Các nguy cơ của phẫu thuật và gây mê hồi sức

Ngày đăng: 28/01/2010 Lượt xem 2287

Khi bạn dự định thực hiện phẫu thuật, vấn đề bạn quan tâm lớn nhất là kết quả cuối cùng của quá trình phẫu thuật, tuy nhiên, một trong những vấn đề rất quan trọng mà bạn cần quan tâm, hiểu rõ và ý thức được đó là các nguy cơ có thể xảy ra trong và sau quá trình phẫu thuật, để lại những hậu quả mà cả bệnh nhân và nhân viên y tế đều không mong muốn. Không có bất kỳ phẫu thuật nào mà không có nguy cơ. Tuy nhiên, việc hiểu rõ các nguy cơ giúp cho bạn có được lựa chọn sáng suốt: phẫu thuật để cải thiện chất lượng cuộc sống hay là chấp nhận tình trạng hiện tại để tránh các nguy cơ có thể xảy ra.

Thông thường, các bác sĩ sẽ giải thích ngay cho bạn các nguy cơ có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật, tuy nhiên thường thì việc giải thích này có thể coi là muộn và gấp gáp vì bệnh nhân thường mong muốn được can thiệp sớm khi đã có chẩn đoán xác định trước khi hiểu rõ về các biện pháp điều trị cũng như các nguy cơ có thể xảy ra do quá trình điều trị. Một số trường hợp khác, khi được bác sĩ thông báo về các nguy cơ có thể xảy ra, một số bệnh nhân không hiểu rõ, sẽ e ngại, lo lắng và đôi khi từ chối việc phẫu thuật, làm mất đi cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.

Về cơ bản, các nguy cơ trong và sau phẫu thuật có thể gặp phải là:
Phẫu thuật cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

 

Các nguy cơ và biến chứng do gây mê hồi sức

Quá trình phẫu thuật đòi hỏi sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của gây mê hồi sức. Tùy theo yêu cầu của cuộc phẫu thuật mà bác sĩ gây mê có thể thực hiện hai loại gây mê cơ bản: gây tê vùng và gây mê toàn thân. Đối với gây mê toàn thân, bác sĩ gây mê phải kiểm soát và chỉ huy gần như hoàn toàn vấn đề hô hấp và tuần hoàn của bệnh nhân để đảm bảo yêu cầu cho phẫu thuật. Đối với gây tê vùng, có thể chỉ cần làm giảm đau đủ mức độ cần thiết để bệnh nhân hết đau, có thể thực hiện được phẫu thuật. Quá trình thực hiện thủ thuật gây mê hồi sức có liên quan đến hai nguy cơ cơ bản:

 

Nguy cơ do dùng thuốc:

Có thể dẫn đến tình trạng phản ứng của cơ thể quá mạnh, còn gọi là sốc phản vệ và hậu quả nặng nề có thể tử vong.

 

Nguy cơ do các thủ thuật xâm nhập:

Như đặt ống nội khí quản, masque thanh quản có thể dẫn đến tình trạng như trào ngược thức ăn trong dạ dày vào đường hô hấp…

Những nguy cơ này còn trầm trọng hơn nếu bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ khác như: bệnh lý tim mạch, hô hấp, đái tháo đường, gút, bệnh thận…

 

Nguy cơ chảy máu

Là nguy cơ thường trực của tất cả các loại phẫu thuật. Nguy cơ này nếu xảy ra có thể đòi hỏi phải thực hiện phẫu thuật lại để cầm máu hoặc là truyền máu, nếu cần thiết. Việc chảy máu sau phẫu thuật có thể do rất nhiều nguyên nhân: quá trình đông máu của bệnh nhân kém, sự bong cục máu đông sau phẫu thuật do bệnh nhân cử động mạnh, có thể tổn thương các mạch máu trước hoặc trong phẫu thuật mà trong khi phẫu thuật do những điều kiện khách quan mà bệnh nhân không phát hiện ra… Nếu xảy ra chảy máu sau mổ, việc mổ lại để cầm máu có thể được đặt ra, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về chuyên môn của bác sĩ mới có thể có được kết quả tốt nhất.

 

Nguy cơ hình thành cục máu đông

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một nguy cơ sau phẫu thuật, đặc biệt, nguy cơ này có thể dẫn đến tử vong nếu cục huyết khối rời ra khỏi lòng mạch, trôi vào hệ thống mạch máu quan trọng của tim và phổi.

Nguy cơ hình thành cục máu đông là nguy cơ thường trực cho tất cả các bệnh nhân nằm lâu chứ không chỉ các bệnh nhân phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật là yếu tố thuận lợi làm cho bệnh nhân nằm lâu, do đó, bệnh nhân cần ý thức rất rõ điều này trước khi tham gia vào quá trình phẫu thuật để có thể hiểu rõ vai trò chủ yếu và quan trọng của mình trong việc ngăn chặn nguy cơ hình thành cục máu đông sau phẫu thuật. Ngăn ngừa nguy cơ này đòi hỏi sự phối hợp của bệnh nhân và bác sĩ trong đó, bệnh nhân đóng vai trò trung tâm. Đối với những phẫu thuật có nguy cơ, bác sĩ sẽ chủ động bổ sung thêm thuốc điều trị để ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng mạch.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một nguy cơ và là một tình trạng nên chủ động phòng bệnh chứ không nên ỷ lại vào việc điều trị. Nếu xảy ra tình trạng này, việc điều trị cũng hết sức khó khăn và chi phí cũng hết sức tốn kém.

 

Nguy cơ tử vong

Mọi phẫu thuật đều có nguy cơ tử vong, mặc dù nguy cơ này có thể nhỏ. Quá trình phẫu thuật phải dùng thuốc và các biện pháp can thiệp điều trị, tất cả các biện pháp này đều có nguy cơ và nặng nề nhất là dẫn đến tử vong. Những phẫu thuật lớn, nặng nề như phẫu thuật tim mạch, não, nguy cơ tử vong là đương nhiên những phẫu thuật nhỏ như: cắt amidan, cắt mộng thịt của mắt… cũng thường trực nguy cơ này, mặc dù rất nhỏ.

 

 

 

Tin liên quan