Biến tay voi trở lại bình thường
Thạc sĩ chuyên khoa II Nguyễn Doãn Tuất, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ , Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh phù bạch mạch là một di chứng sau điều trị ung thư. Nguyên nhân phù bạch mạch là do tia xạ, phẫu thuật nạo vét hạch rộng, hoặc do cả hai.Bệnh do di chứng sau ung thư
Chị Nguyễn Thị T., 47 tuổi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau khi điều trị khỏi ung thư vú thì lại đau khổ với cánh tay quá cỡ của mình. Chị làm công việc phải giao tiếp rộng, vậy mà tay to tới mức chẳng xỏ được áo nên phải nghỉ việc ở nhà. Chị đã khám ở nhiều nơi nhưng đi đến đâu cũng nhận được câu trả lời đây là hậu quả tất yếu của xạ trị sau ung thư vú, người bệnh nên chung sống với di chứng này.
Khi biết Bệnh viện Đại học Y có phương pháp tạo hình lại cánh tay bị hỏng, chị đã đến điều trị. Sau một tháng, bàn tay chị trở lại gần như bình thường, đã cầm được các vật nhẹ, tự nâng tay lên được và không còn đau nhức.
Theo thạc sĩ Nguyễn Doãn Tuất, đây là bệnh phù bạch mạch - một di chứng đáng sợ sau điều trị nhiều loại ung thư như ung thư cổ tử cung, nội mạc tử cung, âm hộ, đầu cổ, ung thư tuyến tiền liệt, nhất là ung thư vú. Biểu hiện của bệnh là cánh tay to dần lên, gây đau nhức, làm bệnh nhân mất ăn mất ngủ, gầy sút. Sự biến dạng và đau đớn của cánh tay khiến bệnh nhân thấy mệt mỏi, ngại giao tiếp với cộng đồng, thậm chí xuất hiện các rối loạn tâm lý.
Ở Việt Nam chưa có thống kê chính xác về căn bệnh này, nhưng có khá nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Đại học Y khám vì những khó chịu của phù bạch mạch chi trên. Trên thực tế còn rất nhiều bệnh nhân đang phải sống chung với bệnh mà không biết phải đi chữa ở đâu và chữa như thế nào.
Điều trị hiệu quả, ít tốn kém
Trước đây, cách điều trị bệnh này chủ yếu là dùng vật lý trị liệu và băng ép. Trên thế giới có áp dụng phương pháp ghép bạch mạch vi phẫu, nhưng khó thực hiện, đòi hỏi điều kiện kỹ thuật và tốn kém song kết quả vẫn chưa tối ưu. Bệnh viện Đại học Y đã nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật mở thông bạch mạch, ít tốn kém và điều trị có hiệu quả. Khi đó, các bác sĩ phẫu thuật mở thông bạch mạch, phá bỏ phần bị tổn thương gây xơ hóa, rồi sử dụng vạt da cơ từ vùng lưng để tái tạo, thay thế vùng da, tổ chức bị xơ hóa gây nghẽn bạch mạch, khiến dòng chảy bạch huyết lưu thông và cánh tay hồi phục do không còn ứ bạch huyết, không còn chèn ép nữa.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Tuất, sau mổ, bệnh nhân phải thực hiện vật lý trị liệu đúng liệu trình mới duy trì được kết quả phẫu thuật. Điều trị phù bạch mạch được thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Nhưng mổ càng muộn hiệu quả càng thấp hơn, do đã có sự thay đổi thành phần cấu trúc da và tổ chức liên kết. Vì vậy, các bệnh nhân đã mổ ung thư vú cần được khám và theo dõi định kỳ, khi thấy có biểu hiện phù bạch mạch nên điều trị sớm kết quả sẽ tốt hơn. Thời gian thực hiện phẫu thuật khoảng 2 - 3 giờ và sau một tuần điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân có thể về nhà.
Box: Các biện pháp tập luyện sau phẫu thuật tạo hình • Giữ da mềm mại, chống trầy xước, đề phòng nhiễm khuẩn, không để da bị khô . • Ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 30 phút xoa bóp nhẹ nhàng vùng phẫu thuật và cánh tay để kích thích bạch mạch thường xuyên để dịch bạch huyết ở vùng phù lan tỏa đến các mạch lân cận, làm tăng áp lực lên những vị trí có mạch bạch huyết nông dưới da. Ngoài ra nên tập thể dục hằng ngày. • Sau khi xoa bóp, nên dùng băng chun hoặc tất ép tay chuyên dụng của y tế để băng. Chú thích ảnh: Bàn tay của chị T., trước và sau khi được phẫu thuật Ảnh: K.Linh Chèn nội dung box vào đây |