Melamine là một mánh khoé ảo tạo ra hàm lượng protein. Khi hoạt chất này được dùng đầy dẫy trong ngành chăn nuôi, đem đến lợi nhuận cao, đến lượt trẻ em cũng được “chăn nuôi” bằng melamine trong sữa formula dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống.
Không có mấy nghiên cứu về độ độc của melamine gây ra với con người. Nghiên cứu ở động vật cho thấy rằng melamine không chuyển hoá ở chuột và được thải ra nguyên xi.
Độ độc về lâu dài
Ăn melamine có thể dẫn đến tác hại về sinh sản, sỏi bàng quang hoặc thận, có thể gây ung thư bàng quang.
Vừa qua, Sanlu (có một phần sở hữu trong tập đoàn cung cấp sữa lớn trên thế giới Fonterra, New Zealand) thu hồi toàn bộ sữa bột ở vùng tây bắc Cam Túc. Sữa bột bị nhiễm melamine khiến nhiều trẻ em phải nhập viện trong tình trạng sức khoẻ rất xấu. Đến 15/9, có hai trẻ em được xác định là chết do dùng sữa bị nhiễm melamine.
Ngày 27/4/2008, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho rằng tất cả protein thực vật nhập khẩu từ Trung Quốc dành cho người và vật nuôi phải tạm giữ mà không cần khảo sát vật lý, bao gồm gluten lúa mì, gluten gạo, protein gạo, protein gạo cô đặc, gluten bắp, thức ăn gluten bắp, phó phẩm bắp, protein đậu nành, gluten đậu nành, thực phẩm đậu nành và đạm đậu dạng nước giải khát.
Ngày 28/4, bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và FDA, trong một thông cáo báo chí chung thừa nhận rằng: Thịt heo nuôi bằng thực phẩm nhiễm melamine đã hiện diện trong nguồn cung thực phẩm cho người, khẳng định: “Dựa trên thông tin nắm được, FDA và USDA cho rằng có thể mắc bệnh rất thấp do ăn thịt từ heo được nuôi bằng thực phẩm nhiễm”.
Đến ngày 30/5, sau nhiều thông báo cập nhật, FDA phát đi một thông cáo báo chí khẳng định rằng hai nhà sản xuất thực phẩm gia súc đã pha trộn thực phẩm gia súc và tôm/cá với melamine. FDA cũng đã yêu cầu các trung tâm phòng chống bệnh (CDC) sử dụng mạng lưới giám sát của mình để kiểm soát các dấu hiệu bệnh ở người, như suy thận để xác định việc lây nhiễm melamine đối với thực phẩm cung cấp cho người.
Ngày 7/6, cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) kết luận: “EFSA tạm thời quy định không áp dụng hàm lượng 0,5mg/kg thể trọng đối với melamine và các chất tương đương...”.
Ngày 21/6, giám đốc chỉ đạo bảo vệ sức khoẻ và người tiêu dùng của uỷ ban Châu Âu chỉ đạo “trong trường hợp thực phẩm sản xuất từ gia súc được nuôi bằng thực phẩm nhiễm melamine và các hợp chất liên quan, nhằm mục đích bảo vệ sức khoẻ con người, phải tuân thủ các kết luận của EFSA”.
Từ năm 2002 đến 2007, trong khi giá melamine trên thế giới ổn định, giá urea (nguồn cung cấp melamine cho chăn nuôi) tăng đã làm giảm lợi nhuận của ngành sản xuất melamine. Hiện nay, Trung Quốc là nhà xuất khẩu melamine lớn nhất thế giới, trong khi lượng tiêu thụ nội địa tăng 10%/năm.
Thêm melamine làm gì?
Ngày 30/4/2007, tờ New York Times viết rằng: Việc thêm melamine vào thức ăn gia súc và cá tạo ra một mức độ protein cao một cách giả tạo. Một bí mật tiết lộ tại nhiều nơi ở Trung Quốc cho rằng có cả một nhà máy chế biến than thành melamine. Loại vệt melamine này được bán rẻ hơn vệt melamine tinh khiết.
Ngày 12/9/2008, Tân Hoa Xã loan tin rộng rãi việc làm giả sữa formula (dành cho trẻ em từ sáu tháng tuổi trở xuống) bằng melamine. Chất này gây ra cho nhiều trẻ em những viên sạn thận có đường kính lớn đến 1cm. Việc làm giả sữa này do tập đoàn Sanlu, một nhà sản xuất sữa hàng đầu Trung Quốc. Sanlu đã kêu gọi thu hồi 10.000 tấn sữa formula nhiễm melamine trước ngày 6/8/2008.
FDA đã đưa ra thông báo coi sữa formula dành cho trẻ em của Trung Quốc sản xuất là bất hợp pháp tại Mỹ.
Ngày 15/9/2008, bộ Y tế Trung Quốc công bố rằng 1.253 trẻ em ở Trung Quốc mắc bệnh sau khi uống sữa formula nhiễm melamine với 340 nhập viện và 53 em bị nặng.
Không chỉ là melamine
Melamine được xem là ít độc đối với người nhưng gây tác hại nghiệm trọng đối với trẻ em. Là vì sữa formula dành cho trẻ em thiếu sữa mẹ dưới sáu tháng tuổi phải dùng dạng sữa nhái sữa mẹ này, bị trộn melamine. Điều chế sữa formula đòi hỏi công nghệ cao và sản xuất quy mô lớn để hạ giá thành. Do lợi nhuận kếch sù, nhiều loại formula không đạt yêu cầu chất lượng dành cho trẻ trong tình trạng thận chưa phát triển cũng được lưu hành trên thị trường.
Nhiều nghiên cứu cho thấy ngay cả trẻ em dưới sáu tháng tuổi uống sữa bò nguyên chất đối chứng với trẻ em uống formula đạt yêu cầu chất lượng, cũng để lại những di chứng về thận cũng như cao huyết áp “bẩm sinh” vì hàm lượng khoáng trong dạng sữa này cao hơn sữa mẹ và đã không được lấy bớt đi. Nhiều thế hệ trẻ em trong nước cũng đã uống sữa bò dạng này và formula không đạt yêu cầu chất lượng.
Theo Công Khanh