Nhang thường được làm vỏ, rễ, nhựa, hoa và dầu của những cây có mùi thơm. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy, những nguyên liệu này có thể giải phóng các chất gây ung thư khi cháy, chẳng hạn như benzen và các hợp chất hydrocarbon cao phân tử. Nhưng chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối liên hệ giữa việc hít khói nhang trong thời gian dài và nguy cơ ung thư.
Một nhóm chuyên gia y khoa thuộc Viện Huyết thanh Statens ở Copenhaghen (Đan Mạch) tiến hành theo dõi hơn 61 nghìn người Singapore gốc Hoa (gồm cả nam và nữ trong độ tuổi 45-74) trong 12 năm. Tất cả những người này không bị ung thư trước thời điểm tiến hành nghiên cứu.
Các nhà khoa học hỏi họ về thói quen thắp nhang, chẳng hạn như số lần thắp trong ngày, thời gian trong mỗi lần thắp, chỉ thắp vào ban đêm hay cả ngày lẫn đêm.
Sau 12 năm, 325 người được chẩn đoán mắc ung thư ở vòm miệng, họng và mũi - thuộc đường hô hấp trên. 821 người khác mắc ung thư phổi.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy tất cả những người mắc ung thư đường hô hấp trên thường xuyên tiếp xúc với khói nhang. Dạng bệnh phổ biến nhất là ung thư biểu mô hình vảy. Nguy cơ ở nhóm thắp nhang cả ngày lẫn đêm cao hơn 80% so với những người chưa bao giờ hoặc hiếm khi thắp.
Tuy nhiên, thói quen thắp nhang không có mối liên hệ nào với ung thư phổi.
Mối liên hệ giữa việc dùng nhang với nguy cơ ung thư vẫn giữ nguyên kể cả khi đã tính tới các yếu tố khác, như hút thuốc lá, chế độ ăn và mức độ nghiện rượu bia.
Các nhà khoa học cho rằng cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để tìm hiểu xem nguy cơ mắc ung thư có thay đổi theo loại nhang (dài, ngắn, to, nhỏ, thẳng, vòng) hay không.
Nhang là thứ không thể thiếu trong nhiều nghi lễ tôn giáo, lễ hội văn hóa từ nhiều thiên niên kỷ qua. Tại nhiều nước châu Á, người dân thường thắp nhang trong nhà để thờ cúng tổ tiên và tạo mùi thơm. Ngày nay, việc thắp nhang cũng lan sang nhiều quốc gia phương Tây.
Việt Linh (theo Reuters)