Vấn đề sàng lọc và phát hiện sớm ung thư

Ngày đăng: 23/11/2009 Lượt xem 4418
  • Đái ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh, tiết dịch máu bất thường.

  • Một vết loét lâu khỏi.

  • Khàn tiếng kéo dài, ho dai dẳng.

  • Ăn không tiêu hoặc khó nuốt.

  • Đi ngoài ra máu kéo dài.

  • Sờ thấy u cục hay đám cứng trong vú.

  • Sự thay đổi của nốt ruồi đen.

Khi thấy sự thay đổi trong người không rõ nguyên nhân, thay đổi đó kéo dài và nhiều khi không có đau đớn thì nên đi khám để phát hiện bệnh sớm.

Đối với một số Ung thư hay gặp ở chị em như: Cổ tử cung, vú thì muốn giảm tỷ lệ mắc bệnh, chữa trị kịp thời đạt kết quả cao thì phải khám sức khỏe định kỳ 1-2 năm một lần.

UNG THƯ CỔ TỬ CUNG:

Cần khám và phát hiện phụ khoa như thế nào?

Tất cả các chị em đã có quan hệ tình dục nhất là ở lứa tuổi từ 35-50 cần phải được giáo dục và khuyến khích khám phụ khoa và làm xét nghiệm phiến đồ lấy dịch nhầy ở cổ tử cung và âm đạo ít nhất 2-3 năm 1 lần. Bệnh Ung thư cổ tử cung rất khó chữa khỏi nếu không được phát hiện sớm, và nếu được phát hiện sớm sẽ chữa khỏi 100%.

  • Xét nghiệm phiến đồ âm đạo là một xét nghiệm đơn giản giúp phát hiện sớm Ung thư, các tổn thương tiền Ung thư, lấy bỏ để không bao giờ trở thành Ung thư.

  • Tet PAP là gì? Là phương pháp xét nghiệm tế bào bong của lớp biểu mô cổ tử cung và giúp phát hiện các tổn thương tiền Ung thư và Ung thư sớm, mới bắt đầu.

  • Tại sao phải thử PAP: Để phát hiện Ung thư sớm, phần đông số người chết vì Ung thư cổ tử cung là những người chưa bao giờ thử PAP. Nếu những người đó đi thử PAP định kỳ, họ sẽ không bị Ung thư cổ tử cung và không chết vì bệnh này.

  • Thử PAP ở đâu: Tại phòng khám chuyên khoa về sản phụ khoa, bệnh viện ung bướu.

  • Ai cần thử PAP: Tất cả phụ nữ 18 tuổi trở lên đã có quan hệ tình dục cần phải thử PAP và khám phụ khoa 1-2 năm một lần. Nhất là các chị em có tuổi từ 35-50 là đối tượng có nguy cơ mắc cao.

  • Kết quả thử PAP: Nếu kết quả bình thường nghĩa là không bị bệnh Ung thư cổ tử cung, tuy nhiên mỗi năm chị em cần khám phụ khoa và thử PAP. Kết quả bất thường không có thể là bị Ung thư mà có thể bị viêm cổ tử cung thì thày thuốc sẽ chữa, nhưng nếu không do viêm thì bác sĩ sẽ soi cổ tử cung và cho làm sinh thiết ở cổ tử cung để xét nghiệm mô bệnh học để phát hiện Ung thư sớm.

    Phụ nữ nào cũng có thể bị Ung thư cổ tử cung, nhưng những phụ nữ dưới đây có thể có nguy cơ mắc Ung thư cổ tử cung:

    • Quan hệ tình dục trước 18 tuổi.

    • Quan hệ tình dục với nhiều người khác nhau và người đó lại quan hệ với nhiều người khác.

    • Bị nhiễm trùng đường sinh dục do vi rút HPV (Siêu vi trùng gây u nhú) là nguyên nhân gây Ung thư cổ tử cung hoặc siêu vi trùng gây mụn rộp (Herpes), bệnh lậu, bệnh giang mai.

    • Phụ nữ sinh đẻ nhiều.

Triệu chứng của bệnh Ung thư cổ tử cung như thế nào?

Lúc mới đầu không có triệu chứng và dấu hiệu gì cả. Sau đó nếu không được phát hiện và chữa chạy kịp thời có thể có những triệu chứng và dấu hiệu như sau:

  • Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp.

  • Kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường.

  • Chảy máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh.

  • Phụ nữ mãn kinh nay tự nhiên ra máu (ít hoặc nhiều).

  • Ra huyết trắng hôi.

Thày thuốc khám thấy cổ tử cung bị sùi loét dễ chảy máu, mủn nát, lúc đó làm sinh thiết 1 mảnh nhỏ ở đó để xét nghiệm mô bệnh học và phát hiện là một Ung thư biểu mô cổ tử cung.

UNG THƯ VÚ:

Đối với phụ nữ ở nhiều nước Ung thư vú là một loại bệnh hay gặp và nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Ở Việt Nam, Ung thư vú đứng hàng đầu rồi đến Ung thư cổ tử cung. Ở phía Bắc, tỷ lệ mắc là: 27,3 / 100.000 dân, còn ở phía Nam tỷ lệ mắc là: 17,1 / 100.000 dân.

Ai dễ mắc Ung thư vú?

Ai cũng có thể bị Ung thư vú. Khi một phụ nữ đã có một lần Ung thư vú thì người ấy có nguy cơ gần 1% mỗi năm phát sinh Ung thư ở vú thứ 2. Người phụ nữ có mẹ, chị, em mắc Ung thư vú thì nguy cơ bị Ung thư vú cao hơn so với người thường.

  • Phụ nữ ở lứa tuổi 35-50, chưa bao giờ sinh đẻ.

  • Phụ nữ có con đầu lòng sau 30 tuổi.

  • Chế độ ăn nhiều mỡ động vật, uống nhiều rượu, hút thuốc lá và phụ nữ béo phì.

Ai cần khám vú?

  • Phụ nữ từ 20-40 tuổi cần phải đi khám vú 3 năm một lần.

  • Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên cần đi khám vú 1 năm một lần.

Các phương pháp phát hiện Ung thư vú:

Bác sĩ khám vú như thế nào?

Bác sĩ hỏi tuổi tác, hoàn cảnh gia đình có ai bị mắc Ung thư vú không? Hoặc có điều gì về bệnh vú chưa?

Bác sĩ khám vú quan sát những thay đổi ở vú và núm vú về màu da, tiết dịch, sau đó khám 2 tuyến vú ở tư thế ngồi hay nằm, để tìm dấu hiệu bất thường, khám hố nách xem có hạch không?

Chụp X-quang tuyến vú:
Tại sao phải chụp vú? Là để phát hiện u cục còn nhỏ bởi vì nếu phát hiện sớm thì hơn 90% có thể chữa khỏi, phát hiện các điểm vôi hoá đó là các dấu hiệu bất thường cần chú ý theo dõi.

Chụp vú như thế nào? Phụ nữ trong tuổi còn kinh nên chụp vú trong tuần sau ngày sạch kinh vì lúc đó vú đỡ căng hơn. Phụ nữ tuổi mãn kinh thì chụp ngày nào cũng được.

Chụp vú chỉ kéo dài trong vài phút, không ảnh hưởng tới sức khỏe vì lượng phóng xạ rất nhỏ.

Kết quả chụp vú bất thường thì cần phải làm gì?

Khi kết quả chụp vú phát hiện có hình ảnh bất thường thì người thày thuốc sẽ có chỉ định cho chị em đó được làm xét nghiệm, dùng kim hút lấy một số tế bào u để tìm tế bào bất thường. Nếu kết quả thử nghiệm là u lành thì sẽ được theo dõi điều trị hoặc bằng thuốc hay mổ xẻ. Nếu kết quả xét nghiệm là Ung thư thì bệnh nhân sẽ được gửi đến bệnh viện chuyên khoa để chữa trị triệt để, chu đáo.

Tự khám vú:

Tại sao cần phải tự khám vú?

Tự khám vú rất quan trọng vì chỉ bản thân mình là chị em biết rõ thời gian tính chất phát triển của khối u.

Ai cần tự khám vú?

Mỗi phụ nữ từ 20 tuổi trở lên cần tự khám vú mỗi tháng 1 lần.

Tự khám vú như thế nào?

  1. Ngồi trước gương, hai tay buông thõng quan sát hai vú xem có thay đổi bất thường về độ lớn, hình thể màu da và núm vú ra sao?

  2. Giơ hai tay lên đầu xem có thấy xuất hiện u cục gì không?

  3. Ở tư thế nằm, dùng các ngón tay trái duỗi thẳng áp sát vào xương sườn, xoay vòng từ ngoài vào trong phát hiện các mảng dày, u cục ở vú trái.

  4. Dùng các ngón tay phải duỗi thẳng sờ nắn vùng vú ngoài tới hố nách.

  5. Thăm khám vú xem có xuất hiện dịch lỏng hay không?
    Tiếp tục khám như vậy với vú phải.

Triệu chứng của Ung thư vú như thế nào?

Có u cục cứng ở vú lúc mới đầu có thể di động nhưng sau đó, u dính khó di động, mặt u gồ ghề không có bờ rõ rệt, thường không đau.

  • Núm vú có thể ra máu hoặc chảy nước bất thường.

  • Da vú nhăn, sần, có khi tấy đỏ do viêm nhiễm kèm theo.

  • Có thể có hạch nách, 1, 2 bên, hạch hố thượng đòn.

  • Đau nhức xương. . .

  • Bệnh tiến triển xa có thể gây di căn phổi, não, xương.

Bệnh Ung thư vú có thể chữa khổi nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, chị em nên:

  • Đi bác sĩ khám vú.

  • Chụp vú

  • Tự khám vú hàng tháng.

UNG THƯ KHOANG MIỆNG:

Ung thư khoang miệng là gì?

Ung thư khoang miệng là Ung thư ở lớp biểu mô mà tiếng chuyên môn gọi là niêm mạc của lưỡi, amidan, lợi hàm, hàm ếch, môi. . .

Ai hay bị Ung thư khoang miệng?

Thường gặp ở người có tuổi, nam bị nhiều hơn, những người hay uống rượu, hút thuốc, ăn trầu thuốc, nhiễm siêu vi trùng như giang mai cũng có liên quan tới Ung thư.

Các phương pháp phát hiện:

Một số các Ung thư họng miệng có thể dễ dàng nhìn thấy khi người bệnh há miệng rộng quan sát thấy những mảng trắng, hồng nhạt vùng viền đỏ hoặc sờ thấy vùng sơ chai rắn chắc; Một vết loét điều trị dài ngày không khỏi thì phải cảnh giác đi khám chuyên khoa Ung thư để phát hiện ra những tổn thương tiền Ung thư và Ung thư để chữa kịp thời.

Nếu để muộn có thể nổi hạch ở một bên hay hai bên vùng dưới hàm, cạnh cổ. . .

Các bác sĩ khám bệnh sẽ quan sát vùng tổn thương, soi vòm, soi họng, hoặc chụp X-quang và sinh thiết lấy mảnh của khối u loét đó để xét nghiệm mô bệnh học, xác định có phải Ung thư hay không?

Nếu bị Ung thư thì phải làm gì?

Bệnh nhân khi bị chẩn đoán là Ung thư khoang miệng thì cần được chuyển đến các bệnh viện chuyên khoa Ung thư vòm đầu cổ, hàm mặt, tai mũi họng để được điều trị theo chuyên khoa với các chuyên gia phẫu thuật, xạ trị hoặc hoá trị liệu. Tùy theo bệnh Ung thư ở vị trí nào, người bệnh sẽ được cân nhắc để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, không nên để kéo dài bệnh trở nên phức tạp khó chữa.

Khi bị Ung thư có thể đi khám ở đâu?

1- Bệnh viện K Hà Nội.

2- Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

3- Khoa khối u Viện Tai Mũi Họng Trung Ương.

4- Khoa khối u Viện Bảo vệ bà mẹ Trẻ sơ sinh.

5- Viện huyết học truyền máu đối với bệnh nhân Ung thư máu.

6- Viện nhi đối với Ung thư trẻ em.

7- Khoa khối u bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng.

8- Khoa khối u bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên.

9- Khoa khối u bệnh viện Đa khoa Hải Dương.

Tin liên quan