Xét nghiệm đột biến egfr trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ tại trung tâm y học hạt nhân & ung bướu – bệnh viện bạch mai

Ngày đăng: 28/11/2016 Lượt xem 5362

GS.TS. Mai Trọng Khoa, PGS.TS. Trần Đình Hà, TS.BS. Phạm Cẩm Phương,
 PGS.TS. Nguyễn Văn Kình, TS. Nguyễn Quốc Tuấn, ThS. Nguyễn Tiến Lung,
TS. Nguyễn Thuận Lợi, TS. Nguyễn Huy Bình, ThS. Ngô Thị Thu Hiền,
BS. Nguyễn Tuấn Anh, BSNT. Nguyễn Đức Luân và cộng sự

1.ĐẶT VẤN ĐỀ

Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới cả nam và nữ. Riêng ở Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mới mắc cũng như tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư ở cả hai giới [1].

Hàng năm tại Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai có khoảng trên 2000 trường hợp bệnh nhân Ung thư phổi. Trong đó có khoảng 20% là ung thư phổi tế bào nhỏ và 80% ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN), mỗi loại có diễn biến bệnh và điều trị khác nhau. Phần lớn UTPKTBN là loại ung thư biểu mô (UTBM) tuyến (khoảng 40% tổng số Ung thư phổi), UTBM tế bào vảy (khoảng 25 - 30%), UTBM tế bào lớn (khoảng 10 - 15%) và các loại khác [1].

Cùng với sự phát triển của ngành sinh học phân tử, hiện nay đột biến gen EGFR (Epidermal Growth Factor Receptor - thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì) được phát hiện trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) với tỉ lệ từ 10-20% trên bệnh nhân ở châu Âu, châu Mỹ và 30-60% trên bệnh nhân thuộc chủng tộc Đông Á. Đặc biệt theo nghiên cứu Pioneer, bệnh nhân UTPKTBN người Việt Nam có tỉ lệ đột biến EGFR chiếm 64,2%. Điều trị các thuốc ức chế tyrosin kinase (Erlotinib hoặc Gefitinib…) cho bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn tiến xa có đột biến EGFR có thể trì hoãn bệnh tiến triển và cải thiện chất lượng sống tốt hơn so với hóa trị. Vì vậy, theo khuyến cáo từ các tổ chức Ung thư hàng đầu trên thế giới như NCCN (National comprehensive cancer Network – Mạng lưới ung thư quốc gia Mỹ), ASCO (American Society of Clinical Oncology – Hiệp hội ung thư học lâm sàng Mỹ), ESMO (European Society for Medcical Oncology - Hiệp hội Ung thư học châu Âu), bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn tiến triển hoặc di căn có kiểu mô học dạng tuyến nên được xét nghiệm đột biến EGFR một cách thường quy để giúp lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu [1], [2].

Để chi tiết hóa về quần thể bệnh nhân thực hiện xét nghiệm đột biến EGFR, chúng tôi xin đưa ra báo cáo thống kê về các trường hợp thực hiện đột biến EGFR trên bệnh nhân Ung thư phổi không tế bào nhỏ tại Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, để từ đó có thể lựa chọn phương pháp điều trị hợp lý cho bệnh nhân.

2.ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu: 479 trường hợp bệnh nhân thực hiện xét nghiệm đột biến EGFR từ tháng 11/2014 đến 04/2016 tại Đơn vị gen - Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả tiến cứu

+ Thu thập các thông tin về đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, giai đoạn bệnh của bệnh nhân theo một mẫu thu thập thông tin thống nhất, bằng cách phỏng vấn trực tiếp bệnh nhân/người nhà bệnh nhân, kết hợp với khai thác hồ sơ bệnh án.

+ Qui trình xét nghiệm: gồm 4 giai đoạn chính

-     Tách DNA từ mẫu cố định formalin, vùi paraffin (PureLink® Genomic DNA Mini Kit, Invitrogen)

-     Khuếch đại đoạn gen quan tâm bằng phản ứng PCR (EGFR XL StripAssay®, ViennaLab)

-     Lai sản phẩm khuếch đại với đầu dò đặc hiệu được phân bố trên teststrip (EGFR XL StripAssay®, ViennaLab)

-     Phân tích kết quả

+ Xử lý số liệu: sử dụng phần mềm SPSS 16.0

3.KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1.        Đặc điểm của bệnh nhân

Bảng 1: Đặc điểm của bệnh nhân

Yếu tố

Số lượng mẫu

Tỷ lệ %

Tổng số

479

100

Độ tuổi

 

<50

62

13,0

50-64

241

50,3

≥65

176

36,7

Giới tính

 

Nam

314

65,6

Nữ

165

34,4

Tiền căn hút thuốc

 

Không hút thuốc

203

42,4

Có hút thuốc

276

57,6

Nam giới- không hút thuốc

38

12,1

Nam giới- có hút thuốc

276

87,9

Mô bệnh học

 

Ung thư biểu mô tuyến

450

93,9

Loại khác

29

6,1

Vị trí bệnh phẩm

 

U nguyên phát

341

71,2

Tổ chức di căn

107

22,3

Dịch màng phổi

31

6,5

Loại bệnh phẩm

 

Phẫu thuật

61

12,7

Sinh thiết

387

80,8

Dịch màng phổi

31

6,5


Nhận xét: Tỷ lệ bệnh nhân nam nhiều hơn nữ; chủ yếu gặp độ tuổi trên 50 tuổi. Mô bệnh học chủ yếu là ung thư biểu mô tuyến (93,9%), với các vị trí lấy bệnh phẩm chủ yếu là từ u nguyên phát (71,2%).

3.2.        Kết quả phân tích đột biến EGFR

3.2.1.   Tỷ lệ các loại đột biến EGFR:

Biểu đồ 1. Tỷ lệ các loại đột biến EGFR

Hinh

Nhận xét: Ở những bệnh nhân có đột biến EGFR, chủ yếu gặp hai loại đột biến xóa đoạn trên exon 19 (exon 19 Deletion) và đột biến thay thế L858R trên exon 21 (exon 21 L858R)

 

3.2.2.   Tỷ lệ đột biến gen theo vị trí lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm

Bảng 2: Tỷ lệ đột biến theo vị trí lấy bệnh phẩm và loại bệnh phẩm

Đặc điểm

Tổng số mẫu

Số mẫu có

đột biến

 

Tỷ lệ đột biến %

Vị trí bệnh phẩm

U nguyên phát

341

149

43,7

Tổ chức di căn

107

34

31,8

Dịch màng phổi

31

11

35,5

Loại bệnh phẩm

Phẫu thuật

61

20

32,8

Sinh thiết

387

163

42,1

Dịch màng phổi

31

11

35,5


Nhận xét: Có nhiều vị trí có thể lấy bệnh phẩm và làm xét nghiệm đột biến EGFR như tại vị trí u nguyên phát hoặc tổ chức di căn (hạch, dịch màng phổi, màng tim…)

3.2.3.   Tỷ lệ đột biến theo đặc điểm bệnh nhân

Trong toàn thể bệnh nhân thực hiện xét nghiệm, tỷ lệ phát hiện đột biến EGFR là 40,5% (194 trong 479 mẫu)

Giới tính: Tỷ lệ đột biến EGFR cao hơn ở bệnh nhân nữ (89/165; 53,9%) so với bệnh nhân nam (105/314; 33,4%)

Tiền căn hút thuốc: Tỷ lệ đột biến EGFR cao hơn ở những bệnh nhân không hút thuốc (107/203; 52,7%) so với những bệnh nhân có hút thuốc (87/276; 31,5%)

Đặc điểm mô bệnh học: Tỷ lệ đột biến EGFR cao hơn ở những bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến (187/450; 41,6%) so với các phân loại khác (7/29; 24,1%)

4.BÀN LUẬN

Trong nghiên cứu của chúng tôi trên 479 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, 65,6% bệnh nhân là nam; 34,4% là nữ, 42,4% số bệnh nhân không bao giờ hút thuốc. Về đặc điểm mô bệnh học của các bệnh nhân làm xét nghiệm đột biến EGFR, 93,9% là ung thư biểu mô tuyến; 6,1% còn lại bao gồm các loại: ung thư biểu mô tế bào vảy, tế bào tuyến – vảy, tế bào lớn, thần kinh nội tiết và các loại khác. Trong số các mẫu bệnh phẩm được thực hiện xét nghiệm đột biến tại trung tâm, có 80,8% bệnh phẩm được lấy qua phương pháp sinh thiết, 12,7% được lấy qua phẫu thuật và 6,5% mẫu lấy từ chọc dịch màng phổi, màng tim. Mẫu chủ yếu được lấy từ u nguyên phát chiếm 71,2%; 22,3% được lấy từ các tổ chức di căn và 6,5% mẫu lấy từ chọc dịch màng phổi.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ đột biến gen thống kê được là 40,5%, so với một số báo cáo khác tại Việt Nam thì tương đương với nghiên cứu của Hoàng Anh Vũ năm 2011 (42%, n=71) [3], cao hơn của Nguyễn Ngọc Quang năm 2014 (30,3%, n=380) [4]. Những kết quả này thấp hơn nghiên cứu PIONEER khi tỷ lệ đột biến gen chung ở 7 nước quốc gia châu Á là 51,3% (n=1450), trong đó Việt Nam là 64,2% (n=120) [5], sự khác nhau chủ yếu do nghiên cứu PIONEER có tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân đặc biệt, trong khi các nghiên cứu trong nước thống kê trên toàn bộ số bệnh nhân xét nghiệm.

Đột biến gen EGFR được chia thành 2 nhóm: liên quan đến tính nhạy thuốc và kháng thuốc TKI. Những đột biến thường gặp nhất gồm mất đoạn trên exon 19 (45%) và L858R trên exon 21 (41%), đều liên quan đến sự đáp ứng tốt với TKI. Các đột biến trên exon 18 (G719X, S720F) và L861Q trên exon 21 chiếm tỷ lệ khá thấp (1-2% mỗi loại). Đột biến liên quan đến kháng thuốc như thêm đoạn, thay thế trên exon 20, D761Y trên exon 19 chỉ chiếm 1-3%, tiêu biểu là đột biến T790M (exon 20) chiếm khoảng 1% tổng số đột biến, nhưng được phát hiện ở khoảng 60% các bệnh nhân kháng TKI [2]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, đa số các đột biến cũng được phát hiện trên exon 19 (mất đoạn, chiếm 53,3%) và exon 21 (L858R và L861Q, 40,8%). Đột biến T790M (exon 20) trong nghiên cứu của chúng tôi chiếm 2,6%, thường kết hợp với 1 đột biến trên exon khác, mặc dù các bệnh nhân đều chưa từng điều trị TKI trước đó.

Theo các báo cáo trước đây tại Việt Nam và trên thế giới, tỷ lệ bệnh nhân mang đột biến gen EGFR khác nhau theo tuổi (thường gặp ở nhóm bệnh nhân trẻ), giới tính (tỷ lệ ở nữ cao hơn nam), tiền căn hút thuốc (tỷ lệ ở nhóm người hút thuốc thấp hơn nhóm không hút thuốc,…) [2], [5]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ đột biến gen có sự khác biệt rõ rệt giữa hai giới, thường gặp ở nữ giới có tỷ lệ đột biến EGFR cao hơn so với bệnh nhân nam (53,9% so với 33,4%). Đột biến gen cũng thường gặp hơn ở các bệnh nhân chưa từng hút thuốc (52,7%) so với nhóm bệnh nhân đã và đang hút thuốc (31,5%). Tất cả các bệnh nhân nữ đều không hút thuốc, do đó khi tính riêng trên nam giới, tỷ lệ đột biến gen ở các bệnh nhân không hút thuốc là 46,7%, cao hơn 1,55 lần nhóm bệnh nhân hút thuốc. Như vậy ở nam giới, thói quen hút thuốc có ảnh hưởng đến tình trạng đột biến gen EGFR, đây là vấn đề rất đáng quan tâm do số bệnh nhân hút thuốc trong nghiên cứu này chiếm tới 57,6% (tính riêng ở nam giới là 87,6%). Ở nữ giới chưa ghi nhận được trường hợp hút thuốc nào nên chưa thể đánh giá. Tỷ lệ đột biến EGFR cao hơn ở những bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến (41,6%) so với các phân loại khác (24,1%).

Tỷ lệ đột biến gen EGFR còn có thể bị ảnh hưởng bởi phương pháp và vị trí lấy bệnh phẩm. Trong nghiên cứu này, đa số các bệnh phẩm được thu nhận bằng phương pháp sinh thiết (387/419 mẫu, 80,8%), trong đó tỷ lệ đột biến gen phát hiện được là 42,1%, cao hơn so với bệnh phẩm phẫu thuật (32,8%) và chọc hút dịch màng phổi, màng tim (35,5%). Các mẫu thu từ u phổi có tỷ lệ đột biến gen là 43,7%, cao hơn bệnh phẩm thu từ các tổ chức di căn (31,8%) hay dịch màng phổi, màng tim (35,5%). Đáng chú ý là trong nhóm bệnh phẩm thu từ các tổ chức di căn, đột biến gen được phát hiện trong tất cả các cơ quan di căn như hạch, màng phổi, xương, não, gan, đại tràng,…

5.KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 479 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ thực hiện xét nghiệm đột biến EGFR từ tháng 11/2014 đến 04/2016, tại Đơn vị gen - Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai cho thấy:

-       Trong nhóm bệnh nhân làm xét nghiệm, tỷ lệ bệnh nhân nam nhiều hơn nữ; chủ yếu gặp độ tuổi trên 50 tuổi. Mô bệnh học chủ yếu là ung thư biểu mô tuyến (93,9%), với các vị trí lấy bệnh phẩm chủ yếu là từ u nguyên phát (71,2%)

-       40,5% bệnh nhân có đột biến EGFR, tỷ lệ đột biến EGFR ở nữ giới cao hơn nam giới, ở người không hút thuốc cao hơn người hút thuốc; mô bệnh học là ung thư biểu mô tuyến cao hơn loại khác.

-       Trong số các bệnh nhân có đột biến gen, 53,3% bệnh nhân có đột biến mất đoạn trên exon 19; 40,8% có đột biến L858R trên exon 21 là hai dạng đột biến thường gặp nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Mai Trọng Khoa (2016). Kháng thể đơn dòng và phân tử nhỏ trong điều trị bệnh ung thư. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

2.Cheng L, Alexander RE, et al. (2012). Molecular pathology of lung cancer: key to personalized medicine. Modern Pathology 25: 347–369.

3.Hoàng Anh Vũ, Cao Văn Động, Ngô Thị Tuyết Hạnh, Đặng Hoàng Minh, Phan Thị Xinh và Hứa Thị Ngọc Hà (2011). Đột biến gen EGFR và KRAS trên bệnh nhân ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Tạp chí Y học Tp. Hồ Chí Minh, tập 14, phụ bản số 4: 166-172.

4.Nguyễn Ngọc Quang, Vương Diệu Linh, Lương Viết Hưng, Nguyễn Phi Hùng (2014). Nghiên cứu tần suất và một số yếu tố liên quan đến đột biến gen EGFR tại exon 19 và exon 21 trong carcinoma tuyến của phổi. Tạp Chí Ung thự học Việt Nam, số 4: 96-101.

5.Shi YAu JSK, Khoa MT, et al. (2014). A prospective, molecular epidemiology study of EGFR mutations in Asian patients with advanced non-small-cell lung cancer of adenocarcinoma histology (PIONEER). J Thorac Oncol. 9(2):154-162.

 

Tin liên quan