Chẩn đoán sớm ung thư phổi dựa vào xét nghiệm máu
Các nhà khoa học Đức cho biết đã tìm ra một phương pháp giúp chẩn đoán bệnh ung thư phổi từ giai đoạn rất sớm, dựa vào nồng độ chất pleiotrophin trong máu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở bệnh nhân ung thư phổi, hàm lượng chất này tăng 11 lần so với những người khỏe mạnh.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Phillipps ở Marburg (Đức) đã tiến hành nghiên cứu trên 85 bệnh nhân bị hai dạng ung thư phổi và 41 người tình nguyện khỏe mạnh (nhóm đối chứng).
Kết quả cho thấy:
- Chỉ 1 người trong nhóm đối chứng có nồng độ pleiotrophin tăng cao, trong khi tỷ lệ này là 87% ở các bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ và 63% ở những bệnh nhân còn lại.
- Mức tăng pleiotrophin tương ứng với độ nặng của bệnh: Ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, nồng độ chất này tăng 62% so với người bệnh giai đoạn đầu.
- Pleiotrophin giúp đánh giá đáp ứng điều trị của người bệnh: Nồng độ pleiotrophin giảm đáng kể ở những ca bệnh đang thoái lui và vẫn tăng cao ở những người không đáp ứng với điều trị.
Theo bác sĩ Zugmaier, trưởng nhóm nghiên cứu, bệnh ung thư phổi thường được chẩn đoán quá muộn, với nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, thử nghiệm máu giúp phát hiện sớm bệnh, khi còn khả năng điều trị, sẽ là một bước tiến đánh kể.
Pleiotrophin và ung thư phổi
Pleiotrophin được coi là một yếu tố quan trọng trong sự lan truyền ung thư, vì nó kích thích tế bào phân chia và làm tăng nguồn cung cấp máu cho khối u.
Tại các nước phát triển, ung thư phổi là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu. 9 trên 10 bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi sẽ bị chết. Bệnh thường chỉ được phát hiện khi đã di căn sang cơ quan khác và không còn đáp ứng tốt với hóa trị liệu. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Ho, khạc ra máu, khó thở hoặc thở khò khè có thể là những biểu hiện của bệnh.
Ung thư phổi tế bào nhỏ là một bệnh lý tiến triển rất nhanh, chiếm 20-25 % các bệnh ung thư phổi.