Căn bệnh ung thư đang hoành hành ở khắp mọi miền đất nước và ngày càng tăng cao, với ước tính mỗi năm có 150 ngàn ca mắc mới và 75 ngàn người tử vong, gấp 7 lần số người chết do tai nạn giao thông.
Giật mình những con số
Qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận định trên 80% nguyên nhân gây UT là từ môi trường (hút thuốc lá chủ động và thụ động, môi trường ô nhiễm, dinh dưỡng không hợp lý, nhiễm vi khuẩn, vi-rút...). Thời gian tiếp xúc với các yếu tố trên càng lâu, tần số tiếp xúc càng nhiều, thì nguy cơ mắc UT càng tăng lên. UT thường gặp ở nam giới là: phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, vòm họng; ở nữ giới là: vú, cổ tử cung, buồng trứng, tuyến giáp trạng, dạ dày, đại tràng...
Tại Bệnh viện (BV) K (Hà Nội), số liệu ghi nhận được cho thấy tỷ lệ mắc và chết do UT ngày càng tăng lên, là nguyên nhân số một đe dọa sức khỏe người dân. Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc BV K thông tin: “Nghiên cứu của chúng tôi về tình hình mắc UT trên phụ nữ ở Hà Nội trong vòng 20 năm qua cho thấy, tỷ lệ mới mắc UT ở phụ nữ có xu hướng tăng rõ, đặc biệt trong 10 năm gần đây. Cụ thể, từ 1988 - 2007, số ca mắc mới UT ghi nhận là 28.672 ca; trong đó, 10 năm đầu (1988-1997) trung bình mỗi năm từ 579 - 1.385 ca, nhưng đến 10 năm gần đây (1998-2007) tăng lên 1.504 - 2.617 ca. Tính theo xuất độ, các loại UT thường gặp ở phụ nữ cũng tăng cao. Ví dụ, UT vú có xuất độ mắc bệnh mới tăng từ 17,9/100.000 người năm 1988 lên 21/100.000 người năm 1997 và hiện nay là 32/100.000 người; các loại UT khác hay gặp ở phụ nữ (dạ dày, phế quản, phổi, đai trực tràng, buồng trứng, giáp trạng...), tỷ lệ mắc cũng tăng trong thời gian qua: từ 5,4 - 19/100.000 người năm 1988 lên 9,2 -32/100.000 người hiện nay”. Theo đánh giá của giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc BV K và nhóm nghiên cứu về UT ở nữ giới ở Hà Nội: tỷ lệ mắc UT ở nữ giới tăng dần theo tuổi, nhưng có xu hướng gia tăng ở lứa tuổi 40 - 44.
GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM, cũng cho biết: “Thống kê mới cho thấy, phụ nữ ở TP.HCM mắc UT vú rất cao, với xuất độ mắc mới là 19/100.000 người mỗi năm. Kế đó là UT cổ tử cung, với xuất độ mắc mới là 17/100.000 người/năm. Đáng sợ nhất là UT phổi, UT gan, UT dạ dày, là những loại UT ít khi được phát hiện sớm, khi phát hiện ra thì thường bệnh đã ở giai đoạn muộn, khả năng chữa trị khó khăn. Do nhiều yếu tố từ môi trường, chế độ dinh dưỡng, lối sống... khiến bệnh UT ngày càng nhiều”.
Còn tại Hải Phòng, thống kê được báo cáo cuối tháng 9 vừa qua cho thấy, tỷ lệ tử vong hằng năm do bệnh UT ở Hải Phòng luôn chiếm vị trí hàng đầu. Mỗi năm, Hải Phòng có 3.000 - 4.000 bệnh nhân UT mắc mới.
Bệnh viện quá tải trầm trọng
Do tỷ lệ mắc bệnh ngày càng cao, trong khi cơ sở vật chất chưa được đầu tư tương xứng nên những năm qua tình trạng quá tải tại các BV điều trị ung thư ngày càng trầm trọng.
BV Ung bướu có 1.100 giường bệnh điều trị nội trú, nhưng thực tế lúc nào số bệnh nhân nằm điều trị tại đây cũng khoảng 1.600 người. Bên cạnh đó, lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú còn nhiều gấp 3 lần nội trú. Bình quân, mỗi ngày BV tiếp nhận khám từ 1.200 - 1.500 bệnh nhân, trong đó chiếm 50% - 60% là người bệnh đến từ các tỉnh, thành ngoài TP.HCM. Các bệnh UT phát hiện nhiều thời gian gần đây là UT tuyến giáp trạng, UT vú, phụ khoa, UT gan, phổi... Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu, các khoa ngoại 1 (các bệnh về phụ khoa), ngoại 2 (tổng quát), ngoại 3, 5 (các bệnh về đầu, cổ) mỗi khoa luôn có khoảng 500 bệnh nhân chờ mổ; ngoại 4 (các bệnh ở nhũ bộ) luôn có từ 100 - 200 bệnh nhân chờ mổ thường xuyên. Thực trạng này khiến có khoa người bệnh phải chờ mấy tháng mới tới lượt mình được phẫu thuật!
Không chỉ quá tải về giường bệnh, lực lượng bác sĩ, y sĩ điều trị UT cũng thiếu hụt trầm trọng. Theo tiêu chuẩn, với 1.100 giường bệnh ở BV Ung bướu cần phải có gần 1.600 y, bác sĩ, nhưng thực tế BV này có hơn 900 cán bộ - nhân viên, trong đó chỉ có 150 bác sĩ. Bác sĩ Phạm Xuân Dũng bức xúc: “Bệnh nhân UT chủ yếu “đổ” về hai nơi điều trị UT chủ chốt ở TP.HCM và Hà Nội, vì thế những dịch vụ đáp ứng cho bệnh nhân UT cũng không theo kịp. Cơ sở vật chất chật hẹp, khó khăn cho cả bác sĩ và bệnh nhân”.
Tương tự, với khoảng 4.000 ca mắc mới UT trên địa bàn, nhưng BV Việt - Tiệp Hải Phòng (nơi điều trị UT) chỉ có 40 giường bệnh, 2 máy xạ trị cobalt đã cũ và một số trang thiết bị hóa trị, xạ trị, điều kiện cơ sở vật chất còn lạc hậu...
Tiến sĩ Trần Văn Thuấn cũng nhìn nhận thực tại tình trạng quá tải bệnh nhân UT, khiến không chỉ người bệnh phàn nàn cơ sở chật chội mà chính ngành y tế cũng khổ sở.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) hiện tượng nằm ghép đôi, ghép ba tại các BV tuyến T.Ư: Chợ Rẫy, Bạch Mai, K... là khá phổ biến và kéo dài nhiều năm, gây ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh. Tại BV K, công suất sử dụng giường thực kê lên đến 300% trong năm 2007. Các chuyên gia cũng nhận định "Với thực trạng hiện có, ngành y tế mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu chữa trị UT. Nhu cầu phòng bệnh, phát hiện sớm, khám chữa bệnh về UT ngày càng tăng lên nhanh chóng. Nếu không được đầu tư thỏa đáng, trong tương lai gần, nhu cầu về khám chữa bệnh và phòng chống UT còn vượt xa hơn nữa so với khả năng đáp ứng của ngành".
Thanh Tùng - Liên Châu