Thông thường bệnh nhân basedow (cường tuyến giáp) chiếm 1/3 trong số người bệnh đến khám các bệnh lý nội tiết - chuyển hóa. Tuy nhiên gần đây tỉ lệ này lên đến trên 40%, đặc biệt ở bệnh nhân nữ và lý do quan trọng là stress, áp lực trong cuộc sống.
Đáng ngại là bệnh nhân đều đã có những biểu hiện biến chứng, trong đó có biến chứng suy tim, rung nhĩ nhanh... điều trị tim mạch khắp nơi không khỏi, khi trở lại bệnh viện nội tiết, bệnh nhân mới được chẩn đoán chính xác căn nguyên suy tim là chứng basedow.
Áp lực cuộc sống, bệnh chạy vào tim
Theo TS Trần Thị Thanh Hóa - trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nội tiết T.Ư, nhu cầu iôt của trẻ em dưới 6 tháng tuổi là 50mg/ngày, trẻ dưới 6 tuổi 90mg/ngày, trẻ 6-11 tuổi 120mg/ngày, trẻ trên 12 tuổi và người trưởng thành cần 150mg/ngày, phụ nữ mang thai có nhu cầu 200mg/ngày. Với nhu cầu này, mỗi người sử dụng 4-6g muối ăn đã trộn iôt/ngày là bình thường, nhưng trường hợp sử dụng nhiều iôt quá mức, trong thời gian dài sẽ có hiện tượng cường tuyến giáp (tức basedow, trái ngược với tình trạng thiếu iôt dẫn đến bệnh bướu cổ).
Tuy nhiên, thừa iôt quá mức chỉ là một trong số những căn nguyên của hiện tượng này. Nguyên nhân rất thường thấy của bệnh nhân basedow là các áp lực, khó khăn, vất vả trong cuộc sống, điều kiện kinh tế khó khăn. Đây là lý do khiến bệnh gặp nhiều ở công nhân, người đi làm xa quê tại các vùng núi, vùng sâu vùng xa, trí thức làm việc ở các lĩnh vực nhiều áp lực, người hay phải suy nghĩ...
Thừa hay thiếu iôt có thể xác định bằng định lượng iôt niệu, nhưng với stress, áp lực trong cuộc sống rất khó đánh giá. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người có các biểu hiện như tăng thân nhiệt, lúc nào cũng muốn tắm, muốn quạt, mệt, ăn khỏe nhưng sút cân nhanh (2-3 tháng có thể sút hàng chục ký), run tay chân, các biểu hiện khó chịu ở mắt như cộm, rát, chảy nước mắt, rối loạn kinh nguyệt, giảm nhu cầu tình dục, rối loạn tiêu hóa, ở nam giới là hạ kali máu (có thể biểu hiện bằng hiện tượng liệt tạm thời)... nên đi khám nội tiết để xác định bệnh.
90% bệnh nhân là phụ nữ
Theo TS Hóa, 90% bệnh nhân cường tuyến giáp là phụ nữ. Tùy từng bệnh nhân, thể bệnh, thời gian xuất hiện biến chứng kể từ thời điểm mắc bệnh có thể từ vài tháng đến vài năm, nhưng khoảng 10% bệnh nhân nặng có biểu hiện suy tim và các biến chứng liên quan đến tim. Do bướu của bệnh nhân basedow là loại bướu mềm, các bác sĩ không chuyên khoa rất khó phát hiện, vì thế tỉ lệ bệnh nhân đến viện muộn khi đã có biến chứng rất cao.
Tuy phải điều trị lâu dài, nhưng nếu được xác định đúng và điều trị đúng bệnh, khoảng 60% bệnh nhân sẽ khỏi bệnh. Do số lượng bệnh nhân ngày càng nhiều và liên quan chặt chẽ đến stress và sang chấn thần kinh và tâm lý, do những căng thẳng trong cuộc sống, các bác sĩ đã gọi đây là một loại “bệnh xã hội”. Gần đây trong nhóm bệnh nội tiết, chuyển hóa, người dân quan tâm nhiều đến bệnh đái tháo đường, nhưng còn ít chú ý đến basedow. Nhưng đã đến lúc quan tâm hơn đến căn bệnh này, và đặt nó lên vị trí xứng đáng trong nhóm các căn bệnh xã hội liên quan đến đời sống hiện đại.
Theo tuoitre