoạt động hệ miễn dịch của cơ thể. Ưu điểm của nó là chỉ tấn công vào những tế bào ung thư, bảo tồn những tế bào bình thường. Liệu pháp này cũng đã được nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu sử dụng vào điều trị cho 1 triệu bệnh nhân ung thư vú di căn, với hiệu quả điều trị rất khả quan. Và mới đây, Trastuzumab được Liên minh Châu Âu và các quốc gia khối EEA-EFTA như Iceland Liechtenstein, Na Uy chấp thuận cho việc sử dụng trong điều trị UTDD giai đoạn tiến xa hoặc di căn có HER2 dương tính.
Theo TS Nguyễn Bá Đức, liệu pháp đã mở ra những hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam. Để điều trị đạt hiệu quả hơn, người bệnh cần được chỉ định làm xét nghiệm xác định HER2 càng sớm càng tốt. Phương pháp chẩn đoán sớm và có giá trị chẩn đoán cao nhất hiện nay là nội soi. Tại cuộc họp, TS Nguyễn Thị Tuyết Mai thông báo, hiện thuốc Trastuzumab đang được đưa vào danh mục thuốc của BHYT.