Trong cảnh tranh tối tranh sáng như thế, không ít nhà kinh doanh đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, quảng cáo thổi phồng quá mức công dụng của những sản phẩm loại này để thu lợi tối đa.
Thị trường béo bở
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Bộ Y tế, thị trường TPCN là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất. Tại nhiều quốc gia, mức tăng trưởng của thị trường này là 10%/năm. Riêng Hoa Kỳ chiếm tới 1/3 thị trường thế giới (23,1 tỉ USD). Tại VN, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, đã có trên 1.000 loại TPCN được đưa ra thị trường, nhiều sản phẩm trong số này được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường, chống lão hóa... Hiện mỗi tuần, Cục ATVSTP tiếp nhận 20 hồ sơ công bố chất lượng TPCN.
TS Phan Quốc Kinh, Phó Chủ tịch Phân hội Hóa Dược học VN, nhận xét trong vài năm trở lại đây, ở nước ta đã “bùng nổ” sản xuất nhiều loại TPCN từ nguyên liệu nhập khẩu và các nguyên liệu trong nước, do vậy đã nảy sinh một số vấn đề bất cập như sản phẩm được quảng cáo không đúng mức, sai sự thật, thậm chí có sản phẩm còn ghi điều trị được ung thư gan, viêm gan siêu vi B... Không những thế, một số nhà kinh doanh đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, quảng cáo quá chức năng của TPCN và bán với giá cắt cổ. Ông Đỗ Gia Phan, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN, dẫn chứng một loại nước ép quả nhàu đã được bán với giá hàng triệu đồng/chai tại VN cách đây chưa lâu. Glucosamine mua ở Canada khoảng 15 USD/lọ (khoảng 210.000 đồng) vậy mà khi về VN được bán cho người tiêu dùng với giá 1 triệu đồng/lọ, gấp 4 đến 5 lần giá gốc!?
Dùng quá liều sẽ gây bệnh
Ông Đỗ Gia Phan cho biết, một số loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật hoặc động vật được chế biến nhằm bổ sung cho cơ thể những chất có ích cũng được gọi là TPCN. “Như vậy, TPCN chẳng có gì là cao siêu, huyền bí, càng không phải là thuốc chữa bệnh” - ông Phan nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phan, mặc dù TPCN có tác dụng đối với sức khỏe, nhưng cũng phải dùng với liều lượng hợp lý, chứ không phải muốn dùng bao nhiêu cũng được. Theo kết quả nghiên cứu việc sử dụng TPCN trên động vật, với cùng một loại TPCN có tác dụng phòng ngừa bệnh ung thư nhưng nếu được dùng với liều cao sẽ là tác nhân gây ung thư. Nhiều minh chứng đã khẳng định tác dụng tốt đối với sức khỏe của TPCN, tuy nhiên TPCN không phải là cây đũa thần giúp bảo vệ sức khỏe và chữa bách bệnh nếu chúng ta không có những biện pháp bảo vệ sức khỏe thích hợp như không hút thuốc lá, vận động thể lực, tránh căng thẳng và có cách ăn uống hợp lý.
Tù mù tính năng
Theo TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục ATVSTP, trên thế giới có rất nhiều định nghĩa về TPCN, tuy nhiên tất cả đều thống nhất cho rằng TPCN là loại thực phẩm nằm trong giới hạn giữa thực phẩm và thuốc. Quy định của VN là trên nhãn sản phẩm TPCN không được ghi chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào hoặc sản phẩm có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Đối với thực phẩm chứa hoạt chất sinh học, trên nhãn hoặc nhãn phụ bắt buộc phải ghi dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Nhưng trên thực tế không ít các doanh nghiệp đã lợi dụng tâm lý cả tin của người tiêu dùng, thổi phồng công dụng chữa bệnh, kể cả bệnh nan y để bán hàng. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng sở dĩ các doanh nghiệp bán hàng đa cấp quan tâm đến TPCN vì có thể nhập khẩu với giá thấp, bán giá rất cao. Điển hình, có doanh nghiệp có tới gần 200.000 cộng tác viên trong cả nước tham gia bán hàng đa cấp, chênh lệch giá giữa mỗi cấp lên đến gần chục lần. Trong khi TPCN rất dễ rơi vào cảnh “vàng thau lẫn lộn” như thế, Bộ Y tế mới chỉ kiểm tra, xác minh tính năng của các sản phẩm này thông qua hồ sơ doanh nghiệp cung cấp!? Thế nên, người tiêu dùng chỉ còn biết tự trông vào sự thông thái của chính mình mà thôi!
TPCN không tạo năng lượng cho cơ thể Theo bác sĩ Phạm Hưng Củng, nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế), TPCN không phải là thuốc cũng không phải là thực phẩm (vì nó không tạo năng lượng cho cơ thể). Vì vậy, một khái niệm TPCN được nhiều người công nhận là “TPCN là sản phẩm có tác dụng, hiệu lực, bổ sung, điều chỉnh, nâng cao các hoạt động chức năng của các cơ quan, bộ phận riêng lẻ hay toàn bộ cơ thể với mục đích giúp đ ỡ cơ thể phòng chống bệnh tật, nâng cao khả năng miễn dịch, làm tăng sức đề kháng...”. |