Vai trò của FDG-PET trong ung thư vòm: yếu tố tiên lượng trước xạ trị điều biến liều (IMRT)

Ngày đăng: 05/06/2011 Lượt xem 4210
Ung thư vòm họng (Nasopharyngeal cancer: NPC) là bệnh lý ác tính thường gặp nhất trong số các ung thư vùng đầu mặt cổ. Bệnh gặp rất phổ biến ở các nước Hồng Kông, Đài Loan, đông nam Trung Quốc...

Ung thư vòm họng (Nasopharyngeal cancer: NPC) là bệnh lý ác tính thường gặp nhất trong số các ung thư vùng đầu mặt cổ. Bệnh gặp rất phổ biến ở các nước Hồng Kông, Đài Loan, đông nam Trung Quốc..., trong đó có Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ mắc NPC cao. Theo số liệu của tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng trên hai nghìn trường hợp ung thư vòm (NPC) mới mắc và hơn một nửa số đó tử vong vì căn bệnh này.

Các phương pháp điều trị ung thư vòm là xạ trị, hóa chất, miễn dịch, phẫu thuật, trong đó xạ trị đóng vai trò đặc biệt quan trọng và mang lại hiệu quả cao trong điều trị căn bệnh này.

Các tiến bộ về xạ trị trong những năm gần đây từ xạ trị 2D, 3D đến các kỹ thuật hiện đại hơn như IMRT (Intensity modulated radiotherpy: xạ trị điều biến liều), VMAT (Volumetric intensity modulated arc therapy: xạ trị điều biến thể tích) đã đem lại kết quả điều trị tốt hơn, đặc biệt là giảm các tác dụng phụ như khô miệng, khít hàm,... nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Các nghiên cứu gần đây cho thấy điều trị ung thư vòm bằng kỹ thuật IMRT có hoặc không kết hợp với hóa chất giúp kiểm soát tại chỗ đến 90% trong UTV.

Theo kinh điển, kết quả điều trị ung thư vòm thường dựa theo các yếu tố tiên lượng như lâm sàng, tuổi, giới, giai đoạn bệnh theo T (khối u: kích thước, độ xâm lấn), N (hạch di căn), M (di căn xa), hạch có cố định không, mô bệnh học, có hay không điều trị hóa chất phối hợp, liều xạ trị cũng như thể tích u ban đầu... Gần đây nghiên cứu của Chan và cộng sự cho thấy là không có sự khác biệt có ý nghĩa về thời gian sống thêm giữa các giai đoạn T, việc này cho thấy đánh giá bệnh trước điều trị bằng phương pháp kinh điển có thể chưa đầy đủ cho việc tiên lượng kết quả điều trị ung thư vòm.

FDG-PET/CT là một phương pháp khám xét hiện đại không xâm nhập có giá trị chẩn đoán, đánh giá đáp ứng điều trị, theo dõi sau điều trị... cho hầu hết các loại ung thư như ung thư phổi, ung thư vùng đầu cổ, lymphoma,... trong đó có UTV, ngoài ra FDG-PET trước hóa chất và xạ trị còn có giá trị như một yếu tố tiên lượng đáp ứng và kết quả điều trị lâu dài. Nghiên cứu của Wen Shan Liu và cộng sự (năm 2011) trên các bệnh nhân UTV giai đoạn Mo (chưa có di căn xa) điều trị bằng kỹ thuật IMRT có hoặc không phối hợp với hóa chất trong việc đánh giá như một yếu tố tiên lượng của ung thư vòm qua giá trị SUVmax (mức độ hấp thu FDG của khối u) cho thấy thời gian sống thêm không tái phát (LFFS: locally failure free survival), sống thêm không bệnh (DFS: Disease free survival) và sống thêm toàn bộ(OS :Overall survival) sau 5 năm là 93,0%, 78,9% và 92,6%, giá trị SUVmax cho tất cả bệnh nhân là 5,3 ±2,0, giá trị SUVmax theo giai đoạn T1-2 và T3-4 là 5,0±1,9 và 4,9±1,3, giá trị SUVmax không khác biệt giữa nhóm xạ trị đơn thuần và nhóm hóa xạ trị (5,3±1,8 với 6,3±2,7, p= 0,239), giá trị SUVmax cao hơn hẳn ở nhóm có tái phát tại chỗ, di căn xa hơn với nhóm không có tái phát, di căn (7,4±2,9 so với 4,9±1,0, p=0,000).

Bảng 1: Phân tích kết quả điều trị theo các yếu tố

Đặc điểm

n

LFFS sau 5 năm (%)

p

DFS sau 5 năm (%)

p

OS sau 5 năm

p

Giới(Nam/nữ)

25/50

98,0/93,3

0,73

84,0/83,3

0,784

78,4/93,3

0,73

Tuổi (≤50,>50)

47/28

95,7/92,9

0,585

92,6/67,3

0,013

78,3,92,9

0,683

T (T1-2/T3-4)

59/16

94,9/85,9

0,476

88,9/59,0

0,191

98,3/88,9

0,148

N(N0-1/N2-3)

41/34

100/87,2

0,028

91,8/77,6

0,071

95,2/90,1

0,315

Giai đoạn I-II/III-IV

33/42

97,6/90,8

0,206

84,8/79,4

0,557

87,5/92,2

0,123

SUVmax(≤5/>5)

48/27

94,1/80,5

0,001

94,1/45,8

0,000

97,9/90,9

0,056

Điều trị (Xạ trị/hóa xạ trị)

18/57

83,3/96,2

0,286

72,2/86,4

0,133

100,0/94,6

0,194


Kết quả cũng cho thấy thời gian sống thêm không tái phát và sống thêm không bệnh sau 5 năm có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm hạch N0-1/N2-3 và giá trị SUVmax ≤5 và >5, trên hình chụp PET.

 
Hình 1: Sự khác biệt thời gian sống thêm không tái phát và sống thêm không bệnh sau 5 năm theo giá trị SUV>5 và ≤5

Biểu đồ đầu tiên cho thấy nguy cơ tái phát ở nhóm có SUVmax >5 cao hơn hẳn nhóm có SUVmax ≤ 5, và biểu đồ thứ 2 cũng cho thấy tỉ số cộng dồn thời gian sống thêm không bệnh cũng có sự khác biệt.

Kết quả này cho thấy tái phát và di căn sau 5 năm có sự khác biệt rõ rệt dựa theo kết quả của giá trị SUVmax trên PET trước điều trị ung thư vòm họng. Các nghiên cứu về giá trị SUVmax của FDG-PET với các ung thư vùng đầu cổ khác, như của tác giả Minn và cs cũng thấy kết quả sống thêm toàn bộ sau 3 năm của ung thư vảy vùng đầy cổ cao hơn ở nhóm có giá trị SUVmax của FDG-PET thấp; Chan và cs (2009), Lee và cs (2009) cũng cho thấy giá trị SUVmax của FDG-PET trước điều trị là yếu tố có giá trị tiên lương có ý nghĩa cho sống thêm không bệnh và sống thêm toàn bộ trong ung thư vòm.

Bảng 2: Giá trị tiên lượng của SUVmax về gian sống thêm không tái phát và sống thêm không bệnh, sống thêm toàn bộ theo mức xâm lấn u (T)

T và SUVmax

n

LFFS sau 5 năm (%)

p

DFS sau 5 năm

p

OS sau 5 năm

p

T1-2, SUVmax

(≤5, >5)

39/20

100 với 85,0

0,000

100,0 với 65,6

0,000

97,4 với 100,0

0.073

T3-4, SUVmax

(≤5, >5)

9/7

100 với 68,6

100 với 0,0

100 với 66,7



Các tác giả cũng thấy vai trò trong tiên lượng giá trị SUVmax của FDG-PET ở bệnh nhân ung thư vòm với T giai đoạn sớm là giá trị SUVmax của FDG-PET cao ở bệnh nhân có khối u ở giai đoạn sớm cũng có thể coi như bệnh nhân có nguy cơ tái phát tại chỗ và di căn xa.

Các tác giả trong nghiên cứu này cũng kết luận giá trị SUVmax của FDG-PET trước điều trị như một yếu tố tiên lượng độc lập của ung thư vòm họng điều trị bằng kỹ thuật IMRT có hoặc không phối hợp với hóa chất, và ngưỡng giá trị SUVmax của FDG-PET trước điều trị là >5 và ≤ 5 là có ý nghĩa.

 
Hình 2: Hình ảnh chụp FDG-PET/CT của một bệnh nhân Ung thư vòm tại trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai. Giá trị SUVmax của tổn thương u là 11,8.
 

Mai Trọng Khoa, Vương Ngọc Dương, Trần Hải Bình, Trần Đình Hà, Lê Chính Đại
Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai

Tin liên quan