Cơ hội mới cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam

Ngày đăng: 29/12/2009 Lượt xem 4507
Bệnh nhân đầu tiên được lập kế hoạch xạ trị trên PET/CT tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai
Vừa qua tại Trung Tâm Y học hạt nhân và Ung Bướu Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai việc lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân dựa vào hình ảnh PET/CT. Đây là một bước tiến quan trọng trong vấn đề chẩn đoán và điều trị bệnh.


Bệnh nhân Lưu Như Th., nam 54 tuổi đến Bệnh viện Bạch Mai vì lí do đau vùng ngực trái, ho khan. Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán Ung thư phổi trái di căn xương đa ổ T2N2M1 từ 06/2008. Giải phẫu bệnh tại u (qua sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính): ung thư biểu mô tuyến. Trên hình ảnh xạ hình xương: tổn thương di căn xương ở vùng cột sống, xương sườn, xương bả vai phải.

Bệnh nhân đã được điều trị hóa trị và thuốc chống hủy xương nhiều đợt. Chất chỉ điểm khối u trong huyết thanh CEA (Carcino embryonic antigen) giảm hơn so với trước (từ 865ng/ml xuống còn 323ng/ml nhưng vẫn còn cao so với chỉ số bình thường (4ng/ml)

Trên phim chụp cắt lớp vi tính lồng ngực khối u phổi trái đã thu nhỏ kích thước hơn trước.

Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân từ chối tiếp tục điều trị hóa chất.

Bệnh nhân được chỉ định xạ trị vào vùng tổn thương di căn xương nhằm mục đích giảm đau và khống chế bệnh.

Chúng tôi đã tiến hành ghi hình PET/CT toàn thân cho bệnh nhân và dùng hình ảnh PET/CT để lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân.

Trên hình ảnh CT rất khó để nhận diện tổn thương di căn xương bả vai phải, một số cung xương sườn của bệnh nhân cũng như tổn thương di căn cột sống. Tuy nhiên với việc kết hợp hình ảnh PET và CT, việc đánh giá tổn thương di căn xương để tiến hành lập kế hoạch xạ trị trở nên chính xác hơn nhiều.

   
   


Một ưu điểm vượt trội của PET/CT so với các phương thức chẩn đoán hình ảnh hiện nay là kết hợp được cả thông tin chuyển hóa (metabolic) hay thông tin chức năng (functional) của PET với thông tin cấu trúc giải phẫu của CT. Kết quả là mang lại hình dung chính xác nhất về khối u, đặc biệt là những vùng khối u có khả năng đang hoạt động (đang có khả năng phát triển, xâm lấn và di căn…). Sau các phương pháp điều trị, tổ chức ung thư có thể chưa thay đổi về mặt kích thước trên hình ảnh CT nhưng đã thay đổi bản chất đáng kể trên PET. PET/CT giúp chúng ta tập trung điều trị các vùng khối u còn hoạt động, đảm bảo điều trị đúng và đủ, tránh được những điều trị không cần thiết, mang lại kết quả điều trị cao hơn, giảm bớt các biến chứng, kéo dài thời gian sống thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cũng như các phương pháp điều trị khác, xạ trị cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Để tiêu diệt các tế bào ung thư thì các tổ chức lành xung quanh khối u ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt khi xạ trị vào vùng đầu mặt cổ. Do vậy việc xác định rõ mức độ xâm lấn của khối u và hạch rất quan trọng. Việc lập kế hoạch dựa trên hình ảnh PET/CT cho phép đánh giá được mức độ xâm lấn của tổ chức ung thư vào tổ chức lành, từ đó giúp cho bác sỹ xạ trị chỉ định được liều lượng xạ trị và lập kế hoạch xạ trị được tốt hơn.

Tại Việt Nam với hệ thống máy gia tốc tuyến tính cho phép lập kế hoạch xạ trị theo không gian ba chiều (3D conformal radiotherapy) và xạ trị điều biến liều (IMRT, intensity modulated radiation therapy), trong đó phương pháp xạ trị điều biến liều giúp lập kế hoạch xạ trị hoàn hảo hơn với việc liều lượng xạ trị được tập trung tốt hơn vào vùng u mà lại giảm thiểu tối đa liều bức xạ vào tổ chức lành xung quanh khối u. Việc kết hợp lập kế hoạch xạ trị dựa trên hình ảnh PET/CT và xạ trị điều biến liều IMRT sẽ giúp mang lại kết quả điều trị xạ trị tốt nhất tại Việt Nam hiện nay.

Hiện nay  ở một số nước phát triển , PET/CT đang được ứng dụng để lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân và cho thấy có hiệu quả hơn (liều xạ trị tập trung chính xác vào vùng tổn thương mà lại bảo vệ được tối đa các tổ chức lành xung quanh khối u).

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam sử dụng thành công hình ảnh PET/CT để lập kế hoạch xạ trị với máy gia tốc tuyến tính (LINAC), điều này  sẽ giúp cho bệnh nhân ung thư sẽ có được hiệu quả điều trị cao và an toàn hơn so với các việc lập kế hoạch xạ trị dựa trên hình ảnh của CT hay MRI đơn thuần.

PGS.TS. Mai Trọng Khoa;Ths Phạm Cẩm Phương; Kỹ sư Vũ Ngọc Tú

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai

Tin liên quan