4 sự thật về ung thư đại tràng

Ngày đăng: 14/07/2009 Lượt xem 2839
Ung thư đại tràng là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất trong cộng đồng

1.Ung thư đại tràng là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất trong cộng đồng

Đúng thế. Ung thư đại tràng là một bệnh lý phổ biến. Tại Mỹ, hàng năm có khoảng trên 200.000 người mắc bệnh và khoảng gần 60.000 người tử vong vì ung thư đại tràng. Đây là căn bệnh đứng hàng đầu trong ung thư đường tiêu hóa tại các quốc gia Âu và Mỹ. 

Ở Việt Nam, ung thư đại tràng là một trong ba loại ung thư hàng đầu thuộc hệ tiêu hóa. Theo Hội Ung thư TP Hồ Chí Minh, ung thư đại tràng nằm trong số 5 bệnh ung thư có số người mắc cao nhất. Khảo sát mới nhất về tình trạng ung thư tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, ung thư đại tràng xếp thứ 4 ở nam giới (sau ung thư gan, phổi và dạ dày) và thứ 3 ở nữ giới (sau ung thư cổ tử cung và ung thư vú). Nhưng cũng cần biết rằng, di căn của ung thư đại tràng lại nằm ở gan và phổi.

Dự đoán trong vài năm tới, số người mắc căn bệnh này sẽ tăng nhanh do lối ăn uống ít chất xơ, giàu thịt và các món ăn nhanh ngày một thịnh hành. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, trong số bệnh nhân tử vong do ung thư tại Mỹ thì có tới 60% do ung thư đại tràng, tại Ba Lan con số này vượt 75%.

Hiện nay, y học chưa biết chính xác nguyên nhân gây ung thư đại tràng. Tuy nhiên, có những yếu tố nguy cơ chắc chắn làm dễ mắc bệnh hơn như tuổi tác (trên 9% bệnh nhân ung thư đại tràng là trên 50 tuổi), có tiền sử bị polip đại tràng, có tiền sử mắc bệnh viêm loét đại tràng, có tiền sử mắc bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn, trong gia đình có người mắc bệnh ung thư đại tràng hay đường ruột, chế độ ăn – uống nhiều chất mỡ động vật, thịt màu đỏ, nghèo chất xơ nguồn gốc thực vật, ít vận động, béo phì, uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc lá…

2. Ung thư đại tràng là căn bệnh có những triệu chứng ban đầu không rõ ràng?

Chính xác. Ung thư đại tràng có thể khởi phát ở bất cứ vị trí nào trên đại tràng, từ lớp trong cùng của thành ruột (niêm mạc đại – trực tràng), sau đó xâm lấn ra phía ngoài qua các lớp khác của thành ruột. Ung thư ở mỗi vị trí trên đại tràng sẽ có biểu hiện triệu chứng khác nhau – thông thường là có máu trong phân. Trong đại đa số các trường hợp, ung thư đại tràng phát triển âm thầm trong nhiều năm. Trên 95% các trường hợp ung thư đại tràng là loại ung thư tế bào tuyến, nó bắt nguồn từ tế bào của niêm mạc ruột già.

Ở giai đoạn sớm, triệu chứng thường không rõ, nhiều khi người bệnh chỉ đau bụng nhẹ, cũng có khi bị trướng hay đầy bụng, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Triệu chứng thường gặp và có giá trị chẩn đoán là đi ngoài ra máu – nhất là ở những người ở độ tuổi 45 - 55; rối loạn tiêu hóa, có ngày bị táo bón, có ngày lại bi đi lỏng kiểu tiêu chảy. Những triệu chứng này thường bị người bệnh nhầm với bệnh trĩ hay rối loạn tiêu hóa do ăn – uống. Do vậy, có tới 85% bệnh nhân nhập viện đã bị ung thư đại tràng giai đoạn giữa hay đã bị di căn.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ, muốn phát hiện sớm ung thư đại tràng cần thử phân, khi xuất hiện triệu chứng như có thay đổi thói quen đi vệ sinh, đau bụng dưới, mệt mỏi. Do căn bệnh nguy hiểm này rất phổ biến, nên mọi người ở tuổi 45 – 55 đi kiểm tra xét nghiệm định kỳ, như thử phân, nội soi đại tràng. Khi có những triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa, ăn không tiêu, táo bón, đầy bụng, bị tiêu chảy, nhất là ở tuổi trên 40, thì cần khẩn trương đi khám. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khoảng 58% bệnh nhân bị ung thư giai đoạn II và di căn khi được chẩn đoán lần đầu tiên. Trên 85% số bệnh nhân mắc ung thư đại tràng bị di căn và tử vong do phát hiện chậm.

3. Phẫu thuật và hóa trị là liệu pháp hữu hiệu nhất trong điều trị ung thư đại tràng?

Đúng thế. Trên thực tế, cho đến nay chưa có loại thuốc nào được công nhận là có tác dụng với bệnh này. Tỷ lệ sống được 5 năm sau phẫu thuật là 90% nếu ung thư còn trong lòng ruột. 50% nếu ung thư đã ăn qua thành ruột, chưa ăn vào hạch, còn 30% khi khối u đã ăn vào hạch và chỉ 10% nếu đã di căn vào nội tạng, như gan và phổi.

Theo tiến sĩ Khoo Kei Siong, cố vấn cao cấp về ung thư học và điều trị thuộc bệnh viện Gieneagles (Singapore), biện pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u là tối ưu cho loại ung thư này và sau đó là áp dụng liệu pháp hóa trị. Nguy cơ rủi ro của phẫu thuật (như chảy máu trong mô liên kết hay nhiễm trùng) nếu được các chuyên gia phẫu thuật tiến hành sẽ  giảm 50 – 60%. Sau phẫu thuật cắt bỏ khối u, hóa trị có thể không cần thiết. Điều này phụ thuộc vào bệnh nhân đang bị ung thư ở giai đoạn nào. Ở giai đoạn II và III của bệnh, bệnh nhân phải được hóa trị để tăng khả năng phục hồi. Ở giai đoạn IV, hóa trị có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Không dùng xạ trị cho ung thư đại tràng vì dễ gây viêm nhiễm xạ cho các tạng trong ổ bụng.

Gần đây, đã có những loại thuốc mới trong hóa trị bệnh ung thư đại tràng không chỉ hiệu quả hơn mà tác dụng phụ tiêu cực cũng ít hơn. Do vậy, hóa trị liệu là phương pháp an toàn hơn cả. Oxaliplatin, Irinotecan, Cetuximab (Erbitux) và Acizumab (Avastin) là những loại thuốc mới hiệu quả trong biện pháp hóa trị liệu, một vài loại trong số này không hề gây rụng tóc. Đặc biệt, mới đây đã có loại thuốc viên đầu tiên chống ung thư đại tràng di căn mang tên Xeloda (Capecitabine), với liều dùng để uống 2 ngày/lần tại nhà. Nghiên cứu tại Đại học Texas (Mỹ) cho thấy, khi vào cơ thể thuốc kết hợp với một enzyme để biến thành 5-FU – một loại thuốc điều trị ung thư đã được sử dụng nhiều năm nay. Hiệu quả điều trị của Xeloda là tương đương với các thuốc hóa trị khác, trong khi tác dụng phụ rất ít, giúp cho sự điều trị không bị gián đoạn và bệnh nhân không phải nhập viện.

4. Thực phẩm có khả năng ngăn ngừa ung thư đại tràng?

- Đúng thế. Tiến sĩ Khoo Kei Siong, cố vấn cao cấp về ung thư học và điều trị thuộc bệnh viện Gleneagles (Singapore) cho biết, tại các quốc gia châu Á, tỷ lệ mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa nói chung và đại tràng nói riêng ngày càng tăng cao. Dinh dưỡng hợp lý là biện pháp dễ thực hiện làm giảm tỷ lệ ung thư đại tràng. Nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) đưa ra kết quả rất lạc quan rằng có thể phòng ngừa ung thư bằng thực phẩm. Các chuyên gia dinh dưỡng thuộc WHO đưa ra lời khuyên để giảm tỷ lệ ung thư đại tràng nên hạn chế tiêu thụ đạm động vật, giảm các chất béo nguồn gốc động vật và gia tăng nguồn đạm từ thực vật, tăng lượng chất xơ từ trái cây và rau xanh. Nghiên cứu gần đây của Singapore cho thấy, nguyên nhân khiến nhiều người Hoa sống tại nước này hay bị ung thư đại tràng chính là chế độ ăn có nhiều thịt màu đỏ và ít rau xanh. Nguy cơ này đã giảm đáng kể khi tăng lượng rau, đậu phụ trong khẩu phần ăn hàng ngày.

+ Dầu ô liu: Trong dầu ô liu có chứa chiết xuất zyflamend có khả năng kiềm chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Gần đây các nhà khoa học thuộc Đại học Granada (Mỹ) còn phát hiện ra loại acid maslinic trong dầu ô liu và đã chứng minh được rằng acid maslinic có tác dụng điều hòa tăng sinh tế bào và có thể dùng điều trị ung thư đại tràng. Bằng cách ức chế tăng sinh tế bào, acid maslinic còn phát huy tác dụng phá hủy các tế bào ung thư đại tràng HT29. Đây là nghiên cứu đầu tiên về tác dụng phòng chống ung thư đại tràng của acid maslinic được công bố.

+ Đậu nành và ngũ cốc họ đậu: Đậu nành và các quả họ đậu là loại thực phẩm giàu chất xơ nhất. Ngoài dồi dào về chất xơ – có tác dụng kích thích nhu động ruột phòng ngừa ung thư đại tràng, hạt đậu nành còn chứa 8% nước, 5% chất vô cơ, 15 – 25% chất glucose, 15 – 20% chất béo, 35 – 40% chất đạm và nhiều axít amin và sinh tố khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Sữa đậu nành nguyên chất, bảo đảm về chất lượng và vệ sinh thực phẩm là một trong những thực phẩm rất tốt cho việc ngăn ngừa ung thư đại tràng và các loại ung thư khác.

+ Cà rốt sống và rau sống: Theo nghiên cứu mới đây tại Italy cho thấy, cà rốt sống chứa một lượng lớn các hợp chất có khả năng chống lại bệnh ung thư đại tràng, trực tràng và ung thư vú. Rau sống cũng đem lại hiệu quả cao làm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư này. Khảo cứu gần đây cho thấy, những người ăn cà rốt và rau sống 12 lần mỗi tuần đã giảm được 29% nguy cơ ung thư đại tràng, 18% ung thư trực tràng so với những người chỉ ăn 2 – 3 lần mỗi tuần.

+ Các sản phẩm làm từ bơ, sữa: Trong những sản phẩm này rất giầu chất béo thực vật và axít linoleic giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại – trực tràng. Một nghiên cứu tại Thụy Điển cho biết, người có lượng a–xít linoleic cao thì nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng giảm tới trên 30% so với người có lượng a-xít này thấp. Đặc biệt, những người tiêu thụ nhiều pho-mai thì nguy cơ mắc bệnh rất thấp.

+ Dứa: Trong dứa có chứa hai phần từ hợp chất CCZ và CCS có khả năng kích thích hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư, kìm hãm khả năng di căn của các loại ung thư đại tràng ung thư vú, phổi và ung thư da.

+ Rau xanh và trái cây khác: Các loại rau xanh như bắp cải, súp lơ xanh, cải xoong và trái cây như táo, lê, kiwi, mận, đào, nho, dâu tây, dưa hấu… ngoài việc cung cấp chất xơ và vitamin cùng khoáng chất cho cơ thể còn có nhiều hợp chất có khả năng kìm hãm sự phát triển những tế bào ung thư đại tràng và hạn chế khả năng di căn của loại ung thư này.

+ Hành, tỏi: Chứa nhiều chất allicin có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh ung thư đường tiêu hóa./.

Tin liên quan