Điều trị ung thư không theo chỉ định của bác sĩ: Đốt tiền để... chết

Ngày đăng: 02/10/2008 Lượt xem 5322

Đắp lá - giai đoạn 2 thành giai đoạn 4

ThS. Vũ Kiên, Phó trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện U bướu Hà Nội vẫn còn rùng mình khi kể lại cho tôi ca xử lý vết thương hoại tử cho bệnh nhân ung thư vú mà anh và kíp phẫu thuật vừa thực hiện. Bệnh nhân là  L.T.N., 50 tuổi ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng toàn bộ vùng vú có u bị sùi loét nặng, chảy máu và mủ, bốc mùi thối. Các y bác sĩ đã phải tiến hành cầm máu, phẫu thuật sạch sẽ vùng hoại tử, giải quyết các u nhỏ vệ tinh xung quanh vú và lấy vạt da bụng để vá cho phần vú bị hoại  tử. Bệnh nhân được chuyển qua điều trị hóa chất và xạ trị với kết luận ung thư vú giai đoạn 4 và tiên lượng bệnh rất xấu. Qua tìm hiểu từ người nhà bệnh nhân chúng tôi được biết, bà N. được Bệnh viện K khám, phát hiện ung thư vú giai đoạn 2 từ giữa năm 2006. Khi biết mình bị bệnh, bà N. đã nghe theo lời khuyên của mấy người bạn “không cho bác sĩ đụng dao kéo” và giấu gia đình, tự mua thuốc và lá của một “thầy” ở Hải Dương về đắp lên vùng vú có u. Sau gần một năm trời theo “thầy” chữa bệnh, bà N. đã phải nhập viện trong tình trạng kể trên.

 Tại đây, chúng tôi còn gặp bệnh nhân V., 39 tuổi ở  Lương Sơn, Hòa Bình. Anh V. đang điều trị tại Khoa tia xạ với chẩn đoán ung thư vòm họng nhưng trước đó, vào đầu năm 2006, khi thấy đau và tê ở vùng hàm mặt, anh V. đã được một người hàng xóm... “chẩn đoán” là bị xoang giống mình và giới thiệu cho anh đến một ông lang ở Sơn Tây để bốc thuốc. Hàng tháng trời uống những viên thuốc “đen tròn như bi xe đạp”, anh V. chỉ thấy mình càng ngày càng đau thêm. Khi quyết định đi khám tại bệnh viện, bệnh tình của anh V. đã ở giai đoạn khá nặng. Cũng ở Khoa tia xạ, chúng tôi gặp một trường hợp khác là bà M., 55 tuổi ở Hà Nội. Khi biết chúng tôi là phóng viên đang tìm hiểu thông tin để viết bài cảnh báo về việc bệnh nhân ung thư điều trị không theo chỉ định của bác sĩ khiến bệnh tình ngày càng nặng thêm, bà M. chủ động tìm gặp chúng tôi với một lời đề nghị duy nhất: “đưa trường hợp của cô lên báo để cảnh tỉnh các bệnh nhân khác”. Vốn là một doanh nghiệp đang làm ăn khá phát đạt tại Nga, khi thấy khó thở kéo dài, bà M. đi chụp phổi và được các bác sĩ tại Nga cho biết bà có khối u trong phổi. Kết quả sinh thiết bà bị ung thư phổi. Sau khi điều trị tại Nga một thời gian, bà M. được con cháu đưa về Việt Nam để “điều trị thuốc Đông y”. Thôi thì từ tam thất, mật gấu, sâm, nhung đến cả sừng tê giác cả vài nghìn USD một lạng, cứ ai mách ở đâu có “thầy hay, thuốc tốt” là con cháu đưa bà tới. Suốt thời gian ấy, chỉ vì “tập trung” điều trị theo lời các thầy nên bà M. bỏ luôn đơn thuốc của các bác sĩ tại bệnh viện. Bây giờ, khi nhập viện điều trị, ở phần kết luận bệnh, bệnh án của bà M. ghi rõ : “K phổi giai đoạn 4 lan rộng, di căn xương”.

Nên điều trị ung thư ở bệnh viện chuyên khoa

ThS. Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện U bướu Hà Nội “kêu như cháy đồi” khi phản ánh với chúng tôi về tình trạng bệnh nhân nhập viện do điều trị ung thư không theo chỉ định. Ông Khoa cho biết, nhiều bệnh nhân ung thư vú đã giấu chồng, giấu con đắp lá nóng triền miên khiến da bị hoại tử. Thậm chí nhiều bệnh nhân không hiểu nghe ai mách đã đắp cả thủy ngân lên vùng có u khiến da bị lở loét hở cả động mạch. Thay vì bệnh thuyên giảm, không ít bệnh nhân ung thư tự ý dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ đến khi phải nhập viện điều trị ung thư thì lại phải chuyển ngược sang Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị ngộ độc do các bài thuốc... “ truyền miệng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, trên thị trường đang có hai dạng thuốc điều trị ung thư không chính thống hiện bị lạm dụng khá nhiều. Một là các loại thuốc được cấp phép lưu hành của ngành y tế, tuy chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, tăng cường thể trạng nhưng nhiều nhà kinh doanh đã cố tình quảng cáo khiến người bệnh hiểu lầm là thuốc điều trị ung thư. Loại thứ hai là các bài thuốc  của “lang băm”. Chính việc sử dụng bừa bãi các loại thuốc này đã khiến nhiều bệnh nhân ung thư phải gánh chịu những hậu quả rất đáng tiếc. Theo các chuyên gia đầu ngành về ung thư, quan niệm “ung thư có nghĩa là chết” là không đúng. Cùng với những tiến bộ của y học hiện đại, ung thư khi được phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm, đúng cách có thể chữa khỏi  hoặc kéo dài thời gian sống đáng kể. Lời khuyên của các thầy thuốc là khi phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường của cơ thể, hãy đến các bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.

Tin liên quan