Chuyên gia y tế nhận định, tỷ lệ người tử vong do ung thư như vậy là không cao so với trung bình cả nước, và chưa đủ căn cứ. Nhưng người dân thấy xung quanh nhà liên tiếp ba đám tang “ung thư”, lòng người sống như “lửa đốt”...
“Cái chết” của người sống
Ông Nguyễn Văn Lời, tổ trưởng tổ 1 ấp Bến Đình, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng lặng người, khi nghe hai chữ “ung thư” trong câu hỏi dè dặt của tôi giữa chốn đông người. Người vợ ông, bà Lê Thị Lục đã đi qua chiến tranh, bom đạn không lấy nổi sinh mạng bà. Vậy mà năm 2007, căn bệnh ung thư gan đã cướp đi người bạn đời của ông.
Một năm từ lúc phát hiện đến khi bà ra đi, ông không tin nổi. Thắp xong nén nhang, ông Lời nghẹn ngào: “Tại sao quá nhiều người trong làng này bị ung thư? Tại sao vợ tôi cũng ung thư? Bà ấy đang rất khoẻ mạnh, mà sao lại...”.
Ngày nghe vợ bị ung thư, biết là “án tử”, nhưng “còn nước còn tát”, bao nhiêu tiền bạc gom góp gần hơn mười năm, ông Lời đưa vợ đi các bệnh viện, mỗi nơi tốn hàng chục đến cả trăm triệu. “Giá như tôi đau thay bà ấy!”, ông Lời nghẹn ngào. Và rồi bà đã ra đi, để lại người đàn ông gầy gò cùng ba đứa con. “Mong Nhà nước quan tâm, tìm giúp vì sao vợ tôi, nhiều người dân chúng tôi liên tục bị ung thư”, ông Lời nói.
Ám ảnh phố chợ
Ông Đinh Công Hiệp, trưởng ấp Bến Đình thảng thốt: “Cuối 2008, đầu 2009, gia đình tôi cũng phát hoảng luôn. Gì đâu mà hai bên hông và đằng sau nhà tôi, ba đám tang liên tiếp toàn do ung thư. Tết nhất, xung quanh nhà nghe tiếng kèn đám, tiếng khóc thê thiết, buồn nhưng không sợ bằng chẳng biết vì sao bị ung thư. Tôi ở đây đã ba mươi năm, nhưng chưa khi nào thấy khu vực chợ Mỹ Xuân liên tiếp người chết vì ung thư như vậy”.
Ông Hiệp nói, hai từ “ung thư” đang từng ngày từng giờ ám ảnh trong từng cái ngóc ngách, trong mỗi câu chuyện của dân chợ Mỹ Xuân, ấp Bến Đình. Bởi năm 2008 toàn xã Mỹ Xuân có mười người chết vì ung thư, thì Bến Đình chiếm tới bốn người. Năm 2009, dân ấp Bến Đình lại choáng váng khi thêm một đám tang nữa cũng bị chết vì ung thư.
Tiếng là “ấp”, nhưng Bến Đình chẳng thua gì phố thị với khu chợ Mỹ Xuân sầm uất, nằm ngay trục quốc lộ 51, cửa ngõ của huyện công nghiệp Tân Thành và giáp ranh với huyện Long Thành (Đồng Nai). Ông Hiệp đặt “nghi án”, mười năm về trước, dân phải dùng nước giếng khoan, “bẩn” tới mức pha trà chuyển sang màu tím. Vậy mà tỷ lệ chết vì ung thư lại thấp. Những năm gần đây, dân xài nước máy, sao lại bị ung thư nhiều? Ông Lời đoán: do môi trường ô nhiễm bởi xã Mỹ Xuân hiện có 2/5 khu công nghiệp (KCN) hoạt động bốn năm nay với nhiều loại hình sản xuất như: dệt may, thuộc da... Có người nghi ngờ do nước thải của KCN ở Đồng Nai (gần kề), hoặc ảnh hưởng bởi nước thải của nhà máy, KCN ra sông Thị Vải, bởi sông này ở Mỹ Xuân là hạ lưu, dễ lắng đọng “độc chất”.
Những con số không “đùa”
Phó chủ tịch xã Mỹ Xuân Nguyễn Thanh Diệu nói: “Cuối năm 2008 và đầu 2009, thấy dân lên khai tử mà toàn là chết do ung thư, lãnh đạo xã hoảng quá, yêu cầu trạm y tế và ban tư pháp xã điều tra thống kê từ năm 2005”. Kết quả cho thấy, từ 2005 tới nay, xã Mỹ Xuân có hơn 40 ca tử vong được dân khai tử là do ung thư, với mức độ tăng hàng năm: năm 2005, sáu ca, năm 2006 chín ca, năm 2007 và 2008 tăng lên 10 - 12 ca, và chỉ chưa đầy hai tháng đầu năm 2009, đã có 7 người dân xã chết vì ung thư, gần bằng cả năm 2008, trong đó, tỷ lệ ung thư gan nhiều nhất, kế đó là ung thư phổi và ung thư hầu họng. Ấp Bến Đình có tỷ lệ người tử vong do ung thư cao nhất xã.
Lãnh đạo xã Mỹ Xuân làm văn bản “khẩn cứu” ngành chức năng sớm nghiên cứu tìm nguyên nhân, giải pháp để trấn an dân. Mới đây, lời “khẩn cứu” từ tháng 2/2009 của UBND xã Mỹ Xuân mới được đáp ứng khi UBND tỉnh tổ chức cuộc họp tại thành phố biển Vũng Tàu với Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM, Sở Y tế, Khoa học công nghệ, Tài nguyên môi trường... Sau khi xem xét báo cáo của địa phương và so sánh với các chỉ số chung cả nước, một cán bộ ngành y tế nhận định, nếu tính bình quân, tỷ lệ chung của cả nước trên 100.000 dân hiện nay, mỗi năm có từ 180 đến 200 trường hợp chết do ung thư thì Mỹ Xuân ở ngưỡng thấp hơn nguy cơ chung của cả nước, khi mới chỉ có 40 đến 50 trường hợp/100.000 người. Mặt khác những con số về tình hình tử vong do ung thư tại xã Mỹ Xuân mới chỉ dựa trên lời khai của thân nhân mà chưa có bằng chứng đáng tin cậy cụ thể, nên sẽ phải điều tra lại. Sự “phản ứng” khá dè dặt của ngành chức năng cũng phải, bởi việc điều nghiên hồ sơ bệnh án, truy tìm ảnh hưởng của môi trường liên quan đến sự bộc phát bệnh ung thư v.v.. không chỉ dựa trên báo cáo.
Nhưng, người dân cũng có cái lý của mình. Bà Hai, người bán hàng tại chợ Mỹ Xuân đã “bẻ ngược” chúng tôi: “Nếu gian dối thì người ta khai do bệnh khác chết, chứ tội gì phải khai bệnh ung thư. Có người chồng, người vợ, người cha nào nỡ khai láo với chính quyền cái chết của thân nhân mình không?” Một người khác (xin giấu tên) có người nhà vừa mất vì ung thư, nghẹn lời: “Chẳng lẽ đợi dân xã ung thư nhiều hơn mức của cả nước, thì mới... đáng lo hay sao?”.
Theo Giang Sơn
Sài Gòn tiếp thị