Ai dễ mắc ung thư bàng quang?

Ngày đăng: 27/06/2012 Lượt xem 9099

Dù chưa biết chắc chắn nguyên nhân gây ung thư bàng quang (UTBQ), nhưng các nhà khoa học khẳng định đây không phải là bệnh lây nhiễm. Bệnh thường bắt đầu từ bề mặt của bàng quang là cơ quan có hình quả bóng nhỏ trong khung chậu nơi chứa đựng nước tiểu.

Thuốc lá - thủ phạm chính

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây UTBQ bởi nguy cơ bị UTBQ ở người hút thuốc lá cao gấp 2 - 3 lần so với người không hút. Ngoài ra, còn một số yếu tố khác như nghề nghiệp vì một số công nhân có nguy cơ cao bị UTBQ do tiếp xúc với các yếu tố sinh ung thư như cao su, chất hóa học, da thuộc. Các công nhân như thợ làm đầu, thợ kim khí, thợ sơn, in, dệt, người lái xe tải cũng tăng nguy cơ bị căn bệnh này; Nhiễm trùng: Những người bị nhiễm ký sinh trùng có nguy cơ mắc UTBQ cao; nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới; tiền sử gia đình; tiền sử đã từng bị UTBQ có khả năng tái phát…

Theo Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, UTBQ  thường không có những dấu hiệu và triệu chứng khi ở giai đoạn sớm. Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên là thường có máu trong nước tiểu nhưng không phải tất cả các trường hợp có máu trong nước tiểu đều bị UTBQ. Khi có bất kỳ các dấu hiệu như: đi tiểu ra máu (nước tiểu có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm); đau khung chậu; đau trong khi đi tiểu; đái dắt, muốn đi tiểu nhưng không đi được; đi tiểu thường xuyên hoặc cảm thấy cần đi tiểu mà không kiểm soát được… nên đến bệnh viện chuyên khoa để được khám và chỉ định điều trị kịp thời.

Chủ động phòng bệnh

80% ung thư có liên quan đến môi trường sống hàng ngày, cụ thể là chế độ ăn và các thói quen sinh hoạt. Vì vậy, có thể chủ động và phòng ngừa bệnh ung thư một cách có hiệu quả bằng việc can thiệp vào các yếu tố nguy cơ như: không hút thuốc; cẩn thận với các hóa chất và nguồn nước nhiễm hóa chất;  uống nhiều nước trong mỗi ngày để thải lọc những chất độc có trong nước tiểu;  khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe; ăn nhiều rau cải xanh…

Theo giáo sư Nguyễn Bá Đức, kể cả khi chưa mắc ung thư hoặc đã phát hiện mắc bệnh, nên tránh xa việc hút thuốc lá, thuốc lào. Các chất độc trong khói thuốc ngoài gây UTBQ cũng gây ra những bệnh ung thư nguy hiểm khác như ung thư phổi, ung thư miệng, họng, thực quản, tụy, bàng quang, thận và cổ tử cung. Hút thuốc bằng tẩu hoặc nhai trầu có liên quan đến ung thư môi, ung thư niêm mạc má.

Ngoài thay đổi thói quen sinh hoạt, việc ăn uống cũng góp phần rất quan trọng trong việc phòng chống ung thư. Nên ăn thức ăn tươi, chất lượng tốt từ môi trường tự nhiên. Tránh thức ăn đóng hộp, sấy khô, ướp muối hay hun khói. Nên ăn dầu thực vật, ngũ cốc nguyên hạt, nhiều thành phần xơ. Hạn chế thức ăn quá béo, nhất là từ mỡ động vật. Tránh thực phẩm có thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, phẩm nhuộm, hóa chất. Ăn nhiều hoa quả, rau tươi nhiều chất xơ, giàu vitamin A, vitamin C. Tránh uống rượu độ cồn cao, uống bia hàng lít vừa hại thần kinh vừa bỏng niêm mạc là tiền đề cho ung thư sau này.

Theo 24h

Tin liên quan