Lợn ốm, người cũng bệnh
Đã hơn nửa tháng nằm viện nhưng trên cơ thể anh Nguyễn Văn H., 30 tuổi, ở Phổ Yên, Thái Nguyên vẫn còn loang lổ những mảng thâm đen do tình trạng xuất huyết hoại tử trên da gây ra bởi vi khuẩn liên cầu lây từ lợn bệnh sang. Đến giờ, mỗi khi nhắc lại cái món ăn khoái khẩu của anh là tiết canh lòng lợn, anh H. vẫn còn rùng mình. Anh H. cho biết: “Không biết có phải lây bệnh từ món ăn khoái khẩu là tiết canh lòng lợn hay không nhưng nghe bác sĩ nói là bệnh này lây từ lợn bệnh sang người do ăn thịt lợn chưa nấu chín kỹ nên bây giờ có thèm lắm cũng chẳng dám ăn món đó nữa”.
BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu-Điều trị tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW) cho biết, bệnh nhân H. là một trong hai bệnh nhân nặng phải thở máy do nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn. Khi được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TW, bệnh nhân đã được điều trị tại Bệnh viện C Thái Nguyên hai ngày nhưng không đỡ, tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng, bệnh nhân đã xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử trên da, nhiều nhất là ở đầu và tay, chân.
Cùng nhập viện do liên cầu lợn nhưng bệnh nhân Lê Văn Đ., 35 tuổi, ở Thuận Thành, Bắc Ninh - nơi đang có dịch tai xanh trên lợn - lại bị một dạng khác của bệnh là viêm màng não. Bệnh nhân này nhập viện tại BVĐK tỉnh Bắc Ninh ngày 18/4 sau khi có các biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn nhiều và được chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới TW sau 2 ngày điều trị tại BV tỉnh không đỡ. Hiện bệnh nhân đã được điều trị ổn định và đang tiếp tục theo dõi điều trị tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới TW. Được biết, bệnh nhân Đ. làm nghề buôn bán lòng lợn và ở xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, nơi bệnh nhân sinh sống có dịch lợn tai xanh từ giữa tháng 4 đến nay.
Tổn thương ở bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Ảnh: TM |
Lợn lành cũng mang vi khuẩn liên cầu
Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, vi khuẩn liên cầu lợn bình thường vẫn khu trú trong họng của con lợn và chỉ gây bệnh khi lợn bị suy giảm sức đề kháng. Do đó, người tiếp xúc với lợn mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh cũng có thể bị lây nhiễm bệnh qua vết xước trên da hoặc qua ăn thức ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Người mắc bệnh liên cầu lợn xuất hiện nhiều trong thời điểm dịch lợn tai xanh bùng phát là do lợn mắc bệnh tai xanh bị suy giảm sức đề kháng, tạo cơ hội cho vi khuẩn liên cầu tấn công, gây bệnh cho lợn và truyền sang người. Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường bị sốt rất cao, xuất hiện mảng xung huyết trên da, viêm não, viêm phổi, suy gan, suy đa phủ tạng, thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị sớm. Bệnh thường gặp ở các thể viêm màng não và nhiễm trùng huyết hoặc cả hai thể trên. Thể nhiễm trùng huyết khá nặng và phát bệnh sau khoảng 2-3 ngày (nhanh nhất là 16 tiếng) sau khi tiếp xúc hoặc ăn phải thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín kỹ như tiết canh, nem chua, nem chạo. Đối với người có cơ địa yếu, diễn biến của bệnh đến rất nhanh. Việc điều trị đối với bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn không khó với những trường hợp phát hiện và nhập viện sớm do đó khi có các triệu chứng như trên, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để tránh nguy cơ biến chứng nặng, thậm chí là tử vong
TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW cho biết, năm 2007 là năm đỉnh điểm ghi nhận số bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nhập viện nhiều nhất với hơn 60 bệnh nhân. Các năm gần đây số bệnh nhân có rải rác. Thời điểm này, khi dịch tai xanh bùng phát thì lại xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn. TS. Kính, cảnh báo, mặc dù bệnh liên cầu lợn chưa phát thành dịch và cũng chưa có bằng chứng lây bệnh từ người sang người nhưng người dân cần hết sức cảnh giác. Biện pháp tốt nhất là ăn chín, uống sôi, không tiếp xúc, sử dụng lợn mắc bệnh, nhất là các địa phương đang có dịch lợn tai xanh.
Tổng vệ sinh nhằm khống chế dịch bệnh ở lợn
Từ ngày 3-5/5, Chi cục Thú y TP. Hà Nội đã tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc môi trường để khống chế dịch lợn tai xanh đang xuất hiện ở một số địa phương ngoại thành. Đợt tổng vệ sinh tiêu độc này được đặc biệt chú trọng thực hiện ở các vùng nguy cơ cao như các ổ dịch cũ, các địa điểm kinh doanh buôn bán giết mổ, các chợ, các nơi thu gom chất thải. Đối với các thôn đã có dịch tai xanh, việc tổng vệ sinh được thực hiện ngày một lần, thực hiện trong 7-10 ngày liên tục. Các xã tiếp giáp xã đang có dịch tai xanh, vệ sinh tiêu độc hai ngày một lần. Ngoài ra, để hạn chế việc lay lan dịch lợn tai xanh trên địa bàn, ngành NN&PTNT Hà Nội cũng phối hợp với các ngành liên quan, các cấp chính quyền tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc; Duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục của các đội kiểm tra cơ động, đội kiểm tra liên ngành đối với các chốt kiểm dịch động vật.