Tự ý phun hóa chất diệt muỗi: Nguồn gốc của ung thư

Ngày đăng: 14/06/2011 Lượt xem 1843

Mua bực mình

Mỗi tuần cả nước lại ghi nhận hàng trăm ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Chính điều này khiến người dân rất hoang mang, lo sợ. TS Nguyễn Công Tảo, trưởng khoa Xử lý dịch bệnh sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, muỗi bùng phát có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản là do môi trường.

Thời tiết nóng ẩm hiện nay cũng thuận lợi cho muỗi phát triển. Để chống muỗi đốt gây các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, viêm màng não, nhiều người đã tìm mọi cách để diệt muỗi, thậm chí thuê hẳn một đơn vị chuyên diệt muỗi, côn trùng đến tận nhà phun hóa chất diệt muỗi. TS Tảo cho biết, lợi dụng điều này, nhiều công ty cũng gõ cửa từng nhà dân để phát tờ rơi quảng cáo hoặc mạo danh nhân viên trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đến mời chào mua thuốc diệt muỗi, côn trùng hoặc phun thuốc diệt muỗi.

Trường hợp nhà anh Mai (Thanh Trì) là một ví dụ điển hình. Vốn ở trong vùng dịch, năm nào huyện Thanh Trì cũng có người mắc sốt xuất huyết, vì thế khi mới chuyển về đây sinh sống, anh rất lo lắng khi vụ dịch đang đến gần. Đang tìm cách liên hệ với y tế địa phương thì một chiều anh được một người đến tận nhà xưng là người của trung tâm y tế dự phòng quận, đến bán hóa chất diệt muỗi phòng bệnh. Như trút được nỗi lo, anh Mai không ngần ngại bỏ ra 300.000 đồng để lấy một bịch hóa chất toàn tiếng Trung Quốc với lời hướng dẫn, chỉ cần hòa với nước cho vào bình xịt hoa, cây cảnh rồi phun lên tường, đồ dùng trong nhà. Anh Mai làm theo hướng dẫn và phun thuốc hết mọi ngõ ngách từng phòng nhưng chỉ vài tiếng sau muỗi vẫn bay vo ve khắp nhà.

\"ds1209091-optimized\"
Ảnh minh họa

Vệ sinh môi trường là hiệu quả nhất

TS Tảo khuyến cáo, cách làm này sẽ không đem lại hiệu quả, mà còn gây rất nhiều tác hại ngược, bởi vì nhiều công ty sử dụng hóa chất diệt muỗi có hai chất là shipyrethroids và carbamate. Đây là hai chất có thể gây suy hô hấp, làm tăng nhịp tim, nếu bị ảnh hưởng kéo dài có thể gây ung thư. Việc dùng thuốc tùy tiện, không đúng liều lượng, dùng trong một thời gian quá dài... sẽ dẫn tới tình trạng côn trùng kháng hóa chất.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương mới đây, cho thấy, muỗi gây bệnh SXH ở 4 quận, huyện là Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa và Hoàng Mai đều đã kháng với 3 loại hóa chất thường dùng là permethrin 0,75%, lambda-cyhalothrin 0,05% và DDT 4%. Tình trạng muỗi kháng hóa chất không chỉ có tại Hà Nội mà xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. TS Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết, bản chất của việc phun hóa chất là phun dập dịch. Nghĩa là khi phát hiện ra khu vực đang có ổ dịch bệnh SXH các cơ quan chức năng sẽ khoanh vùng và tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng cả vùng có dịch bệnh. Do đó, việc phun theo từng nhà sẽ không có tác dụng vì muỗi có thể chết tại thời điểm được phun nhưng sau đó xuất hiện trở lại do \"di dân\" từ nhà hàng xóm. Ngoài ra, việc xịt thuốc muỗi quá liều, không che chắn để hoá chất dính vào đồ đựng thực phẩm cũng có thể gây ngộ độc. Trung tâm Chống độc - bệnh viện Bạch Mai cho hay, tuần nào cũng tiếp nhận và điều trị cho 5-7 người ngộ độc thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng. Vì vậy, người dân cần hết sức cẩn trọng khi diệt muỗi.

Theo các chuyên gia, cách phòng bệnh tốt nhất là thu dọn rác, kể cả dụng cụ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...). Úp ngược các dụng cụ gia đình như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm. Đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng nắp hoặc vải để ngăn không cho muỗi đẻ, thả cá, dội nước nóng vào thành vại để diệt bọ gậy và trứng khi còn chứa ít nước. Có thể diệt muỗi tạm thời bằng đốt hương muỗi, bình xịt thuốc cá nhân. Tuyệt đối không được tự ý phun hóa chất, nếu phun nên theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

H. Phong

(Theo Báo lao động thủ đô)


Tin liên quan