Ứng dụng thành công kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT) trong điều trị ung thư vòm họng tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.

Ngày đăng: 03/09/2009 Lượt xem 4948

Theo số liệu của tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng trên hai nghìn trường hợp ung thư vòm mới mắc và hơn một nửa số đó tử vong vì căn bệnh này. Biện pháp điều trị cơ bản và có hiệu quả nhất trong ung thư vòm họng là xạ trị. Nó được chỉ định cho phần lớn các bệnh nhân, kể cả giai đoạn IV nếu chưa có di căn xa. Tức là người ta sử dụng các chùm tia bức xạ ion hoá có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều loại thiết bị và kỹ thuật xạ trị khác nhau được sử dụng ở nước ta như máy xạ trị Coban-60, máy gia tốc tuyến tính (LINAC). Trong đó phương pháp xạ trị thông thường đang được áp dụng rộng rãi ở các cơ sở xạ trị trong cả nước là dùng máy Coban- 60. Ưu điểm của phương pháp này là tính đơn giản và kinh tế. Tuy nhiên, do thiết bị này sử dụng nguồn phóng xạ từ chất đồng vị phóng xạ Co-60 nên hoạt tính phóng xạ bị phân rã theo thời gian (cứ sau 5,27 năm thì hoạt tính bị giảm đi một nửa). Vì vậy thời gian chiếu xạ cho bệnh nhân để điều trị tăng dần ở các năm về sau và sau 3-5 năm phải thay nguồn phóng xạ một lần. Do đó nó có thể gây nguy hiểm cho môi trường do ô nhiễm chất thải phóng xạ. Hơn nữa, Co-60 phát tia gamma với mức năng lượng cố định với một khả năng đâm xuyên qua tổ chức cơ thể là cố định nên không thích hợp cho điều trị các tổn thương ở quá sâu hoặc quá nông so với bề mặt cơ thể (ngoài da). Chính vì vậy, ở các nước phát triển hiện nay người ta đã không còn sử dụng thiết bị này nữa.

Từ tháng 7 năm 2008, tại trung tâm Y học hạt nhân và điều trị ung bướu- Bệnh viện Bạch Mai đã bắt đầu đưa hệ thống máy xạ trị LINAC-CT SIM (máy xạ trị gia tốc tuyến tính gắn với hệ thống CT mô phỏng) và phần mền lập kế hoặch điều trị Prowess Panther vào sử dụng để điều trị bệnh nhân ung thư. Cho đến nay, hàng ngàn bệnh nhân ung thư với nhiều loại bệnh khác nhau đã được điều trị bằng hệ thống xạ trị này, trong đó có bệnh ung thư vòm họng. Ưu điểm vượt trội của hệ thống này là có nhiều mức năng lượng với các chùm tia có khả năng đâm xuyên khác nhau nên thích hợp với từng vị trí tổn thương, việc lập kế hoặch được thực hiện trên hình ảnh CT với độ phân giải cao, có thể đánh giá chính xác tổn thương và các cơ quan xung quanh theo không gian ba chiều. Đặc biệt là rất an toàn cho người bệnh, người xung quanh và đảm bảo an toàn bức xạ cao. Mặt khác, nhờ hệ thống này người thầy thuốc có thể áp dụng kỹ thuật xạ trị điều biến liều IMRT (Intensity modulated radiation therapy) cho các bệnh nhân. Đây là loại kỹ thuật xạ trị hiện đại cao cấp nhất đồng thời cũng là phức tạp nhất hiện nay, đòi hỏi người thầy thuốc phải có kiến thức tốt, tay nghề giỏi về xạ trị, kết hợp với các kỹ sư vật lý, kỹ sư phần mền để lập ra được kế hoặch điều trị tối ưu nhất cho người bệnh. Kỹ thuật này được thực hiện qua việc đồng thời chia các trường chiếu (beams) ở nhiều góc độ khác nhau thành nhiều phân đoạn hình chữ nhật (segments) với các trọng số khác nhau (weights) nhằm tối ưu hoá liều cao nhất theo hình dạng khối u và liều cho phép giới hạn ở tổ chức lành. Việc ứng dụng kỹ thuật IMRT đã cho phép tập trung liều bức xạ cao nhất vào tổn thương (khối u, hạch) và thấp nhất vào tổ chức lành xung quanh (cơ quan cần bảo vệ). Mục đích cuối cùng là đạt hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh.

Vòm họng là một khoang trong cơ thể, nằm cạnh nhiều cấu trúc giải phẫu quan trọng khác như: thân não, giao thoa thị giác, thần kinh thị giác, tuỷ sống, tuyến nước bọt…. Do vậy việc giảm liều chiếu bức xạ đến mức thấp nhất đảm bảo trong giới hạn bình thường mà cơ quan đó có thể chịu đựng được có một ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh. Hiện nay, tại Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị Ung bướu- Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều bệnh nhân ung thư vòm họng được xạ trị bằng kỹ thuật IMRT đạt được hiệu quả điều trị cao, phần lớn các tổn thương đều thoái lui sau xạ trị, không gặp truờng hợp nào bị biến chứng nặng như hoại tử xương hàm dưới, giảm thị lực, giảm thính giác, hoại tử thuỳ thái dương, xơ tuỷ suy tuyến yên…Đặc biệt với tuyến nước bọt mang tai nếu bệnh nhân xạ trị bằng kỹ thuật thông thường thì liều bức xạ tại tuyến này có thể lên tới 60-70 gy gây ra tổn thương không hồi phục và biểu hiện là khô miệng, mất cảm giác ngon miệng, ăn uống khó làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong khi thực hiện bằng kỹ thuật xạ trị cao cấp thì tuyến này chỉ còn phải nhận liều bức xạ ở dưới ngưỡng chịu đựng bình thường của tuyến là 26 Gy.

Dưới đây là một số trường hợp bệnh nhân ung thư vòm họng đã được điều trị bằng kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT).

Trước xạ trị, khối u lan rộng chiếm gần toàn bộ khoang vòm

Sau xạ trị, khối u tan hoàn toàn

Bệnh nhân Nguyễn Thị H, nữ 30T

Trước xạ trị

Sau xạ trị, khối u tan hoàn toàn

Bệnh nhân Phạm Quang V, nam 74T

Trước xạ trị

Sau xạ trị, khối u tan hoàn toàn 
Bệnh nhân Nguyễn Thị C, nữ 46 tuổi

 

Mai Trọng Khoa, Phạm Văn Thái và cs
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Tin liên quan