Khoa Y học Hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai- cơ sở y tế đầu tiên trong cả nước, từ năm 2007 đến nay đã ứng dụng thành công kỹ thuật dùng dao Gamma quay để điều trị cứu sống hàng trăm bệnh nhân tuổi từ 8-72 bị dị dạng động tĩnh mạch não
PGS-TS Mai Trọng Khoa- Phó Giám đốc- Trưởng Khoa Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dị dạng động tĩnh mạch não (DDĐTMN) là tổn thương bẩm sinh, có thể phát triển, tồn tại không có triệu chứng trong nhiều năm và được phát hiện chủ yếu ở độ tuổi từ 45 trở xuống. Phần lớn người bệnh không biết mình có những búi dị dạng động tĩnh mạch trong não. Chỉ đến khi thấy đau đầu dữ dội, hay những cơn co giật kiểu động kinh bất ngờ, liệt chân, tay, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm giác... mới vào viện cấp cứu, chụp CT, CT đa dãy, MRI pha mạch, chụp kỹ thuật số hóa xóa nền... mạch não, phát hiện ra búi mạch não với những túi phình to, nhỏ bất thường. Trên 4% số bệnh nhân DDĐTMN bị đột quỵ chảy mãu não do vỡ khối u dị dạng, nguy cơ tử vong rất cao. Để điều trị bệnh lý này, y học có 3 phương pháp: Nội khoa (dùng thuốc), phẫu thuật, nút mạch và xạ trị (xạ phẫu). Điều trị nội khoa chỉ có tác dụng giảm đau đầu, chống động kinh. Việc phẫu thuật (mổ mở hộp sọ) thường được chỉ định cho những bệnh nhân có các tổn thương ở sâu và cạnh nhiều cấu trúc thần kinh quan trọng như thân não và những khối dị dạng lớn. Tuy nhiên phương pháp này thường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với những người có khối u ở vị trí nguy hiểm... Nút mạch là phương pháp luồn ống thông từ ngoài vào cuống nuôi ổ dị dạng gây bít tắc lại. Song với những người ổ dị dạng có nhiều cuống hoặc cuống nhỏ, việc nút mạch còn gặp nhiều hạn chế. Xạ trị thông thường hiện nay ít được sử dụng. Duy nhất phương pháp xạ phẫu bằng dao Gamma đã và đang được một số nước trên thế giới lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân DDĐTMN. Ưu điểm của kỹ thuật này là có thể điều trị hiệu quả cho cả các trường hợp không thể can thiệp phẫu thuật, nút mạch hoặc thất bại với các phương pháp trên. Với mong muốn cứu sống nhiều người bị DDĐTMN, Khoa Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng hệ thống xạ phẫu bằng dao gamma quay gắn với hệ thống CT mô phỏng (CT Sim) do Hoa Kỳ sản xuất.
Nguyên lý hoạt động của dao gamma quay là sử dụng nhiều chùm tia gamma từ nguồn cobalt-60 chiếu từ nhiều hướng khác nhau để hội tụ tại một điểm làm tăng liều phóng xạ tại điểm đó để hủy diệt hoặc loại bỏ tổ chức não bệnh lý tổn thương nằm sâu trong não mà không cần phẫu thuật mở hộp sọ, không gây chảy máu hay nhiễm trùng, đặc biệt là không gây tổn thương các tổ chức xung quanh. Hệ thống định vị tự động hóa collimator quay quanh đầu bệnh nhân, hệ thống tự động định vị có độ chính xác rất cao (sai lệch dưới 0,1mm) được kết hợp với máy chụp CT mô phỏng và phần mềm lập kế hoạch xạ phẫu Orisix 4D giúp cho việc lập kế hoạch nhanh, chính xác và không đòi hỏi gắn cố định mũ định hướng như trong dao gamma cổ điển Leksell cổ điển. Cơ chế hoạt động của máy là biến đổi làm tắc các dị dạng mạch sau xạ phẫu diễn biến từ từ, đầu tiên là sưng phồng các tế bào nuôi mô mạch máu, sau là sự dày lên của các lớp cơ thành mạch và biến đổi chất gian bào, cuối cùng làm tổn thương xơ hóa dần khối dị dạng theo thời gian. Bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ và hoàn toàn tỉnh trong suốt quá trình xạ phẫu.
Việc đánh giá sự thay đổi của tổn thương sau xạ phẫu dao Gamma quay bằng chụp mạch DSA, MSCT, MRI sau 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng... kết quả cho thấy kích thước trung bình sau điều trị 3 tháng là 25,8 mm, sau 6 tháng giảm xuống 19,7 mm, sau 9 tháng còn 16,9 mm.
TS Mai Trọng Khoa cho biết, xạ phẫu bằng dao gamma quay trong điều trị cho những bệnh nhân DDĐTMN là một kỹ thuật hiện đại, quy trình điều trị an toàn, quá trình lập kế hoạch điều trị thuận lợi, nhanh, chính xác. Đặc biệt với những trường hợp nhỏ tuổi, các phương pháp điều trị khác khó khăn thì xạ phẫu bằng dao gamma quay sẽ cho hiệu quả trị liệu rất cao.