Không được nhắc nhiều như ung thư vú, cổ tử cung, gan... nhưng ung thư đại-trực tràng đáng để quan tâm vì liên quan đến những nguy cơ khá phổ biến của người dân hiện nay như béo phì, ít vận động, dùng nhiều chất béo
Khảo sát mới nhất về xuất độ ung thư tại TPHCM cho thấy ung thư đại-trực tràng (UTĐTT) xếp thứ 4 ở nam (sau ung thư gan, phổi, dạ dày) và thứ 3 ở nữ (sau ung thư cổ tử cung, vú).
Trên 50 tuổi, cần cảnh giác
Hiện nay y học chưa biết chính xác nguyên nhân gây UTĐTT, tuy nhiên có những yếu tố nguy cơ chắc chắn làm dễ mắc bệnh hơn như lớn tuổi (9/10 bệnh nhân UTĐTT trên 50 tuổi), có tiền sử bị polip đại-trực tràng, có tiền sử mắc bệnh đường ruột (như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn), trong gia đình có người mắc bệnh UTĐTT, dùng thức ăn chứa nhiều mỡ (đặc biệt là mỡ động vật), thiếu vận động, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu...
Thực đơn phòng ngừa UTĐTT
1. Dùng ít nhất 5 bữa trái cây và rau quả mỗi ngày vì trong những thực phẩm này chứa nhiều vitamin, các flavonoid, muối khoáng có tác dụng ngăn ngừa tế bào bình thường biến đổi thành ác tính. Sử dụng viên thuốc bổ sung cũng có tác dụng ở một số người, nhưng không tốt bằng trái cây và rau quả tươi.
2. Dùng nhiều chất xơ, vì chất xơ kéo theo những chất độc tống xuất theo phân ra ngoài.
3. Hạn chế rượu.
T.H (Theo BBC)
Do gây tổn thương trực tiếp trên ruột già, phần cuối của đường tiêu hóa, nên người bị UTĐTT thường có những triệu chứng dễ nhận biết như thay đổi về thói quen đi cầu (tiêu chảy, táo bón kéo dài), mắc đi cầu nhưng đi xong cảm giác vẫn còn, đi cầu ra máu hoặc phân đen, đau bụng kéo dài, mệt mỏi. Có các triệu chứng này chưa chắc bị UTĐTT, nhưng cần đến bác sĩ để làm rõ, nhất là ở người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp UTĐTT diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt.
Một số xét nghiệm tương tự như các test tầm soát ung thư ở người không có triệu chứng kể trên là thử máu, nội soi trực tràng, X-quang đại tràng cản quang và nội soi đại tràng. Nhiều trường hợp, các xét nghiệm có thể tìm ra ung thư ở giai đoạn rất sớm và như thế sẽ làm tăng kết quả điều trị. Xét nghiệm còn có thể phòng ngừa ung thư bằng cách cho phép thầy thuốc cắt bỏ polip trước khi chúng biết thành ung thư.
Cắt bỏ polip, cách phòng ngừa hữu hiệu
Ba cách điều trị UTĐTT là phẫu thuật cắt bỏ bướu, hóa trị và xạ trị hỗ trợ. Mới nhất, trong hóa trị hỗ trợ chúng ta bắt đầu có liệu pháp nhắm trúng đích. Nhìn chung, cách điều trị nào cũng gây ra một số khó chịu cho bệnh nhân, như ở nam giới sau phẫu thuật thường bị rối loạn về tình dục, một số ít bệnh nhân bị xuất tinh ngược chiều vào bàng quang. Xạ trị có thể làm da kích thích, gây buồn nôn, tiêu chảy, kích thích trực tràng hoặc bàng quang và mệt mỏi.
Hóa trị gây tiêu chảy, buồn nôn và ói mửa, chán ăn, rụng tóc... Liệu pháp nhắm trúng đích chỉ diệt tế bào ung thư nên ít tai biến hơn hóa trị nhưng hạn chế là thuốc rất đắt tiền. Tùy theo giai đoạn của ung thư, người ta áp dụng hai cách điều trị cùng lúc hoặc cách này trước kế đến cách sau. Tiên lượng của bệnh nhân tùy vào kiến thức và kinh nghiệm của nhóm điều trị.
Nếu bệnh nhân mắc UTĐTT được phát hiện sớm và được điều trị đúng thì 90% sẽ sống 5 năm. Một khi ung thư đã qua hạch hoặc cơ quan kề bên thì tỉ lệ này giảm xuống. Cũng cần lưu ý là hiện nay y học biết rằng UTĐTT khởi đầu bằng một tổn thương gọi là polip, 5 - 10 hay 25 năm sau, polip trở thành ung thư. Do đó cắt bỏ polip sớm là cách phòng ngừa UTĐTT hữu hiệu nhất.
Mặc dù không biết rõ nguyên nhân gây UTĐTT nhưng hiện có một số biện pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh này. Đó là thực hiện các test tầm soát, ăn uống đúng cách (tăng cường thực phẩm nguồn thực vật, ăn trái cây và rau cải mỗi ngày, hạn chế dùng thức ăn nhiều mỡ), tăng cường vận động (ít nhất 30 phút/ngày)... Những biện pháp này cần thực hiện sớm, thường xuyên hơn người bình thường cho đối tượng có tiền căn gia đình bị UTĐTT.
PGS-TS Lê Quang Nghĩa (Phó Giám đốc BV Bình Dân TPHCM, Chủ tịch Hội Ngoại Tiêu hóa TPHCM)