Ca lâm sàng: Điều trị ung thư tuyến giáp có di hạch bằng I-131 tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai

Ngày đăng: 30/01/2019 Lượt xem 2283

GS.TS Mai Trọng Khoa*, BS Nguyễn Đức Anh**, ThS Nguyễn Thị The*,

* Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

** Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc

 Một vài thông tin về ung thư tuyến giáp

1. Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp (UTTG) chiếm 1% các loại ung thư và là ung thư phổ biến nhất trong các bệnh ung thư của hệ nội tiết. Tỷ lệ mắc 3/100.000 dân tùy vùng địa lý. Nữ mắc bệnh nhiều hơn nam, tỷ lệ nam/nữ = 1/3.

UTTG thể biệt hóa gồm thể nhú, thể nang, hỗn hợp nhú và nang chiếm 80%; 20% còn lại là UTTG không biệt hóa bao gồm thể tủy, thể thoái biến, ung thư tổ chức liên kết, lymphoma…UTTG thể nhú là loại phổ biến nhất trong các dạng UTTG, chiếm từ 70-80% trong tổng số các trường hợp, thể này tiến triển chậm và có thể di căn hạch cổ, hoặc có thể lan tới phổi và xương…UTTG thể nang là loại UTTG phổ biến thứ 2, chiếm từ 10-15%, loại này có tốc độ tiến triển nhanh hơn, thường hay di căn hạch cổ và di căn xa vào xương, phổi.

UTTG thể biệt hóa có tiên lượng tốt nếu phát hiện sớm, điều trị kết hợp phẫu thuật, I-131 và nội tiết tố.

2. Điều trị ung thư tuyến giáp

Nguyên lý: Tế bào ung thư biểu mô tuyến giáp biệt hoá có khả năng bắt giữ và tập trung 131I như tế bào tuyến giáp bình thường. Khi 131I được đưa vào cơ thể sẽ tập trung vào tế bào, tổ chức UT, tia beta do 131I phát ra sẽ tiêu diệt tế bào ung thư.

Mục đích: điều trị ung thư biểu mô tuyến giáp thể biệt hóa bằng 131I: huỷ mô tuyến giáp còn lại sau phẫu thuật; diệt những ổ di căn nhỏ (microcarcinoma) còn lại sau phẫu thuật; diệt những ổ ung thư tái phát, di căn xa; làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm thyroglobulin (Tg), antithyroglobulin (AntiTg) theo dõi sau điều trị.

Chỉ định:             

- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể biệt hóa sau phẫu thuật cắt giáp toàn phần và nạo vét hạch ở mọi giai đoạn.

- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể biệt hóa giai đoạn muộn không còn khả năng PT.

Chống chỉ định:

- Phụ nữ có thai.

- Phụ nữ đang cho con bú nếu cần điều trị phải cai sữa.

Cân nhắc: - Bệnh có di căn vào não nhiều ổ.

                   - Bệnh có di căn xâm nhiễm làm hẹp tắc lòng khí quản.

                  - Người bệnh suy chức năng gan, thận, thiếu máu nặng.

Xác định liều điều trị:

- Liều 131I điều trị hủy mô tuyến giáp sau phẫu thuật: tùy thuộc vào nhiều yếu tố, thông thường từ 30 mCi, 50 mCi, 100 mCi.

- Liều 131I điều trị di căn và tái phát: tùy thuộc vào vị trí di căn (di căn hạch, phổi, não, xương…), số lượng ổ di căn…. Thông tường   có thể là 100 mCi, 150 mCi, 200 mCi, 250 mCi.

Sau đây là một ca lâm sàng ung thư biểu mô tuyến giáp thể biệt hóa đã phẫu thuật có chỉ định điều trị bằng 131I.

1. Bệnh nhân Đ. T. P.L , nữ 57 tuổi. Vào viện ngày 03/01/2019

2. Bệnh sử

Tháng 08/2018: bệnh nhân xuất hiện khàn tiếng, vướng cổ. Khám tại bệnh viện K trung ương được chẩn đoán là ung thư tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân khám lại tại bệnh viện Bạch Mai được chẩn đoán tương tự và ngày 17/09/2018, bệnh nhân được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, nạo vét hạch cổ 2 bên.

Chẩn đoán: Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú, T4N0M0, giai đoạn III.

Sau đó bệnh nhân nhập viện theo hẹn xét điều trị bằng 131I.

3. Tiền sử

Bản thân: khỏe mạnh

Gia đình: Không ai mắc bệnh ung thư.

4. Khám lúc vào viện

     Khám toàn thân

-Bệnh nhân tỉnh, thể trạng trung bình: chiều cao 157 cm, cân nặng 55 kg.

- Da,niêm mạc hồng, không phù, không xuất huyết dưới da.

- Không sốt, mạch 70 lần/phút, huyết áp: 120/70 mmHg.

- Hạch ngoại vi : hạch cổ trái, kích thước khoảng 1x1 cm, mật độ mềm, di động, ấn đau.

Khám các bộ phận khác:

- Tuyến giáp: Đã cắt toàn bộ, sẹo khô, không viêm. Hội chứng suy giáp.

- Khàn tiếng.

- Nhịp tim đều.

- Phổi rì rào phế nang rõ, không ran.

- Các bộ phận khác chưa phát hiện bất thường.

5. Cận lâm sàng

- Xét nghiệm máu:

+ Hồng cầu: 4,36 T/L, HGB: 150 g/L, Bạch cầu: 4,5 G/L, Bạch cầu đa nhân trung tính: 48,4%, Tiểu cầu: 185 G/L (đều trong giới hạn bình thường).

+ HbsAg âm tính, HIV âm tính.

+ Chức năng gan – thận trong giới hạn bình thường.

+ Điện tim bình thường.

+ Xét nghiệm hormone tuyến giáp: FT3: 1,39 pmol/l, FT4: 2,8 pmol/L, TSH: 62,26 uU/mL. TG: 0,17 ng/mL , AntiTG: 10,00 U/mL.

- Siêu âm vùng cổ: Hình ảnh hạch cổ nhóm III và nhóm IV bên trái, nghĩ đến hạch bệnh lý/ Tuyến giáp đã cắt.

3395 anh 1     3395 anh 2

 Hình 1: Hình ảnh hạch cổ 2 bên của bệnh nhân trên siêu âm (vòng màu vàng)

 - Xạ hình tuyến giáp với Tc-99m: Không thấy tổ chức tuyến giáp trên xạ hình tuyến giáp với Tc-99m

3395 anh 3

Hình 2: Hình ảnh xạ hình tuyến giáp với Tc-99m: Không còn tổ chức tuyến giáp

- Kết quả sinh thiết và mô bệnh học:

Mô bệnh học (19/9/2018): ung thư biểu mô thế nhú của tuyến giáp xâm nhập vỏ xơ.

- Xét nghiệm đột biến gen BRAF: phát hiện đột biến V600E gen BRAF.

6. Chẩn đoán xác định

Ung thư tuyến giáp thể nhú, T4N0M0, giai đoạn III, đã phẫu thuật cắt hoàn toàn tuyến giáp.

8. Hướng điều trị tiếp theo

Bệnh nhân được hội chẩn và có chỉ định điều trị bằng I-131 theo phác đồ,

định kỳ tái khám theo quy trình.

 Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan