Thực phẩm chế biến sẵn chứa chất béo gây hại

Ngày đăng: 21/06/2010 Lượt xem 2586

Đó là cảnh báo của PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng quốc gia tại hội thảo khoa học Tác hại của việc sử dụng thực phẩm có Trans fat diễn ra chiều 14/6, do Viện Dinh Dưỡng quốc Gia và chi hội Dinh dưỡng lâm sàng tổ chức.

Chất béo trans gây hại ra sao?
 
“Trans fat là loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại. Chất béo này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây đông đặc máu và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần bịt kín thành mạch khiến cho máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn và từ đó dẫn đến nguy cơ  đột quỵ”, TS Lâm nói.
 
Theo đó, khi trans fat đi vào cơ thể, nó chiếm chỗ (nhưng không thể thay thế) của axit béo cần thiết. Ngoài ra nó làm tăng mức LDL-cholesterol (cholesterol xấu) trong máu do đó làm tăng khả năng bị các bệnh tim mạch. Chưa kể, chất béo dạng trans gây ứng chế enzym chuyển hóa, gây hình thành các huyết khối trong động mạch, dẫn đến nguy cơ tăng đột quỵ.
 
Thống kê tại New York (Mỹ) cho thấy mỗi năm có đến hơn 500 người chết vì bệnh tim mạch có liên quan đến Trans fat. Vì sự độc hại của chất béo này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo, mỗi người không nên tiêu thụ trans fat quá 3g/ngày. Nhiều nước còn quy định rõ phải ghi rõ lượng trans fat trên bao bì nhãn mác, như tại Canada, nhà sản xuất chỉ được quyền ghi zero trans (không có mỡ trans) trong trường hợp sản phẩm chứa ít hơn 0,2gr. 

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Viện Tim Mạch Việt Nam cho biết, theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu tăng 2% năng lượng từ trans fat thì sẽ tăng 23% nguy cơ bệnh mạch vành. Trên thực tế, những năm gần đây, các bệnh tim mạch đang trở thành bệnh phổ biến ở Việt Nam với tỷ lệ mắc cao, tỷ lệ tử vong cao và có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cách giảm chất béo trans
 
Tại Việt Nam, trans fat vẫn còn là vấn đề mới mẻ, chưa được nhiều người tiêu dùng biết tới. Nhưng thực tế, từ lâu, trong ngành sản xuất chế biến đồ ăn sẵn, để tăng thời gian bảo quản, tươi ráo, giòn và có màu sắc đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng, người sản xuất dùng các loại dầu thực vật đã được hydro hóa trong quá trình chế biến. “Các sản phẩm có nguy cơ chứa nhiều chất béo trans như mỳ ăn liền (dùng công nghệ chiên), các loại bánh ngọt, sô-cô-la, kẹo, bánh bích-quy, bánh trung thu, khoai tây chiên, gà chiên, giò chả, các đồ nướng…”, TS Lâm nói.
 

Nếu thay 2% năng lượng từ trans fat bằng axit béo không no sẽ giúp giảm 53% nguy cơ bệnh động mạch vành.

 
Ngoài ra, nên dùng các loại dầu thực vật có chứa nhiều chất béo chữa bão hòa đa, hoặc loại dầu chưa bão hòa đơn (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu mè, dầu hướng dương). Tránh dùng các loại dầu thực vật hydro hóa, dầu dừa, nước cốt dừa, dầu cọ (dầu olein), mỡ heo vì chúng chứa quá nhiều chất béo bão hòa. Hạn chế việc tiêu thụ các thực phẩm có chứa quá nhiều cholesterol như lòng, tim, gan, óc, thận, lòng đỏ trứng gà, nên ăn thịt nạc đã bỏ da, bỏ mỡ. Không ăn margarine (bơ thực vật) loại cứng đóng thành thỏi (vì loại này được làm từ dầu thực vật hydro hóa nên chứa rất nhiều trans fat).
 
Đặc biệt lưu ý dầu ăn càng chiên đi chiên lại nhiều lần càng có nguy cơ bị hydro hóa. Nhất là khi dầu đã chuyển sang màu vàng sẫm thì nguy cơ chứa nhiều trans fat là khó tránh khỏi.
 
Ngoài ra, người dân cần có chế độ ăn hợp lý đủ vitamin, khoáng chất bằng cách tăng cường rau quả chín hàng ngày. Những loại rau tươi, màu sặc sỡ như xanh thẫm, vàng, đỏ càng chứa nhiều chất oxy hóa hơn. Chọn các loại chất bột đường có nhiều chất xơ như bánh mỳ đen, bánh mỳ ngũ cốc nguyên hạt, ngô khoai…
Vì thế, để giảm nguy cơ này, TS Lâm khuyến cáo, người tiêu dùng không nên sử dụng những thực phẩm có chứa trans fat - loại chất béo có hại nguy cơ gây nên bệnh tim mạch và đột quỵ. Tức là đọc kỹ nhãn mác khi chọn mua thực phẩm chế biến sẵn. 

Tin liên quan