U nguyên bào thần kinh đệm (Glioblastoma) chiếm 75% các u nguyên bào thần kinh đệm bậc cao ở não. Đây là u ác tính nguyên phát tại thần kinh trung ương, các bác sỹ thực hành lâm sàng thường hay gặp bệnh có tính chất xâm lấn lan tỏa vào nhu mô não...
Tiên lượng bệnh còn xấu, trong đó các yếu tố tiên lượng bao gồm tuổi, thể trạng bệnh nhân, mức độ phẫu thuật và các điều trị bổ trợ… Thời gian gần đây khoa học đã bước đầu có nhiều tiến bộ trong việc điều trị giúp cải thiện sống thêm trong căn bệnh này.
Việc điều trị bệnh là sự phối hợp nhiều phương pháp (Đa mô thức) gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, miễn dịch…. Các chuyên gia khoa học và các bác sỹ vẫn đã và đang nghiên cứu, tìm kiếm không ngừng để có thể điều trị tốt hơn. Chúng ta ghi nhận những tiến bộ đầu tiên của từng chuyên ngành:
+ Về tiến bộ trong phẫu thuật thần kinh: các nhà phẫu thuật đã sử dụng hình ảnh chụp cộng hưởng từ định vị (MRI navigation) để phẫu thuật chính xác và triệt để hơn.
+ Các tiến bộ mới về hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (Computed Tomography, CT scanner, CT), chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging, MRI) , cộng hưởng từ phổ (MRI spectrum), và các hình ảnh chức năng PET/CT giúp đánh giá tốt hơn về đặc điểm và tính chất u đặc biệt là các hình ảnh này dùng cho lập kế hoặc xạ trị sẽ có kết quả chính xác hơn các phương pháp kinh điển cũ.
+ Các tiến bộ trong xạ trị: Gần đây các tiến bộ trong xạ trị nhanh chóng đã cải thiện nhiều kết quả điều tri bệnh ác tính này, trước kia điều trị xạ trị bằng máy cobalt 60 với kỹ thuật mô phỏng 2D gặp nhiều khó khăn cho u não nói chung và u nguyên bào thần kinh đệm nói riêng thì gần đây xạ trị bằng máy gia tốc với kỹ thuật 3D và điều biến cường độ liều (Intensity Modulated Radiation Therapy, IMRT) được sử dụng đem lại kết quả điều trị cao hơn và hạn chế nhiều tác dụng phụ đối với hệ thần kinh trung ương, hơn nữa các kỹ thuật 3D và đặc biệt IMRT được lập trên các hình ảnh mô phỏng hiện đại MRI, PET thì độ chính xác càng được nâng cao lên rõ rệt, các hình ảnh mô phỏng trên giúp xác định thể tích cần chiếu xạ chính xác hơn và kỹ thuật IMRT giúp điều trị tối đa liều vào thể tích u và liều thấp nhất tại tổ chức lành và các cấu trúc liền kề nguy cấp như mắt, dây thần kinh mắt, tuyến yên, vùng dưới đồi ốc tai, thân não, tủy sống…
+ Xạ phẫu bằng dao gamma quay giúp điều trị chính xác nhanh, chính xác an toàn, hiệu quả...
+ Các tiến bộ về các thuốc mới trong điều trị ung thư trong u nguyên bào thần kinh đệm, năm 2005 tác giả R Stupp và cộng sự báo cáo kết quả điều trị phối hợp Phẫu thuật+ xạ trị và Phẫu thuật + xạ trị+ hóa chất Temolozomide. Báo cáo đăng trên tạp chí NEJM(new England journal of medicine) cho thấy nhóm thứ 2 có phối hợp với hóa chất có kết quả về thời gian sống thêm trung bình ( 14,6 tháng so với 12,1 tháng) và thời gian sống thêm sau 2 năm (26,5 so với 10,4%) cao hơn hẳn có ý nghĩa thống kê[1]. Cũng trên tạp chí Lancet năm 2009 tác giả báo cáo kết quả 5 năm của nghiên cứu ngẫu nhiên đa trung tâm này với tỉ lệ sống sau 5 năm của nhóm 2 là 9,8% và nhóm 1 là 1,9%.
Một nghiên cứu pha II đăng trên tạp chí ung thư lâm sàng Mỹ ( JCO) so sánh giữa nhóm có thêm hóa chất Talampenel cùng với xạ trị chuẩn và Temolozomide kết quả cho thấy nhóm có Talampenel có tỉ lệ sống thêm sau 24 tháng là 41,7% so với 26,5%( p= .02) mà không tăng độc tính.
+ Gần đây các chất chống tăng sinh mạch cũng được thử nghiệm điều trị cho các bệnh nhân glioblastoma tái phát kết quả cho thấy có cải thiện thời gian sống thêm không tiến triển.
Như vậy, Glioblastoma (u nguyên bào thần kinh đệm) là bệnh lý ác tính nguyên phát tại hệ thần kinh trung ương hay gặp, điều trị bệnh là phối hợp các phương pháp điều trị, việc áp dụng các tiến bộ gần đây giúp điều trị hiệu quả hơn tăng thời gian sống cho người bệnh.
PGS.TS Mai Trọng Khoa, ThS. BS Vương Ngọc Dương
Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.