Hệ thống xử lý nước thải cho 100% bệnh viện:15 năm nữa?

Ngày đăng: 16/09/2008 Lượt xem 3357
Cơ sở vật chất của bệnh viện đa phần đã xuống cấp, quá tải, chật hẹp. Thậm chí, nhiều bệnh viện không có chỗ để đặt bồn rửa tay. Mới chỉ khoảng 1/3 trong 139 bệnh viện trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý nước thải.

Đó là những bộc bạch của BS. Nguyễn Văn Châu - GĐ Sở Y tế TP.HCM trong buổi làm việc với Hội đồng Nhân dân TP.HCM về tình hình xử lý nước thải, rác y tế, và công tác nhiễm khuẩn của các bệnh viện ngày 15/9.

Hầu hết, lãnh đạo các Sở Y tế và bệnh viện đều tham gia buổi làm việc này, tuy nhiên chỉ có một chuyên viên của phòng Quản lý Môi trường - Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM. Lãnh đạo của 4 sở ban ngành liên quan khác là Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, Sở Tài chính, và Sở Xây dựng đã không tham dự.

Bệnh viện không có nơi để bồn rửa tay

Qua một khảo sát của Sở Y tế TP.HCM vào tháng 12/2006 trên 23 bệnh viện TP.HCM, tỷ lệ nhiễm khuẩn trong bệnh viện còn khá cao, đặc biệt ở trong những khoa hồi sức cấp cứu, kể cả ở người lớn và trẻ em. Ở một số khoa nhi, tỷ lệ nhiễm khuẩn là 18 - 25%.

Giải pháp đơn giản để giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn chính là rửa tay. Tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Văn Châu, vấn đề tổ chức đúng quy trình rửa tay hoàn toàn không đơn giản. Một mặt, cơ sở vật chất của bệnh viện đa phần xuống cấp, quá tải, chật hẹp. Thậm chí, nhiều bệnh viện không có chỗ để đặt bồn rửa tay.

"Bệnh nhân nằm 2 - 3 người/giường. Quá tải phòng mổ dẫn đến quy trình chống nhiễm khuẩn cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh đó, khi  xây dựng kinh phí cho một đầu giường bệnh, nhiều bệnh viện không đưa yếu tố chống nhiễm khuẩn vào một cách đầy đủ, do vậy hoạt động chống nhiễm khuẩn bị hạn chế rất lớn. Thí dụ, với tiêu chuẩn thay găng mỗi lần khám bệnh, tổng số găng cho một đơn vị khám chữa bệnh sử dụng trong một năm rất lớn, tốn một nguồn kinh phí vô cùng lớn," BS. Châu nói.

Trong khi đó, tình hình xử lý chất thải rắn y tế cũng gặp một số khó khăn. 20 -30% cơ sở y tế tư nhân chưa tổ chức tốt việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải y tế. Họ chưa đăng ký với công ty công ích hoặc công ty môi trường đô thị. Do khối lượng chất thải rắn ít, nên nhiều cơ sở y tế tư nhân tự mang đưa về gửi các bệnh viện trong khu vực.

Kinh phí cho công ty dịch vụ công ích của quận huyện hay công ty môi trường đô thị để thu gom các loại chất thải rắn có khối lượng nhỏ ở các cơ sở tư nhân này chỉ có từ 10.000 - 15.000 đồng/tháng. Chi phí này không đủ bù lỗ cho tiền xăng xe, tiền lương công nhân, chi phí bao đựng rác...

Để thuận lợi hơn trong việc thu gom xử lý rác thải y tế, Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị với HĐND TP.HCM cho phép các quận huyện ký hợp đồng với các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có giấy phép hoạt động hoặc có chức năng tái chế chất thải theo quy chế quản lý chất thải của Bộ Y tế.

Có tiền vẫn bùng nhùng chưa xây hệ thống xử lý nước thải

Điều đáng lo ngại hơn cả chính là hệ thống xử lý nước thải của ngành y tế thành phố, mặc dù từ đầu năm 2007, UBND TP.HCM và HĐND đã cấp kinh phí cho ngành y tế khoảng 60 tỷ đồng/năm, để xây dựng mới, cũng như đầu tư nâng cấp các khu xử lý nước thải của bệnh viện.

Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, đặt câu hỏi trong 4 vấn đề: vốn, cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, xây dựng - chuyển giao - vận hành khu xử lý nước thải, các bệnh viện đang vướng mắc ở khâu nào nhất.

Bởi trước đây, vào kỳ họp HĐND khóa 12, GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường đã từng đề nghị đối với 50 bệnh viện của thành phố trong năm 2007 phải khởi công xây dựng ngay các khu xử lý nước thải. Nhưng từ năm ngoái cho đến nay, thành phố mới tăng thêm 10 cơ sở, nâng tổng số cơ sở có hệ thống xử lý nước thải lên 48. Còn hơn 90 bệnh viện khác thì sao?

"Trước tình hình như vậy, tôi muốn hỏi Sở Y tế, về vấn đề xử lý nước thải y tế, từ nay đến cuối năm 2008, bao nhiêu bệnh viện sẽ tiến hành khởi công, bao nhiêu bệnh viện sẽ hoàn thành thủ tục. Sở Y tế có thể khẳng định mốc thời gian nào, tất cả bệnh viện của thành phố hoàn thiện xong hệ thống xử lý nước thải," ông Công Hùng chất vấn.

Theo BS. Châu, gần 2 năm qua, Sở Y tế cùng với Sở Tài nguyên - Môi trường đã kết hợp xây dựng mới, nâng cấp các khu xử lý nước thải bệnh viện, nhưng "các bệnh viện vẫn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dù đã được thẩm định về mặt công nghệ".

Mới chỉ có hai bệnh viện, Viện Y Dược học Dân tộc và BV Điều dưỡng Phục hồi Chức năng, tổ chức đầu thấu để xây dựng khu xử lý nước thải mới, nhưng kết quả đấu thầu của BV Điều dưỡng Phục hồi Chức năng đã bị huỷ bỏ vì giá bỏ thầu cao hơn giá dự toán rất nhiều. Cuối cùng, một bệnh viện chờ giá đấu thầu, một bệnh viện điều chỉnh để tổ chức đấu thầu lại.

Ngoài ra, ba bệnh viện khác, Viện Tim, BV Nhi Đồng 2, BV Củ Chi, đang có kế hoạch đấu thầu. Sáu đơn vị khác đang chờ Sở Tài nguyên - Môi trường phê duyệt dự toán.

Qua khảo sát của Sở Y tế, một hệ thống xử lý nước thải bệnh viện hoàn thiện phải tốn ít nhất 9 - 10 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận hành, và bảo trì - bảo dưỡng. Nếu mỗi năm, thành phố dành cho ngành y tế 60 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, thì có khoảng 6 bệnh viện sẽ có một hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu.

Vậy là, nếu không kêu gọi xã hội hóa, chúng ta cần 15 năm để hệ thống xử lý nước thải phủ kín toàn bộ mạng lưới bệnh viện trên địa bàn thành phố?

Hương Cát

Tin liên quan