Ung thư buồng trứng (phần 1)

Ngày đăng: 07/10/2011 Lượt xem 6332
Ung thư buồng trứng là một trong những ung thư phụ khoa gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Ở giai đoạn sớm, bệnh thường diễn tiến âm thầm, không triệu chứng hoặc chỉ là các triệu chứng nhẹ, không đặc hiệu...

Lời giới thiệu

  Phụ nữ có 2 buồng trứng, mỗi cái ở mỗi bên của tử cung. Mỗi buồng trứng có kích thước một quả hạnh nhân - sản xuất trứng cũng như hormon giới tính nữ estrogen và progesterone. Ung thư buồng trứng là bệnh trong đó tế bào buồng trứng bình thường phát triển một cách bất thường, không kiểm soát được và tạo ra những khối u ở một hoặc 2 bên buồng trứng.

   Theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, ung thư buồng trứng đứng thứ 5 trong những ung thư gây chết người ở phụ nữ. ước tính có khoảng 20000 phụ nữ ở Mỹ sẽ mắc ung thư buồng trứng mỗi năm. Khoảng 15000 phụ nữ Mỹ chết vì ung thư buồng trứng ở cùng thời điểm đó.

   Cơ hội sống sót của ung thư buồng trứng cao hơn nếu ung thư được phát hiện sớm. Nhưng, vì bệnh thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm, chỉ có 20% ung thư buồng trứng được phát hiện trước khi khối u phát triển xâm lấn các mô xung quanh và các cơ quan ngoài buồng trứng. Hầu hết các trường hợp, bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn trước khi được chẩn đoán.

   Cho đến gần đây, các bác sỹ nghĩ rằng ung thư buồng trứng giai đoạn sớm hiếm khi có triệu chứng. Nhưng, những bằng chứng mới chỉ ra rằng hầu hết phụ nữ có thể có dấu hiệu hoặc triệu chứng thậm chí ở giai đoạn sớm của bệnh. ý thức được điều này có thể giúp phát hiện được bệnh sớm.


Những dấu hiệu và triệu chứng

   Triệu chứng của ung thư buồng trứng không đặc hiệu và giống với nhiều bệnh thông thường khác, bao gồm những rối loạn về đường tiêu hoá và bàng quang. Không hiếm những phụ nữ mắc ung thư buồng trứng được chẩn đoán là bệnh khác trước khi có kết luận cuối cùng bị ung thư buồng trứng. Vấn đề chìa khoá là những dấu hiệu và triệu chứng này kéo dài hoặc xấu dần đi. Với hầu hết các rối loạn đường tiêu hoá, những triệu chứng có xu hướng bị đi bị lại, hoặc chúng thường xảy ra ở những tình trạng nhất định hoặc sau khi ăn những thức ăn nhất định. Với ung thư buồng trứng, có ít sự thay đổi bất thường đặc trưng- những triệu chứng hằng định và xấu đi một cách từ từ.

   Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng phụ nữ mắc ung thư buồng trứng có nhiều khả năng biểu hiện các triệu chứng dưới đây hơn những người phụ nữ khác:

  • Bụng căng, đầy và to lên
  • Phải đi tiểu khẩn cấp
  • Đau hoặc khó chịu trong khung chậu
Những dấu hiệu hoặc triệu chứng kèm theo mà ung thư buồng trứng có thể biểu hiện bao gồm:
  • Khó tiêu, đầy hơi hoặc buồn nôn kéo dài
  • Những thay đổi không thể giải thích được trong thói quen đại tiện, bao gồm ỉa chảy hoặc táo bón.
  • Những thay đổi trong thói quen tiểu tiện, bao gồm cần đi tiểu thường xuyên
  • Chán ăn
  • Tăng hoặc giảm cân không giải thích được
  • Vòng bụng tăng lên hoặc quần áo chật quanh vùng eo
  • Đau trong suốt quá trình giao hợp
  • Mệt mỏi kéo dài
  • Đau lưng phần thấp
   Các bác sĩ thường có thể chẩn đoán ung thư buồng trứng trong vòng 3 tháng kể từ khi người phụ nữ có triệu chứng đầu tiên, nhưng đôi khi có thể mất đến 6 tháng hoặc lâu hơn nữa.

Nguyên nhân

   U buồng trứng là sự phát triển của các tế bào bất thường mà có thể là lành tính hoặc ác tính. Mặc dù u lành tính được tạo ra từ các tế bào bất thường, những tế bào này không di căn tới các phần khác của cơ thể. Tế bào ung thư buồng trứng di căn theo một trong 2 cách. Thông thường, chúng xâm lấn trực tiếp các mô hoặc cơ quan xung quanh trong khung chậu và ổ bụng. Hiếm hơn, chúng đi theo dòng máu hoặc bạch huyết tới các phần khác của cơ thể.

   Những nguyên nhân của ung thư buồng trứng vẫn chưa được biết đến. Một vài nhà nghiên cứu tin rằng phải có điều gì với quá trình sửa chữa mô theo sau quá trình giải phóng trứng hàng tháng qua một lỗ nhỏ trong nang buồng trứng (sự rụng trứng) trong suốt thời kỳ hoạt động sinh dục của người phụ nữ. Sự hình thành và phân chia của các tế bào mới ở những vị trí "đứt gãy" có thể có thể tạo ra tình trạng trong đó những lỗi di truyền xảy ra. Những giả thuyết khác cho rằng sự tăng nồng độ hormon trước và trong thời kỳ rụng trứng có thể kích thích sự phát triển của các tế bào bất thường.

   Ba loại ung thư buồng trứng tồn tại, được xác định bởi vị trí chúng hình thành trong buồng trứng. Bao gồm:
  •    U biểu mô. Khoảng 85-90% ung thư buồng trứng phát triển trong biểu mô, vỏ ngoài mỏng bao phủ buồng trứng. Dạng ung thư buồng trứng này thường xảy ra ở phụ nữ tiền mãn kinh.
  •    U tế bào mầm. Những u này thường xảy ra ở tế bào sản xuất trứng của buồng trứng và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ.
  •    U sinh dục. Những u này phát triển trong mô cùng sản xuất estrogen và progesteron.

Những yếu tố nguy cơ

   Nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng của bạn. Có một hoặc nhiều hơn các yếu tố nguy cơ này không có nghĩa bạn chắc chắn mắc ung thư buồng trứng, nhưng nguy cơ của bạn cao hơn những người phụ nữ khác. Những yếu tố nguy cơ bao gồm:


 Sự thay đổi về gen di truyền.


Yếu tố nguy cơ đặc trưng nhất của ung thư buồng trứng là có sự thay đổi về di truyền của 1 hoặc 2 gen được gọi là gen ung thư vú 1 (BRCA1) và gen ung thư vú 2 (BRCA2). Những gen này ban đầu được xác định ở những gia đình có nhiều trường hợp mắc ung thư vú, đó là lý do chúng được đặt tên như thế), nhưng chúng cũng có mặt ở 5-10% ung thư buồng trứng. Bạn có nguy cơ đặc biệt cao mang những biến đổi di truyền này nếu bạn là dòng dõi Ashkenazi Jewish. Bệnh di truyền khác được biết đến có liên quan đó là hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp (HNPCC). Những cá thể trong gia đình HNPCC tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, đại tràng, buồng trứng, dạ dày, ruột non. Nguy cơ ung thư buồng trứng liên quan đến HNPCC thấp hơn ung thư buồng trứng liên quan đến sự biến đổi BRCA.

              Tiền sử gia đình.

 Đôi khi, ung thư buồng trứng xảy ra ở nhiều hơn một thành viên trong một gia đình nhưng nó không là kết quả của bất kỳ biến đổi gen di truyền nào được biết đến. Có tiền sử gia đình có người mắc ung thư buồng trứng tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn, nhưng không cùng mức độ như khi mang những khiếm khuyết về gen di truyền. Nếu bạn có người thân thế hệ thứ nhất - mẹ, con gái hoặc chị em gái - mắc ung thư buồng trứng, nguy cơ của bạn phát triển bệnh là 5% trong suốt cuộc đời.
  


Tuổi.

Ung thư buồng trứng thường gặp nhất ở phụ nữ sau mãn kinh. Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng của bạn tăng lên theo tuổi sau tuổi 70. Hầu hết ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở phụ nữ đã mãn kinh, bệnh cũng xảy ra ở phụ nữ tiền mãn kinh.

            Thời kỳ mang thai.


 Phụ nữ có ít nhất một lần mang thai có nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng thấp hơn. Tương tự, việc dùng thuốc uống tránh thai có một vài tác dụng bảo vệ chống lại ung thư buồng trứng.

           Mất khả năng sinh sản. Nếu bạn có vấn đề khó khăn trong việc thụ thai, bạn có thể tăng nguy cơ. Mặc dù sự liên quan được biết đến ít, những nghiên cứu chỉ ra rằng mất khả năng sinh sản tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng, thậm chí không sử dụng thuốc sinh sản. Nguy cơ xuất hiện cao nhất ở phụ nữ mất khả năng sinh sản không rõ lý do và ở phụ nữ mất khả năng sinh sản mà chưa bao giờ thụ tinh. Nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn đang được tiến hành.

            Nang buồng trứng. Sự hình thành nang là một phần bình thường của quá trình rụng trứng ở phụ nữ chưa mãn kinh. Tuy nhiên, nang hình thành sau khi mãn kinh có nhiều khả năng trở thành ung thư hơn. Khả năng ung thư tăng lên cùng với kích thước khối u và tuổi.

            Điều trị hormon thay thế. Những nghiên cứu về khả năng liên quan giữa việc dùng hormon estrogen và progestin ở phụ nữ đã mãn kinh và nguy cơ ung thư buồng trứng vẫn còn gây tranh cãi. Một vài nghiên cứu chỉ ra có tăng nhẹ nguy cơ ung thư buồng trứng ở phụ nữ dùng estrogen sau mãn kinh, nhưng những nghiên cứu khác chỉ ra rằng không có tăng nguy cơ đáng kể. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu lớn đăng trên tạp chí ung thư quốc gia Mỹ vào tháng 11 năm 2006, các nhà nghiên cứu thông báo rằng phụ nữ không cắt tử cung và điều trị hormon mãn kinh trong 5 năm hoặc hơn đối mặt với nguy cơ đáng kể của ung thư buồng trứng. 

            Béo phì ở tuổi trẻ. Những nghiên cứu gợi ý rằng phụ nữ béo phì ở tuổi 18 tăng nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng trước khi mãn kinh. Béo phì cũng có thể liên quan đến ung thư buồng trứng tiến triển, điều này có thể dẫn đến bệnh tái phát trong thời gian ngắn hơn và giảm tỷ lệ sống thêm toàn bộ.


Khi nào cần lời khuyên của bác sĩ

imagesca55djvv

Đến gặp bác sĩ của bạn nếu bạn thấy sưng, căng, tức hoặc đau trong bụng hoặc khung chậu kéo dài. Nếu bạn đã gặp bác sĩ và nhận được chẩn đoán khác không phải ung thư buồng trứng, nhưng bạn không đỡ sau khi điều trị, hãy đến khám lại.

   Nếu bạn có tiền sử ung thư buồng trứng trong gia đình, hãy đến gặp bác sĩ được đào tạo để xác định và chăm sóc bệnh nhân ung thư buồng trứng để bạn có thể nói về sàng lọc và cơ hội điều trị khi bạn không có bệnh.

   Nếu bác sĩ chăm sóc ban đầu của bạn nghi ngờ bạn mắc ung thư buồng trứng, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia ung thư phụ khoa, hoặc bạn có thể đề đạt ý kiến của riêng bạn. Bác sĩ ung thư phụ khoa là một bác sĩ sản khoa và phụ khoa được đào tạo thêm về chẩn đoán và điều trị ung thư buồng trứng và các loại ung thư phụ khoa khác.

Tin liên quan