Để người bệnh khớp vui Tết trọn vẹn

Ngày đăng: 06/02/2010 Lượt xem 2416

Ăn uống quá độ dễ phát cơn gút cấp

Ai cũng biết tập quán người Việt trong những ngày Tết là chế độ ăn uống rất nhiều chất đạm, mỡ và bia rượu. Không ai lại không mời khách đến chơi nhà, uống chén rượu mừng xuân, ăn miếng bánh chưng hay thưởng thức vị mứt ngọt và cũng không nhiều người khách nỡ từ chối sự nhiệt tình của gia chủ. Kết quả là trong những ngày này, lượng mỡ, đạm, đường trong cơ thể tăng vọt, là điều kiện thúc đẩy một số bệnh như bệnh gút, bệnh đái tháo đường, bệnh rối loạn mỡ máu nặng lên, đặc biệt có thể gây ra cơn gút cấp. Biểu hiện cơn gút cấp điển hình thường xảy ra sau một bữa ăn uống thịnh soạn, nhiều bia rượu. Biểu hiện sưng nóng đỏ, đau đột ngột tại một vài khớp chi dưới, đặc biệt là khớp bàn ngón chân cái nhiều khi dễ nhầm lẫn với viêm khớp nhiễm khuẩn. Bệnh hay gặp ở nam giới trung niên, thể trạng béo, hay uống bia rượu, ăn nhiều thịt, đặc biệt thịt có màu sắc đỏ như thịt chó, bò, dê hay phủ tạng động vật là những thức ăn có nhiều nhân purin - nguyên liệu để tổng hợp acid uric. Nếu chưa có điều kiện tới khám bác sĩ ngay thì có thể dùng thuốc colchicin uống để giảm đau, chống viêm; có thể phối hợp với thuốc giảm đau paracetamol. Một điều không thể quên là phải tạm ngừng những cuộc nhậu quá mức nếu không muốn phải đến bệnh viện trong ngày Tết.

Không nên để cơ thể quá lạnh

Ngày Tết cũng là thời điểm mùa đông lạnh giá, dễ góp phần làm nặng thêm tình trạng một số bệnh xương khớp. Rất nhiều người già hay bị đau nhức xương khớp tăng lên trong những ngày này. Đặc biệt một số bệnh khớp như bệnh xơ cứng bì, viêm da cơ, viêm đa cơ... có hội chứng Raynaud thứ phát hoặc người bệnh mắc hội chứng Raynaud nguyên phát có tình trạng co mạch máu ngoại biên dẫn đến đau buốt đầu các ngón tay ngón chân, cùng với những biến đổi màu sắc như ban đầu trắng bệch lại (do co mạch), sau đó bầm tím (do ứ trệ tuần hoàn vi mạch tại chỗ). Vì vậy những người này khi đi ra ngoài cần phải giữ ấm chân tay bằng cách đeo găng, đi tất, đeo khẩu trang, mặc quần áo ấm, tránh tiếp xúc với không khí hay nước lạnh. Nếu không giữ ấm tốt, tình trạng co mạch kéo dài có thể dẫn đến hoại tử đầu chi rất nguy hiểm.

\"\"
 Tổn thương khớp trong cơn gút cấp.
Quá bộ nhiều dễ khiến chân đau

Trong ngày Tết, mọi người thường đi lại, thăm hỏi chúc Tết ông bà cha mẹ, họ hàng thân cận cũng như bè bạn xa gần. Với người khỏe mạnh bình thường thì việc đi lại không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Tuy nhiên, với một số người bệnh xương khớp cũng cần lưu ý chế độ vận động cho hợp lý, tránh dẫn tới tăng tình trạng đau xương khớp. Bệnh nhân thoái hóa khớp, đặc biệt thoái hóa khớp gối thường đau tăng khi đi bộ kéo dài. Khi đi bộ, sức nặng cơ thể sẽ dồn lên khớp gối vốn đã bị hư (thoái hóa) làm khớp đau nhiều lên, thậm chí có thể tràn dịch khớp. Tình trạng đau còn nặng hơn ở những người béo, chân không thẳng, ví dụ như chân vòng kiềng hay chân chữ X. Ở những người này cần hạn chế đi bộ nhiều. Một bệnh khớp khác cũng cần hạn chế nhiều là bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Đây là bệnh có tổn thương ở chỏm xương đùi làm cho bề mặt chỏm mất bóng, gồ ghề, xẹp hay tiêu chỏm xương. Vì vậy, với những người mắc bệnh này, không chỉ ngày Tết mà các ngày thường cũng hạn chế đi bộ, khi đi nên chống nạng để tránh dồn sức nặng cơ thể lên chỏm xương vốn đã không chắc khỏe. Tương tự, những người mắc các bệnh đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, trượt xẹp đốt sống do chấn thương, do loãng xương... cần đi lại vừa phải, phù hợp với tình trạng bệnh của mình. Tránh những động tác thường làm trong ngày Tết như cúi người khiêng vật nặng như chậu hoa, cây cảnh, sắp xếp đồ đạc nặng.

Cho Tết vui trọn vẹn

Một lưu ý cuối cùng đối với những bệnh nhân xương khớp trong những ngày Tết là nhiều bệnh nhân bị bệnh mạn tính cần phải được khám, điều trị và theo dõi bệnh lâu dài. Có thể trong ngày Tết, các bác sĩ cho bệnh nhân về điều trị tại nhà, không bắt buộc phải điều trị nội trú. Tuy nhiên cần đảm bảo chế độ dùng thuốc liên tục, việc vô tình ngưng điều trị trong một số ngày có thể dẫn đến giảm hiệu quả điều trị bệnh hoặc làm nặng tình trạng bệnh lên, nhất là với một số bệnh tự miễn, hệ thống như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, xơ cứng bì, viêm đa cơ, viêm da cơ; hay một số bệnh nhiễm khuẩn xương khớp như viêm khớp nhiễm khuẩn, cốt tủy viêm hay lao xương khớp... Do đó, một mặt bệnh nhân cần lưu ý tuân thủ việc điều trị, một mặt người nhà cần theo dõi, nhắc nhở bệnh nhân dùng thuốc đều đặn theo y lệnh. Như vậy sẽ đảm bảo những ngày Tết được vui vẻ trọn vẹn, hạn chế phải vào viện đột xuất vì quên dùng thuốc.

Tin liên quan