Vừa tốt nghiệp đại học, anh L., 22 tuổi, đã được phát hiện ung thư “cậu nhỏ”. Nhờ chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm, khi tế bào ác tính chưa kịp di căn, nên anh đã thoát được bàn tay tử thần.
L. kể, cách đây một năm, anh thấy xuất hiện khối u sần sùi ở đầu dương vật. Sau đó u này luôn nhiễm trùng, lở loét. Ban đầu, anh tưởng là bệnh hoa liễu nên tự mua thuốc bôi nhưng mãi không khỏi. Tại Bệnh viện Bình Dân TP HCM, các bác sĩ đã cắt bỏ gần hết thân dương vật của bệnh nhân. Tuy vậy, anh ta vẫn có thể làm cha với phần còn lại.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân, căn bệnh trên không hề hiếm gặp. Nó chiếm 10-20% tổng số các ca ung thư ở nam giới. Người mắc bệnh thường ở lứa tuổi sung sức nhất, từ 30 đến 50, thậm chí có những người mới ngoài 20 tuổi. Trước đây, ung thư dương vật chủ yếu gặp ở người lao động chân tay, nhưng nay đã xuất hiện nhiều ở giới trí thức.
“Tháng vừa rồi, Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận ba ca ung thư dương vật là dân trí thức”, bác sĩ Như cho biết. Còn Bệnh viện Ung Bướu TP HCM mỗi năm mổ hơn 100 ca ung thư dương vật, trong đó nhiều người có học vấn cao.
Mất của quý vì ở bẩn
Bác sĩ Bùi Chí Viết, Phó khoa Ngoại 2, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư dương vật, bao gồm cả tình trạng mất vệ sinh, việc quan tâm làm sạch đúng cách cho “cậu nhỏ”. Những chất bẩn và vi khuẩn sẽ bám ở đầu dương vật, lâu ngày làm viêm mạn tính niêm mạc bao quy đầu và quy đầu. Tổn thương này kéo dài sẽ làm thay đổi cấu trúc tế bào và sinh ra ung thư. Khối u thường khởi phát từ quy đầu hay rãnh quy đầu, sau đó lan ra thân dương vật.
Anh T., 41 tuổi, kỹ sư xây dựng, cũng đã phải nhận bản án “ung thư dương vật” do mất vệ sinh. Khối u ở đầu dương vật xuất hiện hơn một năm nay nhưng bệnh nhân ngại đi khám, tự mua kháng sinh uống. Đến khi u lớn như quả trứng gà, sần sùi như bông cải, mủ chảy ra khiến quy đầu nhiễm trùng nặng, anh mới đến gặp bác sĩ. Hiện, thời gian sống của anh chỉ tính bằng ngày.
Trong số những trường hợp ung thư dương vật đã được mổ ở Bệnh viện Ung bướu TP HCM, nhiều bệnh nhân có thói quen ở bẩn, 3 ngày mới tắm một lần.
Nguy cơ tiểu ngồi do đi khám muộn
Khi mới bị viêm loét, người bệnh thường tự mua thuốc điều trị, thậm chí tìm đến thầy lang. Theo bác sĩ Viết, sai lầm lớn nhất là dùng lá cây băng bó, khiến vết thương nhiễm trùng nhanh hơn. Thường chỉ khi bị ung thư hóa, hạch hai bên bẹn to, sùi loét, nhiễm trùng và xuất huyết nặng, họ mới chịu đi khám. Đến lúc này, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ dương vật. Mức độ cắt phụ thuộc vào tốc độ di căn của các tế bào ác tính.
Nếu can thiệp kịp thời khi khối u chưa di căn, “của quý” chỉ bị cắt một đoạn, bệnh nhân vẫn đứng tiểu được; khả năng cứu sống lên đến 65-80%. Nhưng nếu nhập viện trễ khi khối u đã có hạch, bác sĩ sẽ phải cắt bỏ gần hết dương vật, khiến bệnh nhân đi tiểu ngồi như phụ nữ suốt đời, khả năng sống chỉ còn 20-50%.
Vì thế, bác sĩ Nguyễn Thành Như khuyên nam giới nên đến bệnh viện ngay nếu có biểu hiện bất thường đầu tiên. Triệu chứng ung thư dương vật là xuất hiện vết lở, có thể có mủ, nhiều khi không đau, bóp thấy cứng, nhiễm trùng không lành.
Khoảng 90% bệnh nhân bị ung thư dương vật có liên quan đến hẹp bao quy đầu. Các chuyên gia cho rằng nếu cắt bao, việc vệ sinh “cậu nhỏ” sẽ dễ dàng hơn. Nếu không phẫu thuật, nên lưu ý vệ sinh sạch sẽ, rửa bao quy đầu 1-3 lần mỗi ngày và sau mỗi lần đi tiểu hay quan hệ tình dục (rửa bằng nước sạch, không cần dùng xà phòng hay chất tẩy khác). Bác sĩ Viết cho biết, sự mất vệ sinh hoặc quan hệ tình dục thiếu an toàn làm tăng 10 lần nguy cơ ung thư.
Ngoài ra, khi mắc các bệnh đường sinh dục hay viêm nhiễm ở “cậu nhỏ”, nên đi khám để điều trị sớm.
Theo Báo Đất Việt