Cứ hơn 2 tiếng, một phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung

Ngày đăng: 08/07/2010 Lượt xem 2927

Đó là thông tin được GS, BS  Nguyễn Thị Ngọc Phượng  - Chủ tịch Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM - cung cấp trong buổi tư vấn miễn phí về “Phòng ngừa ung thư cổ tử cung (UTCTC), bảo vệ cho mẹ và con”. Buổi hội thảo do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức tại nhà Văn hóa phụ nữ TPHCM vào sáng 3/7.


8/10 phụ nữ từng nhiễm HPV trong đời

BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết, theo số liệu Globocan năm 2002 cho thấy ở Việt Nam có 6.224 phụ nữ mới mắc bệnh và trên 3.000 phụ nữ tử vong vì UTCTC. Đặc biệt ở khu vực phía Nam, theo công bố gần đây nhất của Bệnh viện Ung bướu TPHCM, UTCTC đứng hàng thứ nhì trong các loại ung thư sinh dục nữ, chỉ sau ung thư vú.

Nguyên nhân gây UTCTC được xác định là do virus  HPV. Đây là virus rất dễ lây lan và mọi phụ nữ đều có nguy cơ nhiễm virus này. Trung bình cứ 10 phụ nữ thì có đến 8 người có thể từng một lần nhiễm HPV trong đời. HPV là loại virus lây truyền chính qua đường tình dục và ngay khi chỉ tiếp xúc ngoài ở “chỗ kín” cũng có thể lây nhiễm.

“Vì thế bất kỳ phụ nữ nào có sinh hoạt chăn gối đều có nguy cơ nhiễm HPV và căn bệnh UTCTC thường tấn công phụ nữ ở độ tuổi 35-40”,  bác sĩ Phượng nhấn mạnh.

Đặc biệt, nhóm phụ nữ có quan hệ tình dục sớm, giao hợp với nhiều người, bị nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục, sinh đẻ nhiều và người hút thuốc lá, nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Cần được phát hiện sớm

Với căn bệnh phổ biến, dễ mắc như vậy nhưng thực tế, theo các chuyên gia trong nghề, phụ nữ Việt Nam còn rất mơ hồ về căn bệnh này. Nhất là khi căn bệnh UTCTC diễn biến âm thầm qua nhiều năm từ khi nhiễm virus cho đến khi phát bệnh. Người bệnh sẽ không biết nếu không khám phụ khoa.

“Điều nguy hiểm là UTCTC không có triệu chứng cụ thể nên đa phần các trường hợp mắc bệnh chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn cuối”, BS Phượng cho biết thêm.

Mỗi năm bệnh viện Ung bướu TPHCM tiếp nhận điều trị trên 1.000 trường hợp UTCTC mới và hơn phân nửa số này đều ở giai đoạn cuối.

Đây là một căn bệnh nguy hiểm nhưng với những tiến bộ của y khoa hiện đại, nếu được phát hiện sớm, bệnh sẽ được chữa khỏi. Hơn nữa, việc phòng ngừa căn bệnh này trên thực tế không quá khó.

Đối với phụ nữ trong độ tuổi 10 đến 25, có thể tiêm vacxin để ngừa những tuýp HPV gây UTCTC phổ biến.

Còn đối với những bà mẹ và phụ nữ đã qua độ tuổi trên, BS Ngọc Phượng khuyên: “Họ cần phải đi khám phụ khoa và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung định kỳ ít nhất mỗi năm một lần để phát hiện bệnh kịp thời”.

Tin liên quan