Đau ngực do dây thần kinh liên sườn
Có hai loại đau dây thần kinh liên sườn là nguyên phát và thứ phát. Khi bị đau nguyên phát, người bệnh có cảm giác đau liên tục một bên lưng, dần dần lan theo hướng chéo xuống dưới và ra trước tùy theo khu trú ở đoạn cột sống lưng trên hay dưới. Điểm đau rất rõ khi ấn vào những điểm lộ ra của những sợi thần kinh liên sườn, cạnh cột sống, đường giữa nách. Đối với đau thứ phát, bệnh nhân thường bị đau do bệnh lý đĩa đệm cột sống ngực, lao cột sống do tổn thương phổi - màng phổi, hay đau quặn gan, cần được chẩn đoán phân biệt.
Nhiều trường hợp đau do đĩa đệm của một đoạn cột sống, phần lớn là ở đoạn trên cột sống ngực thì bệnh nhân có cảm giác đau ở phía trong sâu mơ hồ, không có điểm đau rõ rệt khi ấn trên da. Khu vực đau thường gặp nhất là vùng liên bả vai, cạnh cột sống và vùng ngực trước tim dễ nhầm với cơn đau thắt ngực đe dọa nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ bệnh lý đĩa đệm đoạn cột sống ngực chỉ chiếm 1,96% các chứng bệnh đĩa đệm cột sống toàn bộ.
Về điều trị: Cần tìm được nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn bằng các biện pháp cận lâm sàng (xét nghiệm, Xquang, chụp cắt lớp vi tính...). Sau đó người bệnh sẽ được bác sĩ điều trị theo nguyên nhân đã được xác định và xử trí theo hướng của viêm rễ thần kinh.
Đau ngực do hội chứng cơ bậc thang
Đau ngực do hội chứng cơ bậc thang. |
Hội chứng cơ bậc thang đã được H.naffiger mô tả đầu tiên và Leriche tiếp tục nghiên cứu, còn được gọi là hội chứng ngách sườn - đòn, sau này còn gọi là hội chứng sườn cổ.
Trong khoang hẹp ở giữa cơ bậc thang trước và cơ bậc thang giữa có dây thần kinh cổ, đám rối thần kinh cánh tay và động mạch dưới đòn chạy qua, còn giữa cơ bậc thang trước và xương sườn có tĩnh mạch dưới đòn lách qua. Do sự liên quan giải phẫu như vậy nên một trong những thành phần kể trên có những biến đổi bất thường sẽ ảnh hưởng tới những bộ phận lân cận. Cũng vì vậy, người ta đã đưa ra định nghĩa: Hội chứng cơ bậc thang là những cơn đau kịch phát với những rối loạn thần kinh và mạch máu do động mạch dưới - đòn và đám rối thần kinh cánh tay bị kích thích hay chèn ép bởi xương sườn cổ, mỏm ngang đốt sống cổ quá dài hoặc những bất thường của một cơ bậc thang (phì đại hay thắt chặt).
Biểu hiện: đau và dị cảm ở vùng mặt trong cánh tay, cẳng tay, bàn tay và ngón 4, ngón 5. Đôi khi đau lan tới cả vùng chẩm và đặc biệt đau dội lên khi xoay đầu về phía tay đau hay sau khi thở vào sâu. Trường hợp đau lan xiên tới xương lồng ngực làm cho chẩn đoán nhầm với cơn đau thắt tim. Rối loạn vận động biểu hiện sức cơ yếu đi, trương lực cơ giảm dẫn đến teo cơ ở tay và mô út, nhưng đặc biệt là căng các cơ ở cổ, nhất là cơ bậc thang trước. Khi có rối loạn mạch máu, tay trở nên tê, tím tái, phù nề, lạnh chi. Trường hợp nặng hơn còn xuất hiện triệu chứng giảm nhẹ hoặc mất mạch quay.
Chẩn đoán dựa vào lâm sàng đặc trưng như đã nói trên và dấu hiệu Adson (mạch quay biến đổi hay mất khi ngồi, hai tay đặt trên đầu gối, thở thật sâu, đồng thời nâng cằm cao lên và cho quay đầu về phía bên tay đau) với kết quả chụp Xquang.
Đau ngực do dây thần kinh liên sườn: cần phân biệt đau nguyên phát và đau thứ phát, từ đó các bác sĩ sẽ điều trị theo nguyên nhân đã được xác định. Đau ngực do hội chứng cơ bậc thang hay còn gọi là hội chứng sườn cổ sẽ gây những cơn đau kịch phát. |
Hội chứng cơ bậc thang cần chẩn đoán phân biệt với:
- Hội chứng cơ ngực bé: Khi dạng cánh tay, cơ ngực bé đè ép động- tĩnh mạch dưới đòn và đám rối thần kinh cánh tay vào mỏm quạ của xương bả vai.
- Hội chứng sườn - đòn thường xảy ra ở những người làm việc nặng nhọc (đội, gánh, vác...), những cơ thể hình dải mảnh và suy ngược do đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép bởi xương đòn và xương sườn, cũng có bảng lâm sàng tương đối giống như của hội chứng cơ bậc thang.
- Đau tay dị cảm: đau và dị cảm ban đêm trong khu vực dây thần kinh trụ và gan bàn tay bị đau khi ấn. Hội chứng này thường gặp ở những người có tuổi do tư thế bất lợi của tay trong giấc ngủ sâu.
- Viêm đám rối thần kinh cánh tay: có nhiều triệu chứng tương tự như hội chứng sườn đùi.
Điều trị hội chứng cơ bậc thang, cũng tùy theo nguyên nhân điều trị theo triệu chứng chủ đạo: sử dụng thuốc giảm đau, chống thoái hóa các dây thần kinh, chống teo cơ, giữ tay ở tư thế chức năng.Điều trị bằng phẫu thuật nhằm mục đích loại trừ chèn ép vào các mạch máu - thần kinh, chỉ định cho những trường hợp đã được điều trị bảo tồn nhưng không đạt kết quả như mong muốn.