Ý nghĩa của AFP và PIVKA II trong phẫu thuật ung thư gan
Trần Thu Hạnh, Trần Hải Bình, Nguyễn Hàm Hội
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai
Chỉ điểm khối u (tumor marker) AFP là xét nghiệm thường quy trong chẩn đoán, tiên lượng bệnh và theo dõi tái phát ung thư gan nguyên phát. Tuy nhiên chỉ số AFP có thể tăng trong bệnh viêm gan cấp, viêm gan mạn, xơ gan, hoại tử gan… Xét nghiệm PIVKA-II (prothrombin induced by the absence of vitamin K or antagonist-II) đặc hiệu hơn trong chẩn đoán phân biệt ung thư gan với các bệnh lý gan khác. Hai xét nghiệm này trong một số trường hợp không phù hợp với nhau, vì thế chúng có ý nghĩa độc lập. Chỉ số AFP phản ánh tình trạng phát triển khối u trong gan, chỉ số PIVKA-II phản ảnh tình trạng xâm lấn mạch máu, huyết khối tĩnh mạch cửa và xâm lấn ra ngoài gan, bổ sung cho chỉ số AFP. Do vậy xét nghiệm cả AFP và PIVKA-II có giá trị trong chẩn đoán, đánh giá hiệu quả điều trị và tiên lượng bệnh.
Các nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân có chỉ số AFP và PIVKA-II cao trước phẫu thuật thì tỉ lệ tái phát sớm (trong vòng 6 tháng sau phẫu thuật)) cao hơn nhóm bệnh nhân có chỉ số thấp [1]. Nhóm bệnh nhân có xâm nhập vi thể mạch máu, hoặc nhiều khối u thì có chỉ số AFP và PIVKA-II cao hơn nhóm khác [2]. Những bệnh nhân ung thư gan sau phẫu thuật 3 tháng có chỉ số AFP và PIVKA-II cao thì có thời gian sống thêm toàn bộ thấp hơn nhóm có chỉ số bình thường [3]. Thời gian tăng gấp đôi AFP và PIVKA II ngắn cũng cho thấy thời gian sống không bệnh và thời gian sống thêm toàn bộ thấp hơn [4].
Nghiên cứu của Noh JH và cs trên nhóm bệnh nhân ung thư gan có khối u > 5cm được phẫu thuật và theo dõi tái phát sau đó [5]. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm bệnh nhân có chỉ số PIVKA-II >200 thì tỉ lệ tái phát cao hơn nhóm bệnh nhân có chỉ số PIVKA-II <200 (hình 1).
Hình 1. Tỉ lệ tái phát của hai nhóm bệnh nhân có PIVKA-II >200 và <200
Như vậy việc xét nghiệm chỉ số AFP và PIVKA-II là cần thiết và cần làm thường quy đối với các bệnh nhân ung thư gan. Với nhóm bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cần cân nhắc khi có chỉ số AFP và PIVKA-II cao.
Ca lâm sàng: bệnh nhân Đ.Q.T. 60 tuổi, chẩn đoán Ung thư gan nguyên phát giai đoạn BCLC B (MRI: u gan hạ phân thuỳ VI KT 5,4x6,0cm, ngấm thuốc thì động mạch, thải thuốc thì tĩnh mạch; Sinh thiết u gan dưới hướng dẫn của siêu âm, kết quả mô bệnh học: Ung thư biểu mô tế bào gan), kết quả xét nghiệm máu:
AFP=3,9 ng/mL, AFP-L3 <0,5%; PIVKA-II=81 mAU/ml. Bệnh nhân được hội chẩn Hội đồng đa chuyên khoa và có chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân được phẫu thuật tại bệnh viện Bạch Mai (hình 2). Sau phẫu thuật bệnh nhân hồi phục tốt, không có biến chứng. Bệnh nhân được ra viện sau 7 ngày. Về nhà và tái khám định kỳ 3 tháng 1 lần.
Hình 2. Hình ảnh phẫu thuật u gan
Tài liệu tham khảo
1. K. Yamamoto, H. Imamura, Y. Matsuyama et al, “Significance of apha-fetoprotein and des- -carboxy prothrombin in patients with hepatocellular carcinoma undergoing hepatectomy”, Annals of Surgical Oncology, vol.16, no.10, pp 2795-2804, 2009.
2. Y.E. Chon, G. H. Choi, M. H. Lee et al., “Combined measurement of preoperative anpha-fetoprotein and des-gamma-carboxy prothrombin predicts recurrence a er curative resection in patients with hepatitis-B-related hepatocellular carcinoma,” International Journal of Cancer, vol. 131, no. 10, pp. 2332–2341, 2012.
3. A. Nanashima, N. Taura, T. Abo et al., “Tumor marker levels before and a er curative treatment of hepatocellular carcinoma as predictors of patient survival,” Digestive Diseases and Sci- ences, vol. 56, no. 10, pp. 3086–3100, 2011.
4. T. Masuda, T. Beppu, K. Horino et al., “Preoperative tumor marker doubling time is a useful predictor of recurrence and prognosis a er hepatic resection of hepatocellular carcinoma,” Journal of Surgical Oncology, vol. 102, no. 5, pp. 490–496, 2010
5. Noh JH, Kim TS, Ahn KS et al, “Prognostic factors after hepatic resection for the single hepatocellular carcinoma larger than 5cm”, ASTR, piSSN 2288-6575
Trần Thu Hạnh