Những tiến bộ gần đây của xạ hình PET/CT trong ung thư vú

Ngày đăng: 30/08/2011 Lượt xem 6289
Ung thư vú khá phổ biến ở phụ nữ VN và các nước khác trên thế giới. Việc phát hiện sớm ung thư rất quan trọng trong phòng chống ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Phẫu thuật vẫn là phương thức điều trị căn bản. Trong ung thư vú, tình trạng và số lượng hạch nói chung và hạch nách nói riêng được coi là yếu tố tiên lượng quan trọng nhất liên quan đến tỷ lệ tái phát và thời gian sống thêm.

Y học hạt nhân (YHHN) với kỹ thuật ghi hình cắt lớp đơn photon (SPECT) và PET/CT cải tiến, nhờ các tiến bộ vượt bậc của các dược chất phóng xạ (DCPX) đang có nhiều đóng góp cho ung thư học nói chung và ung thư vú nói riêng. Ghi hình YHHN ngày nay chủ yếu là kỹ thuật SPECT, SPECT/CT và PET/CT. Có thể nói ghi hình phóng xạ vú bằng SPECT là một trong những nghiệm pháp cần thiết cho chẩn đoán ung thư vú. Hình ảnh trao đổi chất của y học hạt nhân ít bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi về mật độ mô, qua đó cung cấp một bổ sung quan trọng đối với chụp nhũ ảnh và các hình ảnh giải phẫu khác. Hơn nữa việc phối hợp các phương thức ghi hình khác nhau làm tăng khả năng chẩn đoán cho ung thư vú rất nhiều. Từ đó tạo ra nhiều kỹ thuật cải tiến khác. Ở những phụ nữ trẻ, một số trường hợp đặc biệt có những tổn thương DCIS xung quanh những khối u xâm lấn. Vùng này dễ được nhìn thấy rõ trên xạ hình hơn các kỹ thuật khác. Xạ hình cũng có một khả năng phát hiện những khối u đa tâm (multi-centric) hoặc những khối u đa ổ (multi-focal) và những bệnh nhân có khối u nhiều nhân.    

Khi khám bệnh tìm thấy u vú với mật độ mô chắc ở bệnh nhân và mammography dương tính thường BN được làm sinh thiết tức thì. Trong những trường hợp đó nên chụp xạ hình đã vì sẽ giúp nhiều cho chẩn đoán nhờ độ đặc hiệu cao của Scintimamography và với giá trị dự đoán dương tính cao. Nếu scintimamography dương nên hướng tới chỉ định sinh thiết tức thì. Nếu Scintimamography âm tính sẽ củng cố suy nghĩ hướng tới một tổn thương lành tính và cần theo dõi trong 6 tháng tiếp theo.

Xạ hình rất có giá trị trong chẩn đoán xác định (indentifying) và loại trừ ung thư khi gặp những dấu hiệu nghi ngờ ở những hình ảnh chụp bằng các kỹ thuật khác. Xạ hình là một kỹ thuật cần thiết đối với những ổ ung thư không phát hiện được bằng CT và MRI. Những bệnh nhân có kết quả nhũ anh (mammography), siêu âm và lâm sàng không rõ thì xạ hình cho thêm thông tin để khẳng định trước khi mổ. Xạ hình có độ nhạy từ 50% (chụp X quang) và 68% (siêu âm) tăng lên 93% (xạ hình). Có tác giả chỉ ra rằng 100% ca có xạ hình âm tính là không có ung thư. Nếu làm thêm xạ hình sau khi chụp X quang sẽ loại bỏ được những bệnh nhân có dương tính giả trong hình ảnh X quang, tức là giảm được nhiều trường hợp không cần phải làm sinh thiết (1,2). Gần đây người ta nói nhiều đến ưu điểm của PET/CT đới với ung thư nói chung. Vậy giá trị của PET/CT với ung thư vú như thế nào và nên áp dụng kỹ thuật đó ra sao trong chẩn đoán và theo dõi bệnh?

Nguyên tắc cơ bản của ghi hình khối u bằng PET là cơ chế tập trung một cách đặc hiệu dược chất phóng xạ (DCPX) đã lựa chọn. DCPX được lựa chọn này dựa trên cơ sở những khác biệt về sinh lý học hoặc chuyển hoá giữa khối u và tổ chức bình thường.Về nguyên tắc thì các hoạt động chuyển hoá trong các tổ chức ung thư  xuất hiện trước khi có những thay đổi về cấu trúc. Nếu sử dụng các chất chuyển hoá (ví dụ glucosse) và đánh dấu chúng bằng các đồng vị phóng xạ phát positron, chúng sẽ theo hệ tuần hoàn máu hấp thụ (tập trung) chủ yếu tại các tổ chức có tế bào ung th­ư và tham gia vào các quá trình chuyển hoá, tổng hợp, biến đổi trong từng tế bào ung th­ư. Vì vậy tại tổ chức bệnh lý hay khối u ung thư sẽ có một sự chênh lệch rõ rệt là hoạt độ phóng xạ ở tổ chức bệnh cao hơn tổ chức lành xung quanh (chỉ số đo bằng giá trị hấp thụ chuẩn (standard uptake value: SUV). Hình ảnh thu đư­ợc sẽ là hình ảnh các tổ chức ung thư­ đặc hiệu ở giai đoạn rất sớm, thậm chí ngay khi các tế bào ung thư­ đang ở giai đoạn rối loạn chuyển hoá cũng có thể thấy đư­ợc hình ảnh của chúng. Điều này là khác biệt so với chụp hình bằng CT, MRI... là khi tổ chức ung thư­ phải bị phá huỷ ở một mức độ đủ lớn thì các thiết bị này mới phát hiện đ­ược các thay đổi.Như vậy, hình ảnh ghi được bằng PET với các DCPX thích hợp có thể giúp chúng ta phát hiện ở giai đoạn rất sớm và chính xác hơn các khối u ung thư so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như CT, MRI... và hình ảnh thu đư­ợc mang đậm tính chất hình ảnh chức năng hơn là hình ảnh cấu trúc giải phẫu. Hiện nay đói với ung thư vú PET/CT có các kỹ thuật sau đây:

- Chụp PET/CT toàn thân hoặc cắt lớp với 18FDG

- Xạ hình PET/CT nghiên cứu về tổng hợp DNA với 18F-L-Thymidine hoặc các acid amin khác.

- Xạ hình các thụ thể  (RS) để phát hiện các đích đặc hiệu cho ung thư vú như các thụ thể Estrogen (ER) với 16-α-[18F]fluoro-17-β-estradiol (FES) và các kháng thể đích , các yếu tố tăng sinh nội mô lòng mạch (VEGF)  và các thụ thể của yếu tố tăng sinh biểu mô (EGFR). 
- Chụp nhũ ảnh phát Positron  (Positron Emission Mammography: PEM).

 1. Ghi hình PET/CT toàn thân  với 18FDG ( Fluor Desoxy Glucose).

Các tế bào ung thư có tăng nhu cầu glucose nên đã hấp thụ 18F-FDG nhiều hơn những tổ chức lành xung quanh. Glucose tương tự FDG được biết là tập trung ở các khối u vú khiến chúng có thể dễ dàng được phát hiện trong quét PET thông thường do tỷ lệ trao đổi chất tăng lên của các khối u vú. Trong ung thư vú, PET rất có ích để phát hiện những di căn xa và gần kể cả các hạch bạch huyết. Vì vậy có thể dùng kỹ thuật PET với 18F-FDG để chụp toàn thân trong chẩn đoán và theo dõi ung thư nói chung, ung thư vú nói riêng. Ngày nay 18FDG PET/CT được sử dụng rộng rãi (1,6,7). Weir và cs (9) trong phân tích 165 bệnh nhân, đã ghi nhận chuyển giai đoạn 30% bệnh nhân được chẩn đoán là chỉ tái phát tại chỗ với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh thông thường. Schmidt và cs khi phân tích 33 bệnh nhân ung thư vú được đánh giá với cả hai kỹ thuật MRI toàn thân và FDG PET/CT, đã nhận thấy PET/CT là một quy trình hiệu quả để đánh giá bệnh di căn. Kỹ thuật này có độ nhạy với di căn hạch cao hơn so với MRI toàn thân. Hình ảnh PET/CT có độ nhạy cao hơn đối với hạch bạch huyết so với MRI toàn bộ cơ thể. Nhiều tài liệu đã báo cáo độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác là 86 - 100%, 85 - 97% và 90 - 98% đối với ghi hình  18FDG - PET. (7,9,10). Walter và cộng sự  so sánh giá trị chẩn đoán trước mổ để làm tăng chức năng cộng hưởng từ, mammography và FDG-PET như một phương tiện chẩn đoán đơn và phối hợp trong tổn thương vú có nghi ngờ. Cộng hưởng từ và PET có độ nhạy lần lượt là 89% và 63%, độ đặc hiệu lần lượt là 74% và 91%. Sự kết hợp cả hai phương pháp hình ảnh đã làm giảm số trường hợp sinh thiết không cần thiết từ 55% xuống 17%. Nhiều tác giả đã kết luận rằng sự kết hợp giữa cộng hưởng từ và PET có thể làm giảm sinh thiết trên những bệnh nhân có tổn thương lành tính. Cả hai phương pháp trên nên sử dụng trong những trường hợp khó xác định ác tính. Sử dụng PET cũng được đề cập nếu như trên cộng hưởng từ, mammography tìm thấy những tổn thương nghi ngờ.

            Trong những nghiên cứu khác, giá trị của cộng hưởng từ và PET được so sánh trực tiếp để phân biệt tổn thương của vú là lành tính hay ác tính. Riebet và cộng sự kiểm tra 43 bệnh nhân với lâm sàng nghi ngờ ung thư vú được làm MR mammography(MRM) và PET. Hiệu quả của những phương pháp này trong chẩn đoán u nguyên phát, ung thư đối bên, hai tổn thương, ba tổn thương và nhiều tổn thương cũng như là nhiều ung thư không xâm nhập và đánh giá kích thước khối u tốt. Độ nhạy của MRM và PET lần lượt là 100% so với 93.0% trong chẩn đoán u nguyên phát; 100% so với 100% chẩn đoán ung thư đối bên; 95,2% so với 92,5% trong chẩn đoán hai, ba ổ và nhiều ổ. Độ đặc hiệu của MRM và PET lần lượt là 100% so với 97,5% trong chẩn đoán ung thư vú đối bên; 96,8% so với 90,3% trong chẩn đoán hai, ba ổ và nhiều ổ. Cả hai phương pháp xác định ung thư không xâm nhập và kích thước u là ngang bằng nhau. Kết quả của một hay hai phương pháp làm thay đổi chỉ định phẫu thuật của bệnh nhân trong 12,5% - 15% các trường hợp. Kết luận của tác giả trước phẫu thuật là hình ảnh của MRM và PET có thể có ảnh hưởng tích cực đến kế hoạch phẫu thuật (10).

 
BN ung thư vú có di căn hạch nách phải

 
PET/CT K vú di căn xương,hạch nách

FDG-PET có độ tương phản tốt dẫn tới lợi ích trong việc tầm soát bệnh để phát hiện ra ung thư vú trong giai đoạn sớm và làm giảm tỉ lệ tử vong. FDG-PET có thể cải thiện sự phân biệt giữa lành tính và ác tính của tổn thương không rõ ràng trên các hình ảnh khác. Do đó, PET cũng là một kỹ thuật tốt hơn so với các phương pháp  khác trong việc phát hiện tái phát ung thư vú và đánh giá kết quả điều trị. Vì vậy, cần áp dụng kỹ thuật này cho các bệnh nhân ung thư vú sau điều trị. Xạ hình PET sử dụng 18FDG có giá trị rất tốt trong chẩn đoán các khối ung thư còn lại sau mổ, tái phát và trong đánh giá hiệu quả điều trị. Mục tiêu chính của ghi hình trước điều trị là để xác định vị trí của khối u và có căn cứ để so sánh với hình ảnh ghi sau điều trị. Mặc dầu 50% bệnh nhân có tình trạng lui bệnh hoàn toàn trên lâm sàng,nhưng trong nhiều trường hợp vẫn còn một khối tồn lưu sau điều trị (9).

 
Các hình ảnh PET (cắt ngang) với các thời gian khác nhau sau điều trị để đánh giá điều trị cho thấy ít thay đổi hoạt độ PX. KL: Không đáp ứng điều trị

 
Hình ảnh PET/CT cho thấy giảm hoạt độ PX theo thời gian sau ĐT. KL: Có đáp ưng với điều trị


  
Hình ảnh PET/CTtrước và sau điều trị cho thấy  hoạt độ PX giảm rõ rệt. KL: Có đáp ưng với điều trị

Tóm lại ngày nay FDG PET/CT có thể sử dụng để: Chẩn đoán xác định giai đoạn, xác định di căn hạch, xác định di căn xa, theo dõi điều trị, đánh giá đáp ứng điều trị, tiên lượng khả năng đáp ứng điều trị, phát hiện khối u tái phát sớm. Tuy nhiên, một nhược điểm là FDG cũng được hấp thụ cao vào những tổ chức bị viêm nhiễm nên có thể tạo ra các dương tính giả trong chẩn đoán ung thư. PET là một kỹ thuật đắt tiền nên ít dùng để thay thế xạ hình thông thường (Planar, SPECT) trong chẩn đoán ung thư vú tiên phát khi các kỹ thuật xét nghiệm khác vẫn có giá trị của nó. FDG-PET không nên được xem là phương pháp lựa chọn đầu tiên trong chẩn đoán tổn thương nguyên phát nhưng rất cần thiết với nhiều mục tiêu khác nhau trong các ca muộn.Vì có độ nhạy khá cao, mammography rõ ràng nên được lựa chọn ưu tiên sử dụng cho bệnh nhân một cách phổ biến và độ chính xác còn cao hơn nếu mammography có bổ sung thêm siêu âm và sinh thiết.

 2. Ghi hình PET/CT với 18FLT (fluorothymidine)

Gần đây ghi hình PET/CT với 18FLT (fluorothymidine) để quan sát sự phát triển và nhân bội lên của tế bào khối u trong ung thư vú. Quá trình này giúp tìm biết xem các tế bào bệnh đã ngừng phát triển hay chưa sau một liệu pháp điều trị . Sự hấp thụ của FLT có sự liên quan chặt chẽ tới hoạt động của men thymidine (TK-1) trong sự sinh sôi của tế bào và có liên quan tới sự tổng hợp DNA trong pha S . Độ tập trung cao của FLT trong sự phát triển nhanh của mô in vivo đã được trình bày trong nhiều nghiên cứu . Sự hấp thụ tăng của FLT được tìm thấy ở hơn 90% khối u. Khối u bỏ sót thường có đường kính chỉ 5 mm. SUVmax  và SUVmean của FDG là cao hơn của FLT, mặc dù sự khác nhau này là không có ý nghĩa thống kê. Sự hấp thu của FLT ở u trong mô vú khác so với sự hấp thụ của FDG cũng không có ý nghĩa thống kê, nhưng tỉ lệ phát hiện u trong trung thất của FLT cao hơn của FDG. Các tác giả kết luận rằng sự tương phản cao của hình ảnh FLT-PET có thể thuận lợi hơn trong việc phát hiện những khối u nhỏ, đặc biệt là ở trung thất. Tóm lại, u vú nguyên phát có thể phát hiện khi dùng FLT-PET, nhưng hiện nay giá trị của nó trong việc phát hiện u vú nguyên phát chưa được đánh giá trên một số lượng bệnh nhân lớn nên chưa được khuyến cáo trong lâm sàng nên sử dụng như một phương pháp thông thường hàng ngày.

 
Hình ảnh FLT - PET K vú trước ĐT; (b): Hình ảnh FLT - PET K vú sau ĐT, ổ hấp thu PX cao trước ĐT đã biến mất.

3.Ghi hình PET/CT để phát hiện các đích đặc hiệu trong ung thư vú.

- Một ứng dụng khác của PET là nghiên cứu tình trạng receptor của tế bào khối u bằng cách dùng các oestrogen đánh dấu phóng xạ hoặc các DCPX là các thụ thể như Estrogen (ER)(16-α-[18F]fluoro-17-β-estradiol (FES) .ĐVPX có thể dùng là F-18 hoặc C-11. Ostrogen đánh dấu này thường được gắn nhiều vào các tổ chức ung thư qua các receptor đặc hiệu, còn các tổ chức lành thì hấp thụ rất ít hoặc không hấp thụ. Cần lưu ý rằng, ở những bệnh nhân đã điều trị bằng nghiệm pháp anti-oestrogen thì có thể cho kết quả âm tính giả. Phân tích estrogen 16-alpha-F-18-fluoroestradiol-17-beta (FES) có khả năng phát hiện thụ thể estrogen của ung thư vú và định lượng được ảnh hưởng của kháng thể antiestrogen .  Sự bộc lộ quá của HER-2 receptor trong ung thư vú có liên quan chặt chẽ với tiên lượng xấu và cung cấp thông tin giá trị về chẩn đoán và tác động đến lựa chọn phương pháp điều trị. Nghiên cứu hồi cứu trên kháng thể chống lại HER-2 receptor có đánh dấu phóng xạ đã được công bố.

 

- Những DCPX tiềm năng khác như F-18-fluoromisonidazole (18FMISO) cũng được sử dụng như là một marker giảm oxy huyết trong sarcoma phần mềm [7]. Nó cũng có vai trò trong ung thư vú đặc biệt là trong việc lập kế hoạch điều trị và kiểm tra. I-124-annexin V là một chất gắn với phosphatidylserine (PS) trên bề mặt của tế bào apoptotic cho thấy có  khả năng định lượng được apoptosis ở nghiên cứu trên động vật thực nghiệm [7,10]. Khả năng đánh giá được hiệu quả của liệu pháp điều trị ung thư của nó trên lâm sàng đang được thực hiện trên những thử nghiêm lâm sàng .

- Xạ hình receptor (Receptoe Scintigraphy: RS) còn được thực hiện với các kháng thể đánh dấu hoặc những peptide đánh dấu bằng In-111 dễ sản xuất hơn so với các kháng thể.

Nhiều nghiên cứu PET/CT ghi hình biểu hiện thụ thể của yếu tố phát triển nội mô mạch máu (VEGF): Khả năng sinh mạch máu khối u là một nhân tố có tính quyết định trong việc đánh giá đáp ứng với điều trị ở những khối u đặc và tổn thương di căn. Yếu tố phát triển nội mô mạch máu được gắn với 64Cu (64Cu-VEGF) dùng cho PET/CT ghi hình biểu hiện thụ thể VEGF (VEGFR) trong cơ thể lần đầu tiên được báo cáo bởi nhóm của Sam Gambhir tại Stanford, USA và đã được chứng minh thành công về khả năng ghi hình biểu hiện VEGFR trong cơ thể. Kỹ thuật này ngày nay được dùng để theo dõi điều trị ung thư nhắm trúng đích VEGFR. Các ứng dụng lâm sàng để ghi hình khối u/ sinh mạch và hướng dẫn điều trị chống tăng sinh mạch đang được nhiều nhà nghiên cứu tiến hành.

Ghi hình nhắm trúng vào các đích phân tử được trông đợi là sẽ mở rộng khả năng cho phép các thầy thuốc không chỉ nhìn thấy khối u nằm ở đâu trong cơ thể, mà còn có thể biết được sự biểu hiện và cơ chế hoạt động của các phân tử đặc hiệu (vd., proteases và protein kinases) và các quá trình sinh học (vd., chết theo chương trình, sinh mạch và di căn) ảnh hưởng đến hoạt động khối u và/hoặc đáp ứng điều trị. Thông tin này được trông đợi là sẽ có một ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát hiện ung thư, điều trị cho từng cá nhân và phát triển thuốc, cũng như hiểu biết sâu sắc hơn về cơ chế hình thành ung thư trong cơ thể chúng ta.

 4. Chụp vú phát xạ positron (positron emission mammography: PEM)

 PET và PET/CT là kỹ thuật hình ảnh hiện đại, có rất nhiều ích lợi nhưng tương đối đắt tiền nên không được sử dụng thường xuyên trong việc phát hiện ung thư vú nguyên phát. Gần đây người ta đã kết hợp khả năng chẩn đoán  nhờ  độ phân giải cao của kỹ thuật chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) với kỹ thuật chụp nhũ ảnh (tia X ) có nén nhẹ vú tạo ra kỹ thuật chụp nhũ ảnh phát xạ positron: PEM]) gọi là chụp vú phát xạ positron (PEM). Hệ thống này gồm 2 đầu dò 15x20- cm (tia X) và 3x3x10 mm lutetium gadolinium oxyorthosilicate (PET) đặt ở vị trí trên và dưới vú bị ép cách nhau khoảng 6-9 mm. Hệ thống PEM này thiết kế dành riêng cho ung thư vú. Máy PEM tích hợp hình ảnh chụp nhũ ảnh thông thường bằng tia X và hình ảnh chuyển hóa FDG tại  vú vào một hệ thống giống như máy PET/CT toàn thân. Nó có độ phân giải cao kèm theo hình ảnh rối loạn chuyển hóa trao đổi chất của FDG trong ung thư vú. Hình ảnh thu được là tích hợp hình ảnh chức năng y học hạt nhân của xạ hình vú với  DCPX FDG  và hình ảnh giải phẫu và bệnh lý do thay đổi mật dộ cấu trúc của nhũ ảnh qua tia X, nên dễ dàng quan sat về mối tương quan tại vùng ngực. Đó là một bước phát triển về hình ảnh chức năng và giải phẫu tại mô vú. Chụp nhũ ảnh phát xạ positron (PEM) sẽ cung cấp hình ảnh độ phân giải cao, hiệu quả cao, chi phí thấp và liều xạ bệnh  nhân hấp thụ ít vì sử dụng ít DCPX hơn. Nó có độ nhạy khoảng 20 lần lớn hơn so với một máy quét PET/CT đa lát cắt thông thường cho toàn cơ thể. Bên cạnh các ứng dụng như một công cụ sàng lọc , thiết bị này còn có lợi trong việc đánh giá kết quả sau hóa trị và giúp bác sĩ phẫu thuật trong việc tối ưu hóa việc xác định cắt bỏ các mô bệnh ác tính.Nghiên cứu Phantom với thiết bị PEM cho thấy điểm nóng kích cỡ 1 cc có thể được phát hiện chỉ trong vòng 5 phút. Một thử nghiệm lâm sàng sơ bộ cũng cho thấy xác định được bệnh ung thư vú trong vòng 4 phút. PEM hứa hẹn sẽ đạt được chi phí thấp trong phát hiện các tổn thương của vú và nhiều lợi ích trong hướng dẫn sinh thiết. Kinh nghiệm cho tháy tỉ lệ hấp thu DCPX tại u/nền >2,5 được nghĩ tới tổn thương ác tính. Các kết quả nghiên cứu cho thấy PEM có độ nhạy là 86%, độ đặc hiệu là  91% và độ chính xác là 89%. PEM có giá trị lớn nhất để xác định các ung thư vú không xâm nhập (DCIS) trước mổ. DCIS thường được thấy ở những vùng ung thư vú xâm nhập và nếu biết trước phẫu thuật thì có thể tránh việc phải cắt lại bờ khối u sau PT cắt u. DCIS chiếm đến 30% các ung thư vú mới chẩn đoán và phạm vi của bệnh thường khó xác định trên chụp vú và MRI. PEM đã được ghi nhận có độ nhạy với DCIS tới 91% tức là vượt xa các phương tiện ghi hình khác. Rosen và cộng sự đã chỉ định sử dụng PEM để kiểm tra 23 bệnh nhân với tổn thương mammography bị nghi ngờ ác tính cao, cho thấy độ nhạy khá cao của PEM là: 86% ,với giá trị dự báo dương tính là 90% , độ đặc hiệu là 33% và giá trị dự báo âm tính là 25%. Người ta cho là PEM có thể được tiến hành tiếp sau PET toàn thân để đánh giá di căn hoặc khả năng ung thư vú tái phát. Trong nghiên cứu tại bốn trung tâm, 94 phụ nữ liên tiếp với bệnh ung thư vú hoặc tổn thương vú đáng ngờ,sau khi nhận được 18F-fluorodeoxyglucose (FDG) tiêm tĩnh mạch, tiếp theo là chụp PEM đã rút ra kết luận là PEM có độ nhạy để phát hiện ung thư là 90%, độ đặc hiệu 86%, giá trị dự báo dương tính (PPV) 88%, giá trị tiên đoán âm tính (NPV) 88%, độ chính xác 88%. Như vậy FDG- PEM có độ chính xác cao chẩn đoán tổn thương vú, bao gồm cả DCIS.

KẾT LUẬN

            Y học hạt nhân đang có một vai trò ngày càng tăng vì nó có thể trợ giúp trong cả chẩn đoán và điều trị ung thư vú. Nó có thể phát hiện được các khối u đa nhân (đa ổ và đa tâm). Nó cũng có vai trò trong phát hiện những tái phát ở những vùng xung quanh, dự báo và đánh giá cho hoá trị. Xạ hình vú bằng SPECT có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán sớm và điều trị ung thư cần được mở rộng ở nước ta mà lâu nay do nhiều nguyên nhân chưa được áp dụng một cách thích đáng. Do giá thành cao của chụp PET/CT nên thông thường ít sử dụng PET/CT cho các ca ung  thư còn ở giai đoạn sớm. Tuy nhiện PET/CT phát huy vai trò rất lớn trong phát hiện xâm lấn và di căn nên giúp ích nhiều trong xếp giai đoạn bệnh, xác định phương thức điều trị, đánh giá và tiên lượng kết quả điều trị. Đác biệt với các DCPX ngoài FDG giúp đi sâu vào bệnh sinh nên có thể giúp  tìm hiểu cơ chế phát triển khối u cơ chế tác dụng thuốc trong hormon liệu pháp và điều trị trúng đích đối với ung thư vú.  

GS.TSKH Phan Sỹ An*, PGS.TS Mai Trọng Khoa**

*Chủ tịch Hội Vật lý y học VN, Phó chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân VN

** Phó giám đốc BV Bach Mai, Giám đốc TT YHHN&UB BV Bạch Mai

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Phan Sỹ An (2003): Những kỹ thuật y học hạt nhân phổ biến hiện nay trên thế giới và kết quả ứng dụng ở Việt Nam. Tạp chí Thông tin y học lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, số 10, trang 24-39

2) Phan Sỹ An (2004): Y học hạt nhân và ung thư vú.Tạp chí y học TP Hồ Chí Minh,8,4, tr 273-283.

3) Cheon G-J, Chung JK, Kim YK (2003): Comparison of Whole Body F-18 FDG PET and Tc-99m MDP Bone Scan for the Assessment of Metastatic Bone Lesions, World J Nucl Med, 2(1), p. 18-29.

4) Mai Trọng Khoa, Trần Đình Hà, Phan Sỹ An, Nguyễn Thị The, Nguyễn Thành Chương, Trần Hải Bình, Trần Văn Thống, Nguyễn Văn Thảo và CS.

Ứng dụng kỹ thuật chụp hình PET/CT trong ưng thư tại trung tâm YHHN & UB, BV Bạch mai. Tuyển tập Hội nghị Ung thư TP HCM 12 /2009

5) J. Crernion, M. Dahlbom, O. Ratib, C. Schiepers (2004): Atlas of PET/CT Imaging in Oncology.

6. C-T. Liao, J.T.-C. Chang, H-M. Wang, S.-H.Ng, C. Hsueh, L.-Y. Lee, C.-H. Lin, I.-H.Chen, S.-F. Huang, A.-J. Cheng, L.-C. See, and T.-C. Yen (2009)

Pretreatment Primary Tumor SUV max Measured by FDG-PET and Pathologic Tumor Depth Predict for Poor Outcomes in Patients With Oral Cavity Squamous Cell Carcinoma and Pathologically Positive Lymph Nodes, Radiation Oncology Biology Physics, March 1, 2009, Vol. 73 (3), pp 764-771.

7). M.H.M. Janssen, H.J.W.L. Aerts, M.C. Ollers, G.Bosmans, J.A. Lee, J. Buijsen, D. De Ruysscher, P. Lambin, G. Lammering, and A.L.A.J. Deckker (2009)

Tumor Delineation Based on Time-Activity Curve Differences Assessed With Dynamic Fluorodeoxyglucose Positron Emission Tomography - Computed Tomography in Rectal Cancer Patients, Radiation Oncology Biology Physics, February 1, 2009, Vol. 73 (2), pp 456-465.

8) Schmidt GP, Baur-Melnyk A, Haug A, Heinemann V, Bauerfeind I, Reiser MF, Schoenberg SO. Comprehensive imaging of tumor recurrence in breast cancer patients using whole-body MRI at 1.5 and 3 T compared to FDG-PET-CT. Eur J Radiol. 2008 Jan;65(1):47-58.

9). Weir L, Worsley D, Bernstein V: The value of FDG positron emission tomography in the management of patients with breast cancer. Breast. J. 2005 May-Jun;11(3):204-9.

10). S. Dresel (2008): PET in Oncology, Springer, Berlin-Germany, 2008.

Tin liên quan