Lợi ích trong sử dụng buồng tiêm truyền trong điều trị

Ngày đăng: 03/08/2020 Lượt xem 10653

Ths.Bs. Lê Văn Long

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai

Điều trị bệnh ung thư là sự kết hợp đa mô thức, gồm có các phương pháp điều trị cơ bản như: phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, thuốc đích, nội tiết, miễn dịch… Trong đó điều trị hóa chất là một trong những phương pháp đóng vai trò hết sức quan trọng. Hầu hết các thuốc hóa chất điều trị bệnh ung thư đều được sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch. Với cách truyền hóa chất qua ven ngoại vi thông thường có nhiều nhược điểm như: gây tổn thương ven ngoại vi, nguy cơ rò rỉ hóa chất do chệch ven, bị hạn chế vận động vùng chi nơi đặt ven truyền hóa chất… làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân trong những ngày truyền hóa chất.

Buồng tiêm truyền đã được sử dụng từ những năm 1981, đặt buồng tiêm truyền dưới da là nhằm đưa 1 catheter vào tĩnh mạch trung ương với mục đích tiêm truyền vào tĩnh mạch trung ương lâu dài. Việc sử dụng buồng tiêm truyền sẽ làm hạn chế các biến chứng của truyền ven ngoại thông thường.

 3551 anh 1

Hình 1: Hình ảnh buồng tiêm truyền, catheter được đưa vào TM dưới đòn trái.

Vậy bệnh nhân (BN) nào nên đặt buồng tiêm truyền ?

-   BN cần tiêm truyền vào tĩnh mạch trung ương lâu dài.

-   BN ung thư có điều trị hóa chất.

-   BN nuôi dưỡng tĩnh mạch kéo dài.

-   BN sửdụngcáthuc đưngtĩnhmạchnhưngdễ gâytnthươngkhilấyven ngoạivnhiuln.

-   Theo nhu cầu của việc điều bệnh và nguyện vọng của BN.

Ưu điểm của sử dụng buồng tiêm truyền:

-        Hạn chế cho bệnh nhân cảm giác đau đớn, sợ hãi mỗi khi lấy ven truyền hoặc tiêm.

-        Hạn chế tổn thương thành tĩnh mạch ngoại vi ( thuốc theo tĩnh mạch trung ương vào vòng tuần hoàn lớn, tránh được các tổn thương sau nhiều lần chọc lấy ven).

-        Giảm nguy cơ khi rò rỉ thuốc ra khỏi tĩnh mạch gây tổn thương các mô và cơ, xảy ra.

-        Không còn gây khó khăn cho điều dưỡng trong quá trình lấy ven truyền hoặc tiêm thuốc tĩnh mạch (trên các bệnh nhân khó lấy ven ngoại vi).

-        Đặc biệt hữa ích trong cấp cứu khi cần phải thiết lập ngay đường truyền tĩnh mạch trung ương.

-        Bệnh nhân không bị hạn chế vận động vùng chi, tránh tê bì, không bị bất tiện sinh hoạt trong những ngày truyền.

3551 anh 23551 anh 3
Hình 2: Hình ảnh bệnh nhân truyền ven ngoại vi, cần có sự hỗ trợ người nhà trong hoạt động sinh hoạt Hình 3: Hình ảnh bệnh nhân sử dụng buồng tiêm truyền đã tự lập trong hoạt động sinh hoạt
3551 anh 43551 anh 5
Hình 4: Hình ảnh thoát mạch hóa chất gây hoại tử tổ chức khi truyền ven ngoại viHình 5: Hình ảnh viêm xơ mạch ngoại vi do truyền hóa chất ven ngoại vi

 

 Một số lưu ý khi sử dụng buồng tiêm truyền

Khi cắm kim:

-   Dùng kim chuyên dụng, chọc kim vuông góc với bề mặt da.

-   Kim đệm bằng gạc vô trùng, sau đó dùng băng dính cố định lại.

-   Kiểm tra vị trí cắm kim ít nhất hai lần mỗi ngày.

-   Khuyên bệnh nhân báo cáo bất kỳ sự khó chịu hoặc sưng tại vị trí kim.

Rút kim:

-   Thực hiện trước khi BN ra viện hoặc thay kim sau sử dụng 5 - 7 ngày

-   Trước khi rút kim, bơm 10 ml NaCl 0,9%.

-   Sau 6 – 8 tuần chu kì truyền hóa chất, sẽ bơm rửa buồng tiêm truyền bằng Heparin.

-   Cố định buồng tiêm truyền trước khi rút, chèn gạc vô trùng sau khi rút đến khi ổn định.

Các vấn đề có thể gặp khi sử dụng buồng tiêm truyền:

-   Rỉ dịch ở chân kim: chèn gạc vô trùng, báo cho bác sĩ.

-   Máu trào ngược từ buồng tiêm truyền ra dây kim đông lại không thông: cần thay kim mới.

-   Dịch không chảy: thay đổi tư thế bệnh nhân, nằm nghiêng, ngồi hoặc nằm đầu cao (ngồi là tư thế thuận lợi nhất).

-   Quên rút kim khi bênh nhân ra viện: cần hướng dẫn bênh nhân đến cơ sở y tế gần nhất rút kim, đảm bảo nguyên tắc vô trùng.

-   Quên không bơm rửa buồng tiêm truyền sau 1 ngày điều trị: trước khi thực hiện thuốc ngày kế tiếp, bơm 10 ml NaCl 0,9% vào buồng tiêm truyền.

 Tài liệu tham khảo

1.Guideline Totally implantable central venous access ports. (2018). Department of Health.

2.Guidelines For The Use And Management Of Implantable Port Central Venous Catheters(2010). Clinical Practice Validation Committee 20th.

3.Kathleen Wiley (2017). Evidence-Based Standards Guide the Use and Maintenance of Venous Implanted Ports. Oncology NursingCommunity.

4.Özden DÇalişkan N (2012). “Turkish nurses' level of knowledge regarding implantable port catheter care”. Japan Journal of Nursing Science. 9(1):1-8.

 Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan